Trồng cây gai xanh: Hướng phát triển kinh tế mới ở Chi Lăng
– Từ đầu năm 2022, nhiều hộ dân tại một số xã ở huyện Chi Lăng đã liên kết với doanh nghiệp đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm. Sau một thời gian triển khai, đến nay, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Đến xã Gia Lộc vào những ngày đầu tháng 7/2022, chúng tôi ấn tượng bởi không khí phấn khởi của người dân khi đang tất bật với công việc thu hoạch cây gai xanh. Toàn bộ cây gai xanh sau thu sẽ được tuốt vỏ, phơi khô và xuất bán cho doanh nghiệp.
Người dân xã Gia Lộc thu hoạch cây gai xanh
Ông Trương Văn Nghị, thôn Làng Giang, xã Gia Lộc cho biết: Tháng 2/2022, gia đình tôi chuyển đổi 7 sào đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Tham gia mô hình, tôi được công ty hỗ trợ giống, phân bón bằng hình thức trả chậm. Sau 4 tháng trồng, chăm sóc, toàn bộ diện tích cây gai xanh đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Trung bình 1 sào cây gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 20 – 25 kg khô và được doanh nghiệp thu mua toàn bộ. Từ lứa gai xanh đầu tiên, gia đình tôi thu về 6 đến 7 triệu đồng. Từ nay đến hết năm, gia đình dự kiến thu hoạch thêm 2 hoặc 3 lứa gai xanh. Bước đầu nhận thấy trồng loại cây này hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng ngô.
Không chỉ tại xã Gia Lộc, mô hình trồng cây gai xanh còn được triển khai tại các xã Thượng Cường, Bằng Mạc, Vạn Linh. Được biết, mô hình triển khai từ tháng 2/2022 với sự tham gia của 82 hộ dân, có tổng diện tích 22,8 ha. Đây là chương trình liên kết sản xuất vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh giữa Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Nghĩa Lân (huyện Lộc Bình) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước (tỉnh Thanh Hóa).
Bà Nông Thị Thu Huyền, phụ trách phát triển vùng nguyên liệu của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Nghĩa Lân cho biết: Quá trình thực hiện, chúng tôi tiến hành chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Cùng đó, công ty cho người dân ứng trước cây giống, phân bón để sản xuất. Dự kiến công ty sẽ tiếp tục liên kết mở rộng vùng trồng cây gai xanh lên 300 ha nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Hiện nay, toàn bộ diện tích cây gai xanh trồng trên địa bàn huyện đều đã đến thời kỳ thu hoạch lứa đầu tiên. Toàn huyện hiện đã thu hoạch được khoảng 5 ha, năng suất trung bình đạt từ 5 đến 6 tạ vỏ khô/ha/lứa, được công ty thu mua toàn bộ với giá 40.000/kg. Sau thu hoạch khoảng 50 ngày, cây sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. Đặc biệt, cây gai xanh trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch trong 10 năm, mỗi năm thu 4 hoặc 5 lứa. Nhờ đó, người dân không mất nhiều chi phí đầu tư cây giống và thuê nhân công trồng mới…
Với những kết quả bước đầu, cơ quan chuyên môn huyện đánh giá cây gai xanh dễ trồng, phù hợp với thời tiết, khí hậu tại các xã khu vực núi đá của huyện, giá trị kinh tế mang lại đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Từ những tiềm năng, lợi thế đó, tháng 6/2022, UBND huyện Chi Lăng đã ban hành Đề án “Chuyển đổi diện tích trồng cây thuốc lá sang các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Chi Lăng”. Theo đó từ năm 2023 đến năm 2024, huyện phấn đấu mở rộng quy mô vùng trồng cây gai xanh lên 100 ha, tập trung tại các xã: Thượng Cường, Hòa Bình, Vạn Linh, Y Tịch, Gia Lộc, Bằng Mạc, Bằng Hữu.
Để thực hiện hiệu quả đề án, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn huyện tiến hành khảo sát, lập dự án, lựa chọn hộ dân tham gia mô hình; kết nối doanh nghiệp thu mua, chế biến cây gai xanh; cung ứng giống, vật tư đảm bảo chất lượng; hỗ trợ máy tuốt vỏ cho các hộ tham gia (1 máy/ha); hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc… với tổng kinh phí thực hiện trên 9,9 tỷ đồng.
Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng về hướng sản xuất mới cho bà con. Thời gian tới, phòng tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Cây gai xanh có giá trị kinh tế cao, thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao, làm nguyên liệu sản xuất giấy; lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết tinh dầu. Đặc biệt, cây dễ chăm sóc, chịu hạn tốt.