Trồng cây cần sa tại gia, thủ đoạn mới phải triệt tiêu
Những ví dụ điển hình
Một trong những vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 17/2, Công an huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk ) phát hiện hành vi trồng cây cần sa với số lượng lớn trong vườn cà phê và lệnh tạm giữ hình sự đối với ông Phan Xô (47 tuổi, trú ở buôn Dao, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) để điều tra.
Đối tượng Nguyễn Trường Giang và một số cây cần sa trồng trong nhà. Ảnh: CA cung cấp.
Theo điều tra ban đầu, ngày 14/2, lực lượng công an phát hiện trong vườn cà phê nhà ông Xô trồng xen 5 đám cây cần sa với tổng cộng 1.182 cây nhiều kích cỡ các nhau. Tại thời điểm bắt giữ, ông Xô khai nhận trước đó được một thanh niên không rõ lai lịch cung cấp hạt giống. Sau đó, ông đã ươm và mang số cần sa trên ra vườn cà phê trồng để lấy thân, cành lá cho gà ăn và thu hoạch chế biến để bản thân sử dụng.
Trước đó, ngày 4/2, Công an thành phố Hưng Yên cho biết, vào ngày 3/2 tại đường Lê Đình Kiên (xã Liên Phương, TP Hưng Yên) lực lượng chức năng đã kiểm tra và bắt quả tang Đào Ngọc Tú (sinh năm 1996, ở phường Lam Sơn) có hành vi tàng trữ 1 gói giấy bạc bên trong có chất rắn, dạng thảo mộc nghi là cần sa. Qua đấu tranh, Tú khai nhận mua số cần sa trên của Trần Trung Hữu (sinh năm 1983, ở Phó Đức Chính, Phường Quang Trung, TP Hưng Yên). Thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại chỗ ở của Hữu, lực lượng công an đã thu giữ 0,5 kg cần sa và 5 cây cần sa được đối tượng đang trồng tại nhà. Hữu khai nhận đã mua 0,5 kg cần sa với giá trên 12 triệu đồng của một đối tượng quen biết qua mạng để về bán nhỏ lẻ, còn số cây phát hiện tại nhà do Hữu tự trồng và có ý định sẽ thu hoạch và bán.
Tại Hà Nội, cuối tháng 12/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Trường Giang (30 tuổi, quê tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La) để làm rõ hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Qua nắm bắt địa bàn, Công an quận Đống Đa phát hiện tại tầng 4 và tầng 5 ngôi nhà tại ngách 1, ngõ 155 phố Đặng Tiến Đông, nhiều cây cần sa được trồng trong bầu đất. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phát hiện nhiều cành, lá khô cần sa đựng trong các túi ni lông màu đen.
Qua đấu tranh, Giang khai số cây cần sa này do Giang tự trồng, và lượng cành, lá cần sa khô là mẻ thu hoạch đầu tiên, được đóng gói để chuẩn bị đi giao cho khách. Theo cơ quan công an, Giang quây bạt, làm hệ thống thông gió, lắt đặt hệ thống chiếu sáng và đồng hồ đo độ ẩm… để trồng cần sa từ khoảng tháng 7/2019. Thu hoạch vụ đầu, Giang giao bán cần sa trên mạng xã hội, và sẽ thuê người giao hàng tận nơi nếu có khách đặt. Công an quận Đống Đa đã thu giữ hơn 965g cần sa tươi; 43,3 g cần sa khô…
Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe
Theo phân tích của một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, các đối tượng lén lút trồng cây cần sa, trà trộn với các loại cây khác trong vườn nhà, chuyên nghiệp hơn thì cải tạo cả nhà thành vườn trồng cần sa. Hiện, tội phạm còn dùng những chiêu rất tinh vi để che mắt người dân và lực lượng Công an như: Trồng xen kẽ cây cần sa với các cây trồng khác trong vườn.
Do chưa nhận biết được cây cần sa nên nhiều người dân xung quanh không hề hay biết. Với tính chất “tự trồng, tự tiêu thụ” nên trên thực tế, các đối tượng phạm tội đã né tránh được nhiều tình huống bị bắt giữ trong quá trình mua bán, vận chuyển. Đồng thời, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng trồng cây cần sa.
Hậu quả của việc sử dụng cần sa
– Giảm trí nhớ, khả năng tiếp thu, học hỏi và tập trung (những ảnh hưởng xấu này có khả năng sẽ kéo dài nhiều tháng sau khi sử dụng). – Tăng rủi ro bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản và cả ung thư phổi. Có rất nhiều người hút cần sa và hút cả thuốc lá, như vậy sức khỏe càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. – Sử dụng thường xuyên sẽ dần mất đi động lực thúc đẩy như giảm nghị lực, lười biếng, bớt quyết tâm đồng thời sẽ mất đi sự đam mê, thích thú trong học tập hoặc việc làm. – Có thể dẫn tới chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, lâu dài sẽ lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt nặng. – Ảnh hưởng đến tuyến nội tiết và cả đời sống tình dục ở nam lẫn nữ như giảm đáng kể số lượng tinh trùng, chu kỳ kinh nguyệt đảo lộn, bất thường. Rất nhiều người hút cần sa bị giảm rõ rệt ham muốn trong tình dục
Về chế tài xử phạt đối với hành vi trồng cần sa, theo Luật sư Nguyễn Ngọc Anh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
Còn điều 247 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống và đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm. Tại Khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định: Người nào phạm tội nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự…
“Như vậy, nếu đối tượng trồng cần sa, nhưng phát hiện thấy có thể bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chủ động tiêu hủy trước thời điểm đó cũng không bị xử lý hình sự. Nếu không có chế tài xử lý mạnh các đối tượng trồng cần sa , kể cả những đối tượng trồng với qui mô nhỏ thì sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa”- Luật sư Ngọc Anh cho biết
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng tự ý trồng cần sa tại nhà, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường nhiều biện pháp để truyền thông cho người dân biết, hiểu, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc trồng cây cần sa. Đặc biệt tuyên truyền sâu rộng đến giới trẻ về hiểm họa khôn lường khi sử dụng cần sa.
Hữu Minh