Trồng nho Hạ Đen kết hợp du lịch trải nghiệm

Là loại nông khá sản mới lạ, cho năng suất và chất lượng tốt, nho Hạ Đen được không ít nông dân trong tỉnh lựa chọn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, vườn nho hạ đen của anh Đoàn Văn Cường xã Trung Chính (huyện Lương Tài) còn là điểm tham quan, trải nghiệm được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Anh Đoàn Văn Cường giới thiệu vườn nho với du khách.

 

Đến vườn nho Hạ Đen của gia đình anh Cường vào buổi sáng cuối tuần, khi nho đang thời kỳ cho thu hoạch, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi từng hàng, từng hàng nho thẳng tắp sai trĩu quả. Nắng tháng 6 với bầu không khí có phần oi ả nhưng không cản bước chân của nhiều vị khách có mặt ở đây khá sớm để thăm quan, chụp ảnh và tự cắt những trùm nho chín mọng mang về làm quà. Lúc này, anh nông dân Đoàn Văn Cường đang nhiệt thành hướng dẫn khách cách cắt nho cũng như giới thiệu sơ qua về vườn nho của gia đình, thi thoảng có những người còn muốn chụp ảnh lưu niệm cùng ông chủ vườn nho, anh Cường rất vui vẻ đồng ý.
Khi những nhóm khách thưa hơn, anh Cường mới có thời gian nán lại và tranh thủ chia sẻ với chúng tôi về mô hình trồng nho của mình. Anh bộc bạch: “Bản thân tôi và vợ cũng xuất thân nông dân, vừa làm nông nghiệp, vừa làm thêm  không ít nghề phụ. Đi nhiều nơi, xem ti vi và qua mạng xã hội chúng tôi tình cờ biết đến giống nho Hạ Đen được trồng thành công ở Bắc Giang, tôi lên tận nơi học hỏi. Sau đó, tôi đi mấy tỉnh lân cận để tìm hiểu thực tế và nhận thấy loại cây này có thể trồng được trên đất quê mình. Ban đầu, tôi chỉ dám trồng khoảng 70 gốc nho để thử nghiệm. Sau khi áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng phương pháp thì lứa nho này đã cho thu hoạch. Vậy là năm 2020, chúng tôi quyết định đầu tư, thuê hơn 2000 m2 đất tiến hành cải tạo, tăng diện tích trồng nho”.
Nho hạ đen là giống nho “khó tính”, để bảo đảm cây sinh trưởng hiệu quả, cần phải có kỹ thuật cắt tỉa, quy trình bón phân, chăm sóc đầy đủ. Ngoài ra, nho còn rất “dị ứng” với mưa, ngập trũng, nên phải đào các rãnh đất cao, thiết kế bạt phủ, hệ thống mái che để cây có điều kiện phát triển tốt nhất. Để vườn nho Hạ Đen được sinh trưởng và phát triển tốt, đúng kỹ thuật, tránh tác hại của sâu bệnh, anh Cường đầu tư lắp đặt mái che nilong để ngăn nước mưa, sương giá và tưới nước tự động đảm bảo độ ẩm thích hợp. “Việc chăm sóc Nho Hạ Đen thời kỳ đầu rất vất vả, thường xuyên phải cắt tỉa, quan sát tỉ mỉ và đúng kỹ thuật mới có thể cho ra nhiều hoa và đậu quả, đến khi ra quả non phải tiến hàng tỉa bớt  để chùm nho đến khi thu hoạch đảm bảo được to tròn, đều. Mái che và hệ thống tưới nước tự động là một trong những điều kiện quan trọng nhất để vườn nho của gia đình phát triển tốt. Tới khi sắp thu hoạch phải đặc biệt quan tâm đến độ ẩm của đất để đảm bảo độ ngọt cho quả”. Anh Cường  chia sẻ thêm.
Chi phí đầu tư cho hơn 6 sào nho tương đối lớn, khoảng 420 triệu đồng, song với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của bản thân, năng động sáng tạo, gần 700 gốc nho Hạ Đen của gia đình anh Cường có thể cho thu khoảng hơn 1 tấn quả với những chùm nho căng tròn, tím mọng. Mỗi năm Nho Hạ Đen cho thu hoạch 2 vụ quả vào tháng 11 và tháng 5. Bắt đầu từ vụ thứ hai, khi thân, tán, rễ nho đã phát triển mạnh thì sản lượng qủa thu hoạch được sẽ tăng ít nhất gấp đôi, tới vụ quả thứ hai sẽ bắt đầu có lãi.
Khi được hỏi về lý do không tìm các thương lái hoặc nguồn mua ổn định và bán đồng loạt, mà lại chọn hướng phát triển du lịch tại vườn để du khách đến thăm quan, trải nghiệm và mua nho. Anh Cường cho biết: “Khi nho có quả và chín dần, tôi đăng lên mạng xã hội thông tin có nho chín để bán. Tuy nhiên, nhiều người chưa tin ở Lương Tài có thể trồng được giống nho thịt giòn, ngọt có màu đen đậm và không hạt nên đề nghị đến xem. Từ đó, tôi mở cửa cho khách đến tham quan vườn nho. Thật bất ngờ, khách đến rất đông, chỉ vài giờ đã mua hết hơn 100kg nho chín tại vườn (giá 120.000 đồng/kg). Rồi mọi người thông tin, chia sẻ cho nhau biết và đến vườn nho tham quan ngày một nhiều. Hiện, mỗi tuần tôi chỉ mở cửa 2 ngày thứ 7 và chủ nhật, miễn phí tham quan, chụp ảnh. Mỗi lần mở cửa có từ 300-500 khách/ ngày.
Hào hứng chụp ảnh cùng các bạn, Cùng con đến vườn nho từ sáng sớm, chị Nguyễn Thanh Hoài, một vị khách đến từ thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Qua lời giới thiệu, thấy nhiều người đến vườn nho tham quan chụp ảnh rất đẹp. Hôm nay cuối tuần, tôi đưa các con đến tham quan. Thật vui khi ngay tại Bắc Ninh mình cũng có thể trồng được nho, với quả chín to đều, ăn rất ngon và chụp hình rất đẹp. Ngoài việc vui chơi tại vườn, tôi cũng mua một ít nho về làm quà cho bạn bè và người thân”.
Từ thành phố Hồ Chí minh về thăm quê, anh Nguyễn Hoàng Sơn cùng gia đình 4 người đến vườn nho tham quan, chụp nhiều kiểu ảnh làm kỷ niệm, anh Sơn bày tỏ: “Tôi khá ngạc nhiên và ngưỡng mộ những người nông dân sáng tạo, dám nghĩ dám làm như anh Cường vì đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới và đạt hiệu quả. Việc cho khách đến tham quan, tạo hình thức du lịch sinh thái, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay”.
Cây nho Hạ Đen hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Lương Tài và bước đầu cho thấy giống cây này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Từ việc kết hợp trồng nho để mở cửa cho khách tham quan, du lịch đã giúp gia đình anh Cường giới thiệu được loại cây nhà đến nhiều du khách gần xa, đồng thời từ đó bán được nho tại vườn với giá thành phải chăng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng tuổi thọ của cây nho Hạ Đen kéo dài khoảng 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 15 năm, hiệu quả đầu tư là rất lớn.
Anh Cường cũng chia sẻ với chúng tôi về dự định mở rộng thêm diện tích vườn nho, mở khu du lịch sinh thái trải nghiệm câu cá, hái nho, thưởng thức ẩm thực cho du khách trong tương lai không xa. Và chẳng phải đi đâu xa, chỉ ngay Bắc Ninh thôi, chúng ta sẽ có những chuyến du lịch lý thú, bổ ích không khác ở những miệt vườn miền Tây. Hy vọng, với sự cần cù, chịu khó, sự năng động, sáng tạo của người nông dân thời kỳ mới những dự định, mong muốn của anh Đoàn Văn Cường sẽ sớm trở thành hiện thực, thắp sáng ý chí, khát khao làm giàu mở ra hướng đi mới cho chính bản thân và những người nông dân khác.