Trồng hành tăm tràn lan, đào củ lên bán không ai mua, nông dân Nghệ An đành tặc lưỡi làm điều này
Giá hành tăm rơi thẳng đứng
Năm 2022, toàn huyện Nghi Lộc có tới gần 300ha trồng hành tăm, đây được coi là vựa hành tăm lớn nhất. Các xã trồng hành tăm nhiều nhất gồm xã Nghi Thuận, Nghi Hoa, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Văn…
Hành tăm được trồng tại huyện Nghi Lộc, thơm ngon. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết, nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân các xã ở huyện Nghi Lộc thoát nghèo nhờ vào hành tăm.
Hành tăm ở đây được xem rất chất lượng, củ hành tăm to tròn, nhiều tinh dầu và rất thơm; cũng có thế khi hậu và thổ nhưỡng nên hành tăm được trồng ở Nghi Lộc rất được thực khách ưa chuộng.
Tuy nhiên, năm nay do người dân nhiều xã chưa khảo sát thị trường, đã tự ý mở rộng diện tích trồng hành tăm một cách tự phát khiến, khiến “cung” nhiều hơn “cầu”.
Điều đó, làm cho củ hành tăm rớt giá và điệp khúc “được mùa, mất giá” mãi cứ quanh quẫn với người nông dân dù trước đó đã được chính quyền cảnh báo.
Rút kinh nghiệm các năm trước, khi thương lái còn thu mua, bà con đã tập trung thu hoạch hành tăm để bán cho kịp, lỗ cũng bán.
Mặt khác, phải thu hoạch kịp thời vụ để còn chăm sóc cây ngô, cây lạc, xu hào, bắp cải đã trồng xen trong các sào hành tăm từ trước để bù đắp phần nào chi phí.
Bà Nguyễn Thị Thanh – người trồng hành tăm tại xóm 2, xã Nghi Lâm cho rằng giá hành tăm năm nay xuống quá thấp nên người nông dân không muốn thu hoạch dù đã đến thời điểm thu hoạch chính vụ. Ảnh: Cảnh Thắng
Bà Nguyễn Thị Thanh – người trồng hành tăm tại xóm 2, xã Nghi Lâm cho biết: “Một sào hành tăm bà con phải chi từ 5-8 triệu đồng cho giống, phân bón, rơm rạ, trấu… sau 8 tháng cộng với công chăm sóc đến kỳ thu hoạch. Nhưng năm nay, giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu vào chăm sóc cây hành tăm cũng tăng theo.
Bà Lê Thị Hữu, xóm 2, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) cho rằng năm nay hành tăm không được mùa, được giá như năm ngoái. Ảnh: Cảnh Thắng
“Năm ngoái hành tăm còn được mùa, giá tạm ổn nhưng năm nay giá hành tăm xuống thấp quá, vụ hành tăm năm ngoái đã thua lỗ rồi, năm nay lại thua lỗ nhiều hơn. Dù tất cả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng giá vẫn rất thấp…”, bà Thanh buồn bã cho hay.
Theo bà Thanh, tính ra 1 sào hành, nếu chỉ 1 người thì phải mất cả tháng mới thu hoạch xong. Sau đó còn phải phơi khô, ngắt rễ sạch sẽ mới đưa đi bán. Giá bán hành tăm hiện tại trung bình bán chỉ 14.000 – 15.000 đồng/kg; loại đẹp thì 20.000 đồng/kg người nông dân trồng hành tăm mất nhiều quá…
Dù đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm nhưng trên các cánh đồng chuyên canh loại củ này vẫn vắng bóng người.
Bởi giá hành tăm xuống thấp, dù đến vụ thu hoạch chính nhưng những người nông dân huyện Nghi Lộc vẫn không mặn mà thu hoạch, mặc cho cây hàng héo trên ruộng.
Trong khi đó nói với phóng viên Dân Việt, bà Lê Thị Hữu, xóm 2, xã Nghi Lâm chia sẻ: “Năm ngoái đầu vụ, chúng tôi thu hoạch bán giá hành ở mức 28.000 đồng/kg, thì năm nay giá giảm mạnh còn 14.000 – 15.000 đồng/kg. Ra Tết, hành chính vụ cung vượt quá cầu, các đầu mối ngừng thu mua nên tôi và gia đình chỉ thu hoạch cầm chừng”.
“Là gia đình hộ nghèo, chồng tôi thì ốm nặng chỉ trông nhờ hơn 1 sao hành tăm để mưu sinh nhưng nay giá cả xuống thấp thể này thì buồn lắm”, bà Hữu cho biết thêm.
Hiện tại, giá hành tươi tại ruộng từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, hành đã khô, sàng sảy sạch sẽ có giá 18.000 – 20.000 đồng/kg. Mức giá này được cho là rất thấp song thương lái vẫn đang thu mua cầm chừng.
Do giá hành tăm xuống thấp nên nhiều người trồng hành tăm không thu hoạch để cây hành rũ ngay trên ruộng. Ảnh: Cảnh Thắng
Không thể phụ thuộc hết vào thương lái, nhiều hộ đã xoay xở tìm cách tiêu thụ qua mạng xã hội, chở đi bán lẻ tại các chợ dân sinh, kết nối với các công ty chế biến lươn khô, hành khô để bán, gửi xe nhờ người quen ở các tỉnh khác bán hộ…
Dù thời tiết thất thường nhưng vụ hành tăm năm này nông dân huyện Nghi Lộc rất được mua. Ảnh: Cảnh Thắng
Tuy nhiên, với số lượng lên đến hàng nghìn tấn nên kênh tiêu thụ nhỏ lẻ này chẳng thấm vào đâu. Điều người dân mong muốn là trước mắt, các cấp, ngành tìm cách tiêu thụ hành.
Mở rộng diện tích, “cung” vượt “cầu”
Theo bà Hữu, để có một kg hành tăm sạch sẽ, thơm ngon phải mất rất nhiều công đoạn, đi nhỏ hành tăm về phải làm lá, rửa đất cát, cắt rễ rồi để ráo nước, nói chung nhiều công đoạn lắm.
Thu hoạch hành tăm của người dân huyện Nghi Lộc. Ảnh: Cảnh Thắng
“Nhưng hiện nay giá hành xuống thấp thế này nhiều hộ gia đình không muốn thu hoạch, tôi thu hoạch một ít để gửi cho các con tôi thôi…”, bà Hữu than.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Hiện nay có nhiều xã trên địa bàn trồng hành tăm để bán, năm nay đa phần người dân đều tự mở rộng diện tích trồng tự phát mà không hề theo dõi thị trường.
Diên tích trồng hành tăm năm nay cả huyện ước đạt gần 300ha (tăng 41,5ha). Về sản lượng năm ngoái cả huyện đạt 2.047,5 tấn/ha, năm nay dự kiến đạt 2.169,56 tấn/ha, tăng 122,06 tấn.
Ông Hòa cho hay: “Huyện cũng đã hỗ trợ, kết nối để người dân tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên do vào thời kỳ thu hoạch, sản lượng hành tăm nhiều nên giá cả có chiều hướng giảm nhưng giảm ít chứ không giảm thê thảm như vụ năm nay.
“Giá hành tăm năm nay tuy thấp, nhưng đây cũng là giá theo quy luật bình thường của thị trường, khi được mùa thì sản lượng nhiều nên giá có giảm hơn lúc bình thường. Huyện cũng chỉ can thiệp được bằng việc định hướng, khuyến cáo nhưng người dân vẫn đang theo tư duy sản xuất nông nghiệp theo phong trào chứ chưa có tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ kết nối cung cầu….”, ông Hòa nói thêm.
Dò người dân mở rộng diện tích tự phát nhiều nên giá hành tăm xuống thấp là điều không tránh khỏi. Ảnh: Cảnh Thắng
Huyện Nghi Lộc hiện đang vận động bà con không nên mở rộng diện tích sản xuất hành tăm ồ ạt, nhằm bảo đảm cung không vượt cầu đồng thời kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, theo dõi sát thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân.