Trồng và thu hoạch cây hương thảo
Hương thảo là loại thảo mộc có thể sử dụng để làm cây cảnh, lá có thể được sử dụng làm tinh dầu và trà lá hương thảo có công dụng hỗ trợ thần kinh.
Cây hương thảo (rosemary) là cây thuộc họ bạc hà dạng thân bụi lâu năm, nó có thể đạt chiều cao đến 2m. Cây hương thảo có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải nó thích hợp với khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Cây hương thảo thích hợp trồng trong điều kiện chiếu sáng hoàn toàn và đất có độ pH trong khoảng 6 -7, tơi xốp dễ thoát nước. Nó là thảo mộc có mùi thơm đặc biệt và có vị ngọt của nhựa cây.
Cây hương thảo tại Lâm Hà – Lâm Đồng
Giống: Cây hương thảo có thể được ươm từ hạt hoặc làm cây con bằng phương pháp giâm cành. Phương pháp giâm cành là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Để trồng hương thảo bằng phương pháp giâm cành, bạn cần chuẩn bị cây trước mùa mưa khoảng 2 tháng, để cho bộ rễ của cây khỏe mạnh khi đưa ra trồng trong chậu lớn hoặc ngoài trời.
Khoảng cách trồng: Cần chú ý cây hương thảo có thể vươn rộng tán ra hơn 1 m do đó, bạn cần tạo khoảng cách trống giữa các cây vào khoảng 80 cm – 1 m để cây phát triển tốt và dễ chăm sóc thu hái.
Cây con hương thảo trong khay ươm giống
Cắt tỉa: Thông thường, cây cần được cắt tỉa các cành yếu và làm thoáng gốc, để tránh bị nấm mốc và làm cây bị yếu (đặc biệt vào mùa mưa nhiều).
Thu hoạch: Cây hương thảo có thể cho thu hoạch 2-3 lần/năm. Mỗi lần thu hoạch cách nhau 4 tháng, tuy nhiên nó phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu và cách chăm sóc, nếu bạn trồng ít và chăm sóc tốt bạn có thể thu hoạch nhiều lần hơn và mỗi lần bạn nên cắt tỉa các cành đủ tuổi.
Phòng trừ sâu bệnh: Để tránh bị nấm mốc, sâu tơ,… , ngoài để chiếu nắng hoàn toàn bạn có thể sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường như dịch ngâm tỏi ớt, chế phẩm Neem sinh học (nano neem), hoặc Ag Nano ở nồng độ thấp nếu nấm bệnh quá nhiều cần loại bỏ các cây bị bệnh ra khỏi vườn và xử lý đất bị nấm ngay để tránh lây lan sang chỗ khác.
Sản phẩm tinh dầu hương thảo
Sản phẩm đầu ra: Các sản phẩm có thể được làm từ cây hương thảo như: bonsai, lá hương thảo tươi làm gia vị, lá hương thảo khô làm gia vị – làm trà, tinh dầu hương thảo, hydrosol hương thảo. Các sản phẩm làm ra từ cây hương thảo có tác dụng tốt đối với sức khỏe người dùng, và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho chuỗi sản xuất đi từ nông nghiệp, đặc biệt là khi áp dụng công nghệ cao vào trong các khâu trồng trọt, thu hái và sản xuất các sản phẩm.
Nghành Nông nghiệp Công nghệ cao
Khoa Công nghệ thực phẩm & Nông nghiệp Công nghệ cao – Trường Đại học Đông Á
33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng