Trồng sen ruộng đã đẹp mà ngó bộ phận nào cũng bán ra tiền
Hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Bình (xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác lúa 3 vụ sang luân canh “1 lúa – 1 sen”. Năm nào sen có giá, ông Bình tranh thủ trồng thêm 1 vụ sen để vừa thu ngó, gương, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định.
Năm rồi, ngoài diện tích đất của gia đình, ông Bình còn thuê thêm vài công đất xung quanh để trồng sen. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh, đầu ra hơi chậm nên ông Bình chủ động thu hẹp diện tích, chỉ canh tác khoảng 1,5ha sen khi vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân.
Mô hình trồng 1 vụ sen, 1 vụ lúa giúp nhiều nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tăng thu nhập.
Theo ông Bình, trước khi trồng sen , ông tìm tòi kiến thức trên internet, học hỏi những người nông dân đã trồng trước đó để có thêm kinh nghiệm. “Chọn sen vì tính khả quan của nó. Nếu thời tiết thuận lợi, khâu làm đất kỹ thì sen ít nhiễm bệnh, nhẹ công chăm sóc, chịu được mưa lũ…
Trong thời gian sinh trưởng vẫn cần bón phân lai rai, còn khi bị sâu bệnh: thúi cây, sâu lá, mò đỏ… tấn công thì mới xịt thuốc, nếu không bị bệnh thì sen vẫn phát triển bình thường, không cần chăm sóc nhiều” – ông Bình cho hay.
Trước khi trồng sen, ông Bình cày bừa, làm sạch mặt ruộng rồi mới cho đặt sen giống xuống trồng. Mỗi công sen, ông Bình trồng từ 160-170 cây giống được lấy lại từ ruộng sen cũ trước đó, nên đỡ phần chi phí giống, chỉ tốn tiền thuê nhân công trồng 1.500 đồng/cây con.
Thời điểm hiện tại, ruộng sen của ông Bình đã xuống giống được hơn 1,5 tháng và bắt đầu thu hoạch ngó sen. Theo ông Bình, việc thu hoạch ngó hay gương sen phụ thuộc vào giá cả của 2 loại này.
“Khi thấy ngó sen có giá thì mình thu hoạch ngó sen mỗi ngày, còn khi thị trường hút gương sen thì mình chựng thu ngó sen lại, để sen có gương bán cho thương lái. Mình nhạy bén chút để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình” – ông Bình giải thích.
Khi cây sen được chăm sóc tốt, phân bón, nước đầy đủ thì có thể cho thu hoạch ngó sen mỗi ngày. Bên cạnh việc tiêu thụ ở địa phương, thương lái ở nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh đến tận ruộng để thu mua sen.
Chẳng hạn, ngó sen được thương lái thu mua để bán ở các chợ trong tỉnh, có khi bán qua Campuchia. Còn gương sen đã có thị trường riêng, một số thương lái mua gương sen để bán tại chợ Châu Đốc (TP. Châu Đốc), một số thì mua gương sen bán sang tỉnh Đồng Tháp… Nhờ có nhiều thương lái thu mua nên đầu ra được đảm bảo, thu nhập ổn định.
“Ngó sen có thể thu hoạch mỗi ngày, nhưng để duy trì năng suất lâu dài, cứ thu hoạch ngó sen 5 ngày, nghỉ 2 ngày rồi tiếp tục thu hoạch. Nếu thu hoạch liên tục, mỗi ngày có thể cung cấp ra thị trường từ 150-200kg ngó sen. 2-3 tháng sau, khi thấy ngó sen ngắn lại, năng suất bắt đầu giảm, mình móc con sen củ cho lên bờ, làm đất để tiếp tục trồng sen hoặc xen vụ lúa, tùy tình hình” – ông Bình chia sẻ.
Thay vì chọn cây trồng khác để chuyển đổi trên diện tích đất trồng lúa trước đây, ông Bình cũng như một số bà con nông dân ở các địa phương đã chọn cây sen để canh tác.
“Việc thu hoạch hàng ngày sẽ giúp bà con có được “đồng ra, đồng vô”, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày… Đó là chưa kể đến mô hình trồng sen còn giúp tạo thêm việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, ổn định công việc cho các lao động địa phương đến từ việc thu hoạch ngó, gương sen mỗi ngày” – ông Bình hồ hởi.
Ở An Giang, việc thâm canh lúa liên tục qua nhiều năm khiến đất dần suy kiệt, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, nông dân không còn thu được lợi nhuận như trước đây. Trước tình hình đó, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích chuyên canh lúa sang các loại cây trồng khác, như: hoa màu, cây ăn trái… Hoặc luân canh lúa – màu ở những nơi phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng trên. Trong đó, trồng sen là một trong những mô hình nông dân có thể tham gia để phát triển trên diện tích đất canh tác của mình.