Trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách đi xăm mình có được hay không? Trốn đi khám sức khỏe thì có bị xử phạt gì hay không?
Trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách đi xăm mình có được hay không? Cho hỏi năm nay tôi 25 tuổi, tôi dự tính là đi xăm để có thể không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì có bị vi phạm gì hay không ạ và pháp luật có phạt tôi vì hành vi này hay không? Và nếu tôi xăm hình xăm to thì phải đi nghĩa vụ quân sự không? Xin cảm ơn! Câu hỏi của bạn Tiến Đạt đến từ Long An.
Trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách đi xăm mình có được hay không?
Căn cứ theo quy định trước đây tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư 167/2010/TT-BQP như sau:
Tiêu chuẩn tuyển quân
1. Tuổi đời:
Từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Gọi từ lứa tuổi thấp đến lứa tuổi cao.
2. Tiêu chuẩn chính trị, đạo đức:
a) Thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Quốc phòng – Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội.
b) Những cơ quan, đơn vị trọng yếu, tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng về nguyên tắc tuyển chọn, điều động người vào làm việc ở cơ quan; đơn vị trọng yếu, cơ mật.
c) Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lữ đoàn 144, Đoàn Nghi lễ Quân đội thuộc Bộ Tổng Tham mưu thực hiện tuyển chọn tiêu chuẩn riêng theo quyết định của Bộ Quốc phòng.
d) Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội.
3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định của liên Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư này thực hiện các tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ, các tiêu chuẩn khác về sức khỏe thực hiện theo tiêu chuẩn chung.
c) Những công dân mắt tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS, không gọi nhập ngũ vào Quân đội.
4. Tiêu chuẩn học vấn:
a) Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ học vấn lớp 8 trở lên. Những địa phương thực sự khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn số có trình độ học vấn lớp 7.
b) Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới được tuyển từ 20-25% có trình độ học vấn cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên, nếu vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu có thể tuyển một số không biết chữ để vừa huấn luyện, vừa học tập để nâng cao trình độ học vấn nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cho địa phương sau khi xuất ngũ.
c) Tích cực tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để giảm bớt lưu lượng đào tạo trong Quân đội, góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội.
Như quy định trước đây thì những trường hợp xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, hiện tại thì Thông tư 167/2010/TT-BQP đã bị bãi bỏ và thay thế bằng Thông tư 148/2018/TT-BQP thì đã không còn quy định này nữa. Vì vậy, cho dù có xăm như thế nào thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu đủ điều kiện nhập ngũ.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu không thuộc trường hợp được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự, khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn tuyển quân thì anh sẽ được thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trốn đi khám sức khỏe thì có bị xử phạt gì hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
…
Bên cạnh đó, tại Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Như vậy, theo các quy định trên thì việc trốn tránh khám nghĩa vụ quân sự thì nếu vi phạm lần đầu thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm trọng hơn thì có thể bị xử lý hình sự như các quy định trên.
Trốn khám nghĩa vụ quân sự có phải là hành vi bị nghiêm cấm hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.
5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
Như vậy, việc trốn khám nghĩa vụ quân sự là một trong các hành vi nhỏ trong việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự cho nên sẽ là hành vi bị nghiêm cấm.