Trồng gừng trong bao

 Trần Thị Quảng – TTKN

 

Trồng gừng trong bao là một phương pháp sản xuất mới đang được thực hiện tại một số tỉnh ở nước ta. Đây là phương pháp không những tận dụng được sức lao động nhàn rỗi của người dân mà còn là phương pháp tận dụng được diện tích đất khi trồng xen dưới tán một số cây lâu năm, dưới giàn bầu bí hoặc trồng xen tại những nơi đất trống trong vườn nhà, cách trồng này đã đem lại hiệu quả cao cho người dân.

Về thời vụ trồng: Gừng trồng vào vụ xuân từ tháng 1 đến tháng  4 – 5 âm lịch, thời gian sinh trưởng của gừng khoảng từ 7 đến 8 tháng tùy từng giống gừng khác nhau, và nếu chăm sóc tốt thì sẽ rút ngắn thời gian, đến cuối năm vào tháng 10 đến tháng 12 là thu hoạch.

     Chuẩn bị trước khi trồng:

Chuẩn bị giống: Giống gừng nên chọn loại gừng cao sản cho năng suất cao, gừng già trên 8 tháng tuổi, sạch bệnh (giống gừng sạch bệnh là một trong những khâu quan trọng quyết định năng suất của cây gừng).

Gừng giống mua về cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn đều có mắt mầm (hay còn gọi là chồi ngủ) sau đó đem ủ khoảng 15-20 ngày, gừng vừa nảy chồi là đem trồng vào bao (hom già mọc chậm hơn hom bánh tẻ), mỗi kg gừng giống có thể trồng 15 – 20 bao.

Chuẩn bị đất và bao trồng: Gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng… nên khi trồng gừng thì nên dùng đất có hàm lượng dinh dưỡng cao (đất phù sa là tốt nhất), trộn thêm ít phân chuồng hoai và trấu hun cho xốp đất để gừng dễ ra củ.

Bao dùng trồng gừng là dùng những chiếc bao xi măng giặt sạch (ngâm qua nhiều nước cho thật sạch trước khi trồng), đục 6 lỗ nhỏ ở đáy bao để thoát nước, bẻ miệng bao xuống thấp để thuận tiện cho quá trình trồng gừng cũng như chăm sóc.

Cách trồng: Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ đất 70% + phân chuồng, hữu cơ hoai mục 30%  và một ít phân vô cơ (đạm, lân, kali) cho vào bao, và rắc vào một ít vôi bột để ngăn bệnh có thể xảy ra cho gừng. Sau đó đào một rãnh chừng 10 đến 15 cm đặt hom gừng vào rồi phủ một lớp đất lên, trải lên mặt lớp tro trấu cũ hoai để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.Trước khi trồng nên xử lý hom gừng bằng cách phun thuốc trừ nấm bệnh, khi trồng gừng cần thao tác nhẹ nhàng để tránh gãy chồi mầm.

Củ gừng không nên trồng quá sâu, dễ bị thối gốc. Sau khi trồng xong, bao gừng được xếp theo luống để thuận lợi cho việc chăm sóc, tạo không gian thông thoáng cho gừng sinh trưởng, phát triển.

Chăm sóc: Chăm sóc là công việc kéo dài suốt cả quá trình từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch, nó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Đối với cây gừng trồng trong bao thì việc chăm sóc cũng  đơn giản.

– Tưới nước: Tuỳ theo thời tiết, có thể tưới nhiều hay ít để duy trì độ ẩm cho gừng, vào những ngày trời nắng thì mỗi ngày chỉ cần tưới 1 đến 2 lần nước còn về mùa mưa thì không cần tưới vì cây gừng ưa ẩm nhưng không chịu úng nước, thời gian sinh trưởng của gừng chủ yếu tập trung vào những tháng mùa mưa nên tốn rất ít công tưới nước.

     – Phân bón: Chỉ cần bón thêm 2 lần phân sau khi trồng là đủ vì đất trồng gừng đã có lượng phân hữu cơ cao. Lần 1 cách thời gian trồng từ 30 đến 45 ngày. Mỗi bao gừng bón 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào một lớp hỗn hợp chất hữu cơ dày khoảng 15 – 20 cm với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 3 trấu. Lần 2, cách thời gian bón lần một 60 ngày. Mỗi bao bón thêm 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào bao một hỗn hợp chất hữu cơ với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 4 trấu.

– Không nên đưa các bao gừng ra trước gió, vì trời gió có thể làm cây bị gãy, bong gốc, củ khó phát triển.

Phòng trừ sâu bệnh: Trồng gừng trong bao ít bị sâu bệnh hơn so với cách trồng thông thường và việc phòng trừ sâu bệnh cho gừng cũng đơn giản hơn, bao nào bị sâu bệnh dễ dàng đem ra cách ly, không để lây lan.

– Sâu hại: Nhìn chung ở cây gừng sâu hại rất ít và không đáng kể, sâu hại chủ yếu là sâu đục thân, thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, sâu đục vào bên trong và ăn phần non của cây, nếu sâu phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây gừng từ đó làm giảm năng suất gừng. Tuy nhiên trồng gừng trong bao thì sâu này cũng ít xuất hiện.

Cách phòng trị: Khi thấy bướm sâu đục thân xuất hiện thì tiến hành cách ly những bao bị sâu tấn công và phun thuốc diệt ngay, sâu đục thân phát triển rất nhanh nên nếu phun thuốc chậm trễ thì khó phòng trị kịp thời. Một số loài thuốc trừ sâu sử dụng để phòng trị sâu đục thân là: Basudin, Regent, Furadan, Kinalux,…

– Bệnh hại: Bệnh hại trên cây gừng chủ yếu là bệnh héo vàng thối rũ, bệnh do nấm Fusarium tấn công vào củ, xuất hiện trong điều kiện ẩm ướt kéo dài, bệnh này khó trị chủ yếu là phun ngừa bằng các loại thuốc trị nấm sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10-15 ngày phun một lần. Tuy nhiên, ưu điểm gừng trồng trong bao ít bị lây lan bệnh đo bị cách ly từng bao, khi thấy có bao bị nhiễm cần lấy ra hủy bỏ bao bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Thu hoạch và bảo quản: Khi gừng có lá vàng và khô trên 2/3 số lá, quan sát củ gừng thấy có màu xám và da củ dày là có thể thu hoạch.

     Gừng trồng trong bao thu hoạch rất nhanh, chỉ cần xé bao, rút bụi gừng lên là củ theo lên mà không hề bị trầy xước hay đứt gãy. Nhưng cũng phải chú ý cẩn thận để tránh củ gừng dễ bị gãy và dập.

     Nếu gừng được chọn để làm giống thì cần cắt bỏ hết rễ, bóc sạch đất và tách thành chùm nhỏ, sau đó đưa đi bảo quản chờ đến thời vụ. Gừng được bảo quản tốt nhất là để ở nền đất được dọn sạch, nếu nền xi măng thì phải phủ một lớp cát bên dưới. Gừng giống được xếp thành lớp sát nhau, cuống hướng xuống dưới, mầm hướng lên trên để tránh gãy mầm, sau đó phủ lên một lớp rơm rạ dày. Khu vực bảo quản giống phải thoáng mát, không được đọng nước để đề phòng gừng nẩy mầm.

Với cách trồng này sau thời gian trồng từ 7 đến 8 tháng mỗi bao gừng có thể cho thu hoạch từ 1,5 đến 2 kg củ, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 2-2,5 kg/ bao, cao hơn nhiều so với cách trồng ngoài đất. Có thể thấy đây là mô hình sản xuất tốt, nếu áp dụng được mô hình này vào sản xuất rộng rãi thì sẽ mở ra một hướng làm kinh tế mới đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.