Trồng cà phê bao nhiêu lâu sẽ cho thu hoạch?
Sơn La là tỉnh hội tụ đầy đủ những điều kiện về khí hậu, nhiệt độ, chất đất cho sự phát triển của cây cà phê Arabica (cà phê chè), nhiều năm trở lại đây, cà phê được xem là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân vùng núi Tây Bắc này.
Trước đây, người dân chưa có kinh nghiệm thường để cây cà phê phát triển tự nhiên và trồng thành các hàng song song. Nhưng từ những năm 2000 trở về đây, người dân được hướng dẫn nên chuyển sang trồng theo nguyên tắc “chân chim” để giảm rửa trôi, xói mòn đất cũng chất dinh dưỡng.
Những đồi cà phê Arabica ở Sơn La.
Trồng cà phê trên đồi có ưu điểm rất lớn đó là cây phê sẽ có thời gian “nghỉ” lâu hơn bởi nó chỉ chịu tác động của ánh nắng một nửa cây vì thế cây cà phê xanh mướt.
Cây cà phê được ươm từ hạt, người dân sẽ đào hố để trồng các cây non, dưới hố họ dải một lớp phân bón lót. Các công đoạn chăm sóc cây cà phê chủ yếu là làm cỏ ở quanh gốc, bấm cành, những cành nào khô, yếu thì sẽ cắt bỏ.
Cành cà phê Arabica dài, tán cây cà phê đến đâu thì rễ cây sẽ lan đến đấy. Vì vậy, khi bón phân, người dân sẽ đào rãnh vòng quanh tán cây cà phê, bỏ phân vào và lấp đất lên, đây được gọi là cách bón vành khăn.
Ông Nguyễn Thái Cường, Phó Giám đốc chi nhánh Sơn La của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến cho biết: “Cách đây 20 năm, khi lên Sơn La, người dân để cây cà phê phát triển tự nhiên, cây cao trên 3m nhưng cho năng suất thấp. Chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn người dân cách tỉa cành, tạo tán để cây cà phê Arabica chỉ còn cao khoảng 1m6 và chăm sóc cà phê đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Thông thường cây cà phê Arabica sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng. Nếu cây đã ươm cao thì chỉ khoảng 2 năm sẽ cho trái. Hai năm đầu tiên thu hoạch, cây sẽ cho trái rất kém, bắt đầu từ năm thứ 3, thứ 4 cây vừa cho năng suất cao vừa cho chất lượng tốt.
Vụ thu hoạch cà phê thường kéo dài từ 9 dương lịch đến tháng 2 sang năm, được chia thành nhiều đợt.
Một cây cà phê Arabica có thể thu hoạch được tối đa 25 năm. Nếu cây già cỗi, cho năng suất thấp người dân sẽ đốn gốc sau mỗi vụ thu hoạch để cây ra mầm. Mầm nào to khỏe nhất sẽ được giữ lại. Khi nào đất trồng chai cứng, cạn kiệt dinh dưỡng thì người dân sẽ đốn hết cây và đánh tơi đất lên, phơi nắng, sau đó mới trồng lại.
Bên cạnh hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cà phê khoa học, đúng kỹ thuật, Minh Tiến còn bao tiêu đầu ra cho họ. Hiện nay, tại Sơn la đã có hơn 3000 nông hộ trồng cà phê hợp tác với Minh Tiến để trồng cà phê theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, phát triển cà phê một cách bền vững dựa trên 3 yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường.