Trồng khoai môn ít tốn sức, lãi cao hơn 6 lần cấy lúa

Khoai môn có thể dùng ăn tươi, chế biến thực phẩm nên dễ tiêu thụ. 

Hai địa phương có diện tích trồng khoai môn lớn nhất ĐBSCL là huyện An Phú (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ông Lê Văn Đào, trồng 8 công khoai môn ở xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú (An Giang) cho biết thời tiết năm nay thuận lợi nên năng suất khoai môn vụ hè thu đạt từ 3,5-4 tấn/công (1 công = 1.000m2), cá biệt có nơi đạt 5 tấn/1.000m2.

Khoai môn là loại dễ trồng, có thể trồng quanh năm, lịch xuống giống vụ đông xuân khoảng tháng 1 – 2 và thu hoạch tháng 5 – 6; vụ hè thu: Trồng tháng 5 – 6 và thu hoạch tháng 8 – 9; vụ thu đông: trồng tháng 8 – 9 và thu hoạch tháng 11 – 12 dương lịch.

Để khoai môn cho năng suất cao, bà con nên chọn củ giống cấp 2 hoặc cấp 3 ở những ruộng khoai già, củ không bị bệnh thối, củ giống đồng đều và không bị côn trùng cắn phá. Ảnh: Chí Trung

Tuỳ thuộc kiểu trồng trọt trên ruộng cạn hay ruộng ngập nước mà bà con làm đất cho phù hợp. Cây khoai môn hay khoai sọ có bộ rễ ăn nông nên yêu cầu đất phải tơi xốp, nhiều mùn. làm đất phải cày, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, ruộng nước phải làm đất nhuyễn. Trồng khoai trên ruộng cạn lên luống rộng 1m, cao 20 – 30cm, rãnh luống 30cm.

Sau khi trồng, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh thì hơn 3 tháng có thể thu hoạch khoai môn, năng suất trung bình dao động từ 2,5 – 3,5 tấn/công.

Khi thấy cây khoai đã héo rũ, các tàu lá đã lụi dần, đất ở gốc đã nứt nẻ nhiều thì tiến hành dỡ khoai nhẹ nhàng, tránh xây xước, dập nát. Tách củ phân loại theo kích cỡ để tiêu thụ hoặc để làm giống. Bảo quản khoai thương phẩm và khoai giống nơi thoáng mát, cao ráo.

Khoai sau khi được thu hoạch cần phân loại để dễ bảo quản. 

Hiện tại, khoai môn được các thương lái thu mua và xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia và sử dụng nội địa. Thương lái thu mua với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi công khoai môn nông dân có thể thu lợi nhuận từ 12 – 15 triệu đồng, cao gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa.

Cây khoai môn không chỉ được trồng phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL mà tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi cũng có thể trồng được. Anh Hoàng Công Khanh, người dân tộc Tày ở xã Vĩnh Phúc, huyện miền núi Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một trong những người đầu tiên đưa giống cây khoai môn về trồng tại địa phương, năng suất trên 35 tấn/ha, cho thu nhập 75 triệu đồng/ha. 

Anh Khanh cho biết mình đã lặn lội đến tận Lục Yên, Trấn Yên (Yên Bái) để trực tiếp học hỏi cách trồng, chăm sóc cây khoai môn của người dân địa phương và mua giống trồng thử. Với số củ giống có hạn, năm đầu anh trồng một ít trên đất bãi soi để thử nghiệm xem giống khoai có hợp đồng đất, khí hậu quê mình không. Được người trồng luôn chăm sóc và bón đủ phân, khoai môn của anh Khanh phát triển tốt và cho thu hoạch nhiều củ. Sang vụ thứ 2, anh đã thu hoạch được hơn 10 tấn khoai.

Cây khoai môn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại nhiều địa phương. Ảnh minh họa

Vụ thứ 3, anh Khanh tận dụng đất bãi soi, đất vườn đồi trồng được 1 ha cây khoai môn. Trước khi trồng, anh chuẩn bị đất kỹ, đánh luống và cuốc hốc đều nhau theo tỷ lệ hốc cách hốc 40cm, hàng cách hàng 30 cm và tất cả các hốc trồng khoai đều được anh bón lót phân chuồng trộn với phân NPK. Cây khoai môn được anh xuống giống trồng vào tháng 3 và sau 7 tháng thì thu hoạch.

Anh Khanh cho biết trồng cây khoai môn không tốn nhiều công sức, ít phải chăm sóc, không yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện khoai được khách hàng đến tận nhà mua hết, trừ chi phí anh thu lãi 75 triệu đồng.