Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi

Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi

Hiện nay, tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc cai nghiện tự nguyện lại chưa hiệu quả, nhiều trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc có đăng ký nhưng vi phạm, đặc biệt là người chưa thành niên lang thang, không có nơi cư trú ổn định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi; đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy. Để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên nghiện ma túy, ngày 24/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 01 về Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp lệnh có 5 chương, 48 điều. Tại Điều 4 Pháp lệnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

“1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó”.

Quá trình kiểm sát các hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, quy định của Pháp lệnh này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, cụ thể:                                     

Pháp lệnh quy định rõ chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021:

a) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

 b) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Theo đó, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định cụ thể tại Pháp lệnh số 01/2022 như sau:

1. Thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 8)

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại điểm i khoản 4 Điều 21 của Pháp lệnh này; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

2. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 9)

– Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.

– Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.

3. Phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 10)

– Trong thời hạn quy định Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

– Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

– Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp (Điều 11)

– Là người thân thích của người bị đề nghị.

 – Đã tiến hành xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó.

– Đã tiến hành việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong cùng vụ việc đó.

– Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

5. Thông báo về việc thụ lý hồ sơ (Điều 12)

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

6. Kiểm tra hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Khoản 1 Điều 13)

Thẩm phán được phân công phải kiểm tra hồ sơ về các nội dung sau đây:

a) Tài liệu trong hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy;

b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

7. Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 17)

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho người bị đề nghị; người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị; Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;người phiên dịch (nếu có); những người khác được yêu cầu tham gia phiên họp và Viện kiểm sát cùng cấp.

8. Hiệu lực các quyết định của Tòa án (Điều 24)

– Quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

– Các quyết định khác của Tòa án quy định tại Chương này có hiệu lực ngay, kể từ ngày ra quyết định.

9. Việc gửi quyết định của Tòa án (Điều 25)

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án đã ra quyết định đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi quyết định cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành vi vi phạm, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan hữu quan.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi quyết định cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành vi vi phạm, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp và những người khác có liên quan.

Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính. Mục đích là để giúp người chưa thành niên không tiếp tục sử dụng và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật do tác động của việc sử dụng ma túy. Đồng thời thể hiện quy định rất nhân văn của Luật. Người chưa thành niên được xem như đi chữa bệnh, không để lại thông tin trong lý lịch và không ảnh hưởng đến thời gian sau này./.

 

Trương Như Hạnh

Phòng 10 VKSND tỉnh