Trồng nấm bào ngư cho thu nhập khá

Sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng nấm bào ngư xám ở các nơi khác và tìm hiểu thông tin trồng nấm trên các báo, đài. Đầu năm 2019, gia đình ông Chúng bắt đầu đầu tư trồng nấm bào ngư xám. Trên diện tích 300m2, ông đã mạnh dạn đầu tư số vốn trên 100 triệu đồng để xây dựng khuôn viên nhà trồng nấm, lắp đặt hệ thống pét phun nước tự động và kệ sắt nhiều tầng để phôi nấm.

Ban đầu ông trồng thử nghiệm 1.500 phôi. Sau khi thu hoạch xong, ông Chúng thấy bước đầu hiệu quả kinh tế khá cao và đầu ra ổn định. Sau đó, với sự đam mê và quyết tâm trong sản xuất, ông lại đầu tư thêm 9.000 phôi nấm nữa. Hiện nay quy mô sản xuất của gia đình ông đạt 10.500 phôi nấm bào ngư xám. Theo chia sẻ của ông Chúng, ngoài việc chọn mua phôi giống tốt, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo duy trì nhiệt độ từ 25 – 28 độ C, độ ẩm khoảng 70 – 80%; tưới nước phun sương tự động một lần/ngày và theo dõi bệnh mốc xanh để kịp thời cách ly. Để phòng bệnh này, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm cho nhà nấm và cách bảo quản nấm đúng kỹ thuật. Mỗi bịch phôi nấm cân nặng 40 – 80g, sau khi mở miệng bịch nấm ra, 4 ngày sau là cho thu hoạch, đạt sản lượng bình quân từ 1 – 1,1 kg nấm tươi/bịch phôi (1 bịch phôi cho thu hoạch từ 8- 10 lần, 1 tháng thu hoạch 2 lần). Với giá bán lẻ từ 60 – 70 ngàn đồng/kg, giá sỉ 45 – 50 ngàn đồng/kg. Thương lái đến tận nhà để mua, nhiều khi không có nấm để bán.

Với cái tâm của người sản xuất, ông Chúng luôn tích cực trao đổi những cách làm hay, những kinh nghiệm và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho các nông dân ở địa phương và nơi khác một cách tận tình, để giúp đỡ nông dân cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên khấm khá. Ông Chúng còn tham gia tích cực các hoạt động ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, ông thường đóng góp để tu sửa đường giao thông nông thôn liên xóm. Đặc biệt, là giải quyết việc làm cho 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương có thu nhập ổn định từ việc chăm sóc và hái nấm.

Từ hiệu quả của mô hình này, Hội Nông dân xã Bình Thành đã tuyên truyền, vận động hội viên cùng tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Vì vậy, hiện tại có một số hộ trên địa bàn đã chủ động tham khảo cách thức làm nấm từ ông Chúng và các kênh thông tin để tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa,… tự sản xuất phôi làm nấm. Phù hợp với định hướng của hội nông dân xã nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản./.
Văn Phong