Trinh nữ, ốc bươu vàng, tôm càng đỏ,… và câu chuyện món ngon trước mắt

(NB&CL) Sinh vật ngoại lai xâm hại là vấn nạn ở quy mô toàn cầu. Nhưng khi các nước phát triển luôn đề cao việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ (kể cả với loài có lợi) để bảo vệ hệ sinh thái đặc hữu, thì Việt Nam luôn khốn đốn với sinh vật ngoại lai, hết năm này qua năm khác.

(NB&CL) Sinh vật ngoại lai xâm hại là vấn nạn ở quy mô toàn cầu. Nhưng khi các nước phát triển luôn đề cao việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ (kể cả với loài có lợi) để bảo vệ hệ sinh thái đặc hữu, thì Việt Nam luôn khốn đốn với sinh vật ngoại lai, hết năm này qua năm khác.

1. Sinh vật ngoại lai xâm hại là gì, có lẽ hàng triệu người Việt đều đã nghe, đã biết, hoặc từng phải khóc ròng với nó, nhưng thường đối diện hiểm họa với nhiều sự hời hợt.

Từ những năm 1990, ốc bươu vàng bùng phát từ ĐBSCL. Do có vòng đời ngắn, có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, ốc bươu vàng đã phát triển rất mạnh, lan ra khắp cả nước, gây thiệt hại không thể đo đếm với nền nông nghiệp.

Theo các tài liệu khoa học, ốc bươu vàng được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh, thậm chí được nuôi và nhân giