Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

Phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn một trong những nhiệm vụ được quan tâm của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng ban hành hệ thống quy định pháp luật để quy định về vấn đề này. Vậy những hành vi vi phạm quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy sẽ bị xử lý như thế nào?

1. Nguyên tắc thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

– Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải tuân thủ Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định này và quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

– Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thực hiện các hoạt động phối hợp đảm bảo sự đoàn kết, hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau;

b) Mỗi khu vực, địa bàn do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ;

c) Việc trao đổi thông tin tội phạm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước;

d) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân là nòng cốt trong các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy trên phạm vi toàn quốc.

– Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng, chống ma túy phải được kiểm soát chặt chẽ theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương và phải kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng;

b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên ngành và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

– Công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải được tiến hành công khai, khách quan và đúng quy định của pháp luật;

b) Tôn trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng trái phép chất ma túy và gia đình của họ;

c) Gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú, công tác, làm việc, học tập có trách nhiệm tham gia quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy;

d) Thông tin, tài liệu về người sử dụng trái phép chất ma túy được cập nhật thường xuyên, chính xác;

đ) Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo đúng chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc;

e) Nghiêm cấm lợi dụng việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

Được quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể mức phạt vi phạm như sau:

2.1 Hình phạt chính

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;

c) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;

b) Môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;

b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;

c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;

d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;

g) Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện vào các mục đích khác.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện khi chưa được đăng ký hoặc cấp phép hoạt động.

2.2 Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g khoản 5 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

2.3 Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

Do mức phạt trên 500.000 đồng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo trình tự:

Bước 1:  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng.