Trồng Cao Su Kỹ Thuật

0334535069 – 0938894946

[email protected]


VI

  • VI
  • EN

  • Trang chủ

  • Sản phẩm

  • Giới thiệu

  • Science Of Business

  • Liên hệ

  • TỔNG HỢP SẢN PHẨM

Trang chủ
Kỹ thuật Nông Nghiệp
Trồng Cao Su Kỹ Thuật

Trồng Cao Su Kỹ Thuật

KỸ THUẬT TRỒNG CAO SU

Trồng Cao su, không ai trồng năm bảy cây mà ít lắm cũng trồng vài công đất, và nhiều hơn. Nông trường trồng nhiều lô, chiếm diện tích hàng ngàn ha. Nhưng dù trồng ít hay trồng nhiều cũng phải tuân theo cách trồng đúng khoa học kỹ thuật thì mới có lợi.

Cao su là cây công nghiệp dài ngày, ngay khâu chuẩn bị cây con để đem ra vườn trồng vào lô, vào hố cố định cũng đã tiêu tốn nhiều công sức và tiền của. Việc khai hoang lập vườn cũng rất tốn kém. Cây Cao su đã trồng xuống hố có hàng lối, có khoảng cách đều nhau, có thiết kế đường lộ, đường băng, đường thùng thì một lần trồng là một lần… yên vị, không sao sửa đổi lại được. Vì vậy, trước khi trồng ta nên tính toán kỹ, cân nhắc kỹ thì mới có lợi.

Thực tế đã có nhiều người trồng Cao su với mật độ dày, tưởng như vậy sẽ tăng thêm lợi tức, không ngờ khi lớn lên cây chen nhau mọc như rừng, chỉ liên ::. còn cách… bán gỗ! Ngược lại, có người lại trồng quá thưa, tưởng vậy cây sẽ cho năng suất cao hơn, ai ngờ chỉ… phí đất!

THỜI VỤ: Trồng Cao su không ai trồng mùa nắng hạn, vì như vậy tỷ lệ cây chết sẽ khá cao. Tốt nhất là trồng vào giữa mùa mưa, lúc này khí trời mát mẻ, đất ẩm ướt, nhờ đó mà cây bén rễ nhanh, chồi non sẽ phát triển mạnh.

Cụ thể, nên trồng từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch hàng năm, nhưng cũng tùy vùng, hễ thấy tháng nào có thời tiết thuận lợi (tránh mưa to gió lớn) là trồng được.

TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG: Cây con đem ra hố trồng phải là cây mang những đặc điểm tốt nhất. Điều đòi hỏi là cây không những tươi tốt, khỏe mạnh mà còn cùng chung một nhóm giống với nhau, chứ không lẫn lộn giữa giống này với giống khác.

Mỗi lô chỉ nên trồng một giống, có thể nhiều lô chăm sóc và thu hoạch đúng mức được, vì cây giống nào cũng đều mang những đặc tính riêng của giống ấy: từ sinh trưởng, đến năng suất và tật bệnh cũng giống nhau.
Mặt khác cây con trồng trong lô phải là cây cùng lứa tuổi mới tốt, vì như vậy chúng có độ lớn đồng đều nhau, thu hoạch cùng thời điểm với nhau, tiện cho việc quản lý và chăm sóc.

a/ Tiêu chuẩn cây tum 10 tháng tuổi:

Khi bứng ra trồng, cây tum phải hội đủ những điều kiện sau đây mới gọi là đúng chuẩn:

+ Đường kính của gốc, đo từ mặt đất lên 10cm phải đạt 16mm trở lên.

+ Mắt ghép sống.

+ Thân tum lành lặn, vỏ không tróc, không giập hoặc trầy xước.

+ Rễ cái mọc thẳng, không dị tật, đủ độ dài từ 40cm đến 45cm.

Đạt được thành quả đó, chứng tỏ cây tum trong suốt thời gian 10 tháng đã sinh trưởng tốt và việc ghép mắt đã thành công.

Cây tum búng ra khỏi mương rãnh chưa thể trồng ngay được mà phải qua giai đoạn xử lý sau:

+ Cắt hết rễ bàng, nhưng phải tránh làm thương tổn đến rễ cái. Còn rễ cái chỉ giữ lại một đoạn dài tính từ mí dưới của mắt ghép trở xuống là 40cm đến 45cm, phần cuối rễ dù dư bao nhiêu cũng cắt bỏ. Vết cắt trên vạt xéo chứ đừng cắt bằng.
+ Nhúng cây tum vào hỗn hợp sền sệt gồm 2/3 đất bùn, 1/3 phân bò tươi và 4% phân lân. Nhúng từ khoảng có rễ trở xuống mút rễ cái.

Sau giai đoạn xử lý này, cây tum có thể đem trồng ngay được. Nếu chưa trồng kịp thì có thể để lâu 1 tuần, tính từ ngày bứng ra khỏi rãnh. Trong thời gian đó cần phải bảo quản tốt: có thể đặt cây tum vào nơi mát, trên có mái che, phần rễ được ủ bằng bao bố có nhúng nước giữ ẩm. Hoặc xếp đứng cây tum xuống hố sâu 50 phân, phủ cát kín phần rễ, trên đó có mái che và năng tưới vào hố để giữ ẩm.

b/ Tiêu chuẩn bầu mắt ngủ

Với bầu mắt ngủ tiêu chuẩn tốt gồm những điểm sau đây:

+ Đường kính của gốc ghép, tính từ mặt đất lên 10cm phải đạt được 14mm, tối thiểu cũng trên 12mm.

+ Mắt ghép sống.

+ Bầu đất phải còn nguyên vẹn, không bị bể (nếu bầu bị bể thì cây sẽ long gốc, bọ rễ có thể bị đứt…).

+ Cắt ngọn chưa quá 5 ngày.

Việc xử lý bầu mắt ngủ trước khi đem ra hố trồng chỉ bắt buộc cắt bỏ hết những đoạn rễ bắn ra khỏi bầu.

+ ĐÀO HỐ: Trồng Cao su nên trồng thẳng hàng có như vậy mới tiện việc chăm sóc, như tưới nước, làm cỏ, vô phân và tiện cho việc thu hoạch mủ.

Đứng giữa lô Cao su ta thấy vườn cây được trồng theo hàng lối thẳng tắp, khoảng cách giữa cây với cây, giữa hàng với hàng đều nhau trông rất đẹp mắt.

Để có một vườn Cao su đúng qui cách như vậy, trước khi đào hố ta phải lo thiết kế hàng trồng ra sao, mật độ trồng thưa dày bao nhiêu, trồng theo hướng nào… Như vậy mới xác định được vị trí của từng hố trồng chính tại địa điểm nào mà đào.

Ngay cả việc chỉnh cho ngay hàng thẳng lối cũng không thể tin vào mắt thường mình, tức là phải sử dụng đến máy ngắm, phải cắm cọc giăng dây, phải đo cẩn thận thì mới chính xác được.

Trồng Cao su phải đào hố sâu. Hố là nơi chứa chất dinh dưỡng đầy đủ, kể cả nước tưới để nuôi cây con trong giai đoạn đầu, và hàng năm theo định kỳ có bón thúc thêm để cây tăng trưởng nhanh. Hố còn là chỗ bám vững chắc cho bộ rễ phát triển để nuôi thân cây, và giúp cây có thể đứng vững trước mưa to gió lớn. Vì vậy, trồng cây Cao su nên đào hố cho đúng cách, không thể xem thường được.

Ngày xưa, ông bà mình đào hố trồng Cao su một cách tùy tiện, có người đào thật sâu, có người đào rát cạn, chỉ cần vài ba lát cuốc cũng xong. Đa số đào hố với kiểu “nửa bánh xe bò”, mặt trên thì quá rộng, phía đáy hố thì lại thu hẹp, chỉ cốt làm lấy nhanh, như vậy thì vách hố bị lài, dẫn đến gốc cây không được nén chặt nên dễ bị ngã đổ khi mưa to gió lớn.

Kiểu hố trồng tốt nhất là đào khối vuông: miệng hố vuông vức mỗi bên cạnh 60cm và chiều sâu cũng 60cm, muốn rộng hơn một chút thì mỗi cạnh tăng thêm 10cm nữa: 70cm x 70cm x 70cm.

Kiểu hố này thường đào theo lối thủ công, tuy chậm nhưng đạt kỹ thuật, góc cạnh ngay ngắn, thẳng tắp. Đây được coi là bầu đất thứ hai của cây.

Ngày nay, nhiều nông trường sử dụng máy khoan hố, hoặc cày luống sâu theo đúng kích thước đã định. Dùng máy móc có hai điều lợi là nhanh và phá vỡ được tảng đất đá cứng bên dưới (nếu gặp), giúp rễ cái xuyên sâu được vào lòng đất để hút nước nuôi cây. Nhưng, cạnh đó cũng có điều bất lợi là ta không để riêng được lớp đất mặt để dùng lót đáy hố, và khi trồng cây vào luống cày thì phải tốn công chèn đất cho dẽ xuống đoạn giữa khoảng cách hai cây con, mới giúp cây khỏi bị nghiêng ngả sau này.

Khi đào hố, lớp đất mặt bên trên (đáy từ 25cm đến 30cm) nên để riêng ra, và lớp đất dưới (nhiều hơn) cũng để riêng ra một bên. Hai lớp này sẽ có công dụng khác nhau, nên đập tơi nhuyễn, phơi nắng vài tuần mới tốt.

Hố đào xong không nên trồng cây ngay mà phải phơi ải nắng gió trong vài ba tuần mới tốt, mục đích là để các luồng hơi độc trong lồng hố thoát hết ra ngoài, vì đó cũng là một thứ bệnh hại cho cây.

Hết thời gian phơi ải, ta xúc lớp đất mặt khi đào hố trước đây đổ xuống đáy hố, vì đây là đất có nhiều mùn, có chất màu được coi là thứ đất tốt để nuôi cây. Còn lớp đất đáy nên đập tơi nhuyễn ra rồi trộn với 10 đến 15kg phân chuồng thật tốt (hoặc phân chuồng và phân rác mục) với 200gr phân super lân. Trộn xong hỗn hợp phân và đất thì đổ xuống hố cho đầy.

Phải phơi ải hố thêm vài tuần nữa mới trồng cây được.

Như vậy, nên đào hố trước khi trồng cây khoảng một tháng đến tháng rưỡi hoặc hai tháng mới tốt.
 

MẬT ĐỘ TRỒNG:

Do ai cũng nghĩ đến câu “tấc đất tấc vàng” nên khi trồng Cao su, người nào cũng tính toán thật kỹ đến mật độ cây trồng trong lô nên thưa hay dày ra sao cho có lợi.

Hễ trồng thua thì e tốn đất, mà trồng dày cũng ngại năng suất không cao. Về phía các nông trường quốc doanh thì tùy theo cấu tượng của đất mà họ trồng đúng qui cách. Còn về phía chủ vườn Cao su tư nhân, về vấn đề này đa số cứ tính toán thiệt hơn. Vì vậy, thường thì các vườn tiểu điền trồng Cao su với mật độ dày hơn cho rằng trồng dày như vậy mới không phí đất.

Thật ra, trồng dày hay thưa là còn tùy vào từng lô đất tốt xấu ra sao, chứ không phải đất nào cũng trồng với khoảng cách như nhau được.

Đất tốt thì cây tăng trưởng mạnh, nếu trồng dày thì tránh làm sao được cành “cây chạm lá, cá chạm vi” Do đó gặp đất tốt thì cây phải trồng thưa mới cho kết quả tốt.

Ngược lại, đất xấu thì cây sẽ tăng trưởng kém, tán lá hẹp phải trồng dày mới lợi đất.

Thông thường, trong hàng cây cách cây 3 thước và hàng cách hàng 6 thước là hợp lý. Hàng cây phải trồng theo hướng gió chính… Một ha trồng được 500 cây là vừa.
 

Thực tế có nhiều vườn Cao su của tiểu điền chỉ trồng hàng cách hàng có 4 thước, như vậy là sai qui cách, năng suất mủ sẽ kém, mặc dù có chăm sóc tốt, và phân tro đầy đủ hơn.

