Trồng dưa chuột bao tử, sau một tháng đã cắt trái, gặp lúc bán chạy, nông dân Hải Phòng hái ra tiền
Gia đình anh Bùi Văn Hảnh, khu 2, xã Tiên Thắng là một trong những hộ có diện tích trồng dưa bao tử xuất khẩu lớn nhất của xã cho biết, dưa bao tử là thứ cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, không tốn nhiều công chăm sóc, cho giá trị kinh tế cao.
Clip: Nông dân xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) chia sẻ về mô hình trồng dưa leo baby-dưa chuột bao tử, giá trị kinh tế của việc trồng cây dư chuột bao tử. Video: Thu Thủy
Dưa chuột bao tử có ưu điểm là loại cây ngắn ngày nên ngoài việc cấy lúa, một năm người dân trong xã cũng tăng cường trồng được 2 vụ dưa chuột bao tử ( vụ đông và xuân hè). Đây là 2 thời điểm chính để cây dưa chuột bao tử sinh trưởng phát triển, cho năng suất cao nhất.
Cũng giống như gia đình anh Hảnh, các hộ gia đình tham gia mô hình đều phấn khởi khi công sức bỏ ra đã mang lại thành quả.
Bà Ngô Thị Khuyến, khu 4, thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) phấn khởi chia sẻ với phóng viên. Lúc đầu, khi đưa vào trồng giống dưa bao tử xuất khẩu gia đình tôi và nhiều hộ khác cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhất là khi đặt cây dưa chuột bao tử trồng xuống đất gặp thời tiết xấu, mưa nhiều cây dưa bị úng chết là phải trồng, chăm sóc lại từ đầu.
“Hiện tại người trồng dưa trong xã cũng yên tâm hơn khi trồng dưa bao tử nhiều năm nay sản phẩm có dầu ra ổn định. Nếu thời tiết cứ thuận lợi được mùa, được giá như vụ này thì trồng dưa hiệu quả gấp 3 -4 lần cấy lúa” – bà Khuyến nói.
Là người trồng dưa chuột bao tử nhiều năm, chị Ngô Thị Miền người cùng thôn cho biết thêm, dưa chuột bao tử là cây cần nhiều nước không chịu được hạn nên cần tưới nước thường xuyên. Nhất là trong thời kỳ cây ra hoa càng không được để cây thiếu nước vì nếu thiếu nước cây sẽ còi cọc ra quả kém Tuy nhiên, việc lạm dụng nước tưới quá nhiều cũng làm gốc cây bị ngập úng là cây sẽ chết.
Chị Ngô Thị Miền khu 4, thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) đang thu hoạch dưa của gia đình. Ảnh: Thu Thủy
Việc trồng dưa chuột bao tử để xuất khẩu phải đảm bảo theo từng tiêu chuẩn. Đất trồng phải tránh khu vực bị ô nhiễm, cày bừa thật kỹ cho đất tơi xốp sau đó dùng vôi bột để xử lý mầm bệnh.
Trong quá trình trồng dưa chuột bao tử người trồng phải cắm cọc làm giàn leo cho cây, cây leo đến đâu tiến hành buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó để quả dưa được tiếp xúc nhiều với ánh sáng đạt nhiều quả ở tiêu chuẩn loại 1.
Những lá có màu vàng phải được hái bỏ để mầm bệnh không lây lan vào quả. Ảnh: Thu Thủy
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Trịnh Văn Vinh – Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Tiên Thắng ( huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng). Ông Vinh cho biết, dưa chuột bao tử là loại cây lưỡng tính không cần phải thụ phấn cho hoa. Chúng rất thích hợp trồng ở đồng đất Tiên Thắng. Quả, sử dụng ăn sống thay rau, ép nước uống và được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn khác.
Những quả dưa chuột bao tử loại 1 đang được nông dân thu hoạch đem đi bán. Ảnh: Thu Thủy
Cây dưa chuột bao tử có đặc điểm là thời gian thu hoạch nhiều hơn thời gian trồng . Trồng dưa chuột bao tử chỉ sau 1 tháng 5 ngày là được thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 45 – 50 ngày. Cứ 2 -3 ngày thu hoạch một lần, nếu để lâu hơn dưa to quả bán mất giá.
Hiện, giá bán dưa chuột bao tử trung bình tại vườn là 11 000 -12.000 đồng/ kg, dưa loại 1, còn lại dưa loại 2 bán từ 9000 – 10.000 đồng/ kg. Sản lượng dưa bao tử đạt bình quân 7 – 8 tạ/ sào. Trừ mọi chi phí, bà con nông dân trong xã thu lãi từ 8 – 9 triệu đồng/ sào.
” HTX là khâu trung gian đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Nguyễn Đức Cường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhiều năm nay. Dưa chuột bao tử đã mở ra cơ hội trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và nâng cao hệ số sử dụng đất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân địa phương” – ông Vinh chia sẻ.