Trồng chuối mốc trên vùng đất xấu

(TN&MT) – Với đặc điểm có thể sinh trưởng và phát triển mạnh trên đất cằn cỗi, đồi dốc, lại dễ chăm sóc, cây chuối mốc (có nơi gọi là chuối sứ, chuối xiêm) hiện đang là cần câu cơm mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Năm 2012, gia đình anh Dõi (làng Đôn Hyang) là một trong các hộ tiên phong chuyển đổi 6.000m2 đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng cây chuối mốc. Hiện tại, từ vườn chuối này, mỗi năm gia đình thu được khoảng 50 triệu đồng.
Cũng theo anh Dõi, trồng chuối mốc đầu tư thấp, nhẹ công, chăm sóc cũng dễ hơn các loại cây trồng khác vì chỉ cần làm cỏ, cắt bỏ lá khô, dọn dẹp gốc cho sạch để cây không bị sâu bệnh. Chi phí đầu tư ban đầu cho việc trồng chuối rất ít, chỉ 1 lần, khoảng 9 tháng sẽ cho thu hoạch.

Để chuối cho quả to, trong quá trình chăm sóc phải bón thêm phân chuồng,thường xuyên tỉa gốc nhỏ, chỉ giữ 2 gốc/bụi và mỗi gốc cách nhau chừng 3 tháng tuổi có thu hoạch thường xuyên. Sau khi thu hoạch phải đốn bỏ cây mẹ, đào bỏ củ, cắt bỏ lá khô, bẹ khô…

“Trồng chuối mốc cho thu hoạch quanh năm, bình quân mỗi tháng, gia đình mình thu hoạch làm 2 đợt vào giữa tháng và cuối tháng. Với giá bán 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình mình có nguồn thu ổn định 4 triệu đồng/tháng. Riêng đợt Tết Nguyên đán năm ngoái, mình bán chuối cho các thương lái được gần 15 triệu đồng, nhà mình ai cũng phấn khởi”, anh Dõi cho biết.

anh-anh-doi-thu-hoach-chuoi(1).jpgAnh Dõi thu hoạch chuối

Cũng là hộ chuyển đổi từ cây mì sang trồng chuối mốc, anh Krơch (làng Dôch Ktu) nói rằng, đất canh tác ở làng nhiều đồi dốc nên cây mì cho sản lượng rất thấp, lại thường xuyên bị bệnh nên thu nhập rất bấp bênh. Khi thấy người dân các làng chuyển sang trồng cây chuối mốc và đều cho thu nhập tốt, gia đình anh Krơch cũng quyết định học theo, chuyển 4.000m2 đất trồng mì sang trồng cây chuối mốc từ năm 2015. Sau một năm trồng chuối, anh Krơch cho rằng quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn khi đã kiếm được nhiều tiền và nhàn hạ hơn so với trồng mì rất nhiều.
“Hiện, đầu ra cho quả chuối mốc cũng rất ổn định, bình quân mỗi buồng chuối có giá từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng, những dịp tết thì phải từ 100.000 đồng/buồng đến 120.000 đồng/buồng. Từ khi chuyển đổi sang trồng chuối, gia đình mình mới cảm thấy có đồng ra đồng vô, cuộc sống được cải thiện nhiều hơn so với trước đây”, anh Krơch tâm sự.

anh-dien-tich-trong-chuoi-moc-tai-xa-de-ar-ngay-cang-phat-trien.jpgDiện tích trồng chuối mốc tại xã Đê Ar ngày càng phát triển

Theo ông Gớp – Chủ tịch UBND xã Đê Ar, từ năm 2012, loài cây này lẻ tẻ thay thế vườn mì của một số hộ dân nhưng giờ do thấy nó quá hiệu quả nên đã trở thành phong trào, đi đâu cũng thấy chuối phủ mướt mắt. Đến nay, tổng diện tích trồng chuối mốc của toàn xã Đê Ar đã lên đến con số hơn 400 ha. “Hiện, giá chuối khoảng 3.000 đồng/kg, nếu vào dịp tết thì giá sẽ 10.000/kg, bà con có thu nhập ổn định vì hàng tháng cây chuối cho thu hoạch 2 đợt. Việc chuyển đổi từ cây mì sang trồng cây chuối mốc đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có thu nhập ổn định hơn trước đây rất nhiều”, ông Gớp nói.

anh-anh-doi-dung-giua-trao-doi-kinh-nghiem-trong-cham-soc-chuoi-voi-nguoi-dan-trong-lang.jpgAnh Dõi (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chuối với người dân trong làng

Còn theo ông Nguyễn Tấn Hy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang thì, hiện nay, cây chuối mốc không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo ở xã Đê Ar mà còn là loại cây trồng giúp người nông dân ở xã đặc biệt khó khăn này có thu nhập ổn định. Điều đáng mừng là hiện nay người trồng chuối hầu như không phải gùi ra chợ bán lẻ mỗi khi thu hoạch như trước đây mà được thương lái trong và ngoài tỉnh vác hợp đồng đến ký thu mua ngay tại vườn theo định kỳ mỗi tháng 2 lần. Cây chuối mốc đã mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người Bahnar của xã Đê Ar.
“Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình này ở vùng đất phù hợp trên toàn huyện, tập huấn kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là khâu trồng và chăm sóc để cây phát triển đạt hiệu quả cao nhất”, ông Hy thông tin.

Đôn Hyang là ngôi làng có diện tích chuối mốc lớn nhất của xã Đê Ar, với hơn 250 ha. Cả làng có 134 hộ thì nhà nào cũng trồng chuối mốc. Loại cây này đã mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và làng này theo đó cùng đã có nhiều thay đổi tích cực khi số hộ nghèo giảm dần theo từng năm, đến nay chỉ còn 16 hộ nghèo.