KỸ THUẬT TRỒNG CAO SU:

Muốn cho vườn Cao su đạt được yêu cầu kỹ thuật thì phải biết trồng cây đúng kỹ thuật.

Khi cây giống đã sẵn sàng, hố trồng đã có đủ thời gian phơi ải, thì ta đem cây giống trồng xuống hố.

 

+ Cách trồng cây tum: Dùng chiếc nọc tre, tầm vông hay gỗ có chiều dài chừng 60cm – 70cm cắm vào giữa tim hố và cắm lút sâu tận đáy hố. Sau đó trồng cây tum vào tim hố (mối hố chỉ trồng một cây tum) sau cho cây đứng thẳng và mắt ghép quay về một hướng duy nhất, đó là hướng gió chính.

Điều cần lưu ý tiếp theo là phần cổ rễ phải cao hơn lớp mặt đất của hố khoảng 2cm. Nên dùng chân ém chặt đất quanh cây tum để giữ cây tum đứng thật thẳng, vì nếu để cây nghiêng thì sau này khó sửa. Đất càng được nén chặt thì sau này rễ bàng ra sẽ mau bám vào đất để sống.

Việc sau cùng là phủ lên mặt hố một lớp mỏng đất mùn, tốt nhất là phân rác mục (đã được sàng kỹ loại bỏ tạp chất) lên ngang mức có rễ, và tưới nước cho ấm đất trong hố.

+ Cách trồng bầu mắt ngủ: Sau khi nhắc bầu mắt ngủ ra khỏi vườn ươm, cắt bỏ các phần rễ bàng bắn ra khỏi bầu qua những lỗ thoát nước.

Khi trồng phải dùng chiếc cuốc nhỏ bới giữa tim hố một lỗ sâu và rộng bằng thể tích bầu ươm. Dùng mũi dao bén rạch đứt đáy bầu ra, ta thấy đuôi rễ cái và cả rễ bàng xoắn lại với nhau thành nùi. Nếu thấy chót rễ cái lú ra khỏi đáy bầu, hoặc nó gấp khúc hay quăn queo thì nên cắt bỏ hẳn đoạn rễ ấy. Sau khi trồng xuống hố rễ sẽ tiếp tục mọc dài ra và mọc mạnh hơn.

Đặt bầu vào đất xong, một tay giữ bầu đứng thẳng, tay kia chĩa mũi dao vào thành bầu rạch dài một đường từ dưới lên trên để bao rách ra rồi nhẹ tay kéo ra ngoài.

Công việc như vậy đã gần xong. Trước khi chèn đất chung quanh cho bầu được đứng vững, ta nên điều chỉnh sao cho cổ rễ không bị chìm xuống đất, vị trí của nó là phải cao hơn mặt đất của hố khoảng 2cm.

Theo kinh nghiệm của những người trồng Cao su lâu năm thì trồng cây tum đỡ tốn kém hơn trồng bầu mắt ngủ, nhưng thường tỉ lệ cây tum bị chết sau khi trồng vào hố cao hơn cây bầu mắt ngủ, ít nhất cũng 10 phần trăm.

+ Trồng dặm: Trồng cây Cao su con vào hố, dù là cây tum hay cây bầu mắt ngủ ít khi gặp cành trồng 10 cây sống đủ cả 10. Có nhiều lý do khiến cây bị chết, trong số đó có cây bị chết mắt ghép. Số cây chết không nhất thiết chỉ xảy ra một thời gian ngắn sau khi trồng xuống hố, mà có thể xảy ra năm sau, năm sau nữa. Có điều năm đầu thì tỉ lệ cây chết thường cao hơn năm sau.

Tất nhiên hễ thấy cây nào chết thì phải cấp tốc trồng dặm ngay. Có điều cây trồng dặm phải là cây cùng giống và cùng tháng tuổi với cây trong lô, như vậy chúng mới sinh trưởng đồng đều và sau này đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm thứ ba trở đi, nếu trong lô có cây nào bị chết thì đốn bỏ cây đó và không trồng dặm nữa. Đó là lý do khiến ta không ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng trong hàng Cao su xuất hiện những khoảng trống bất thường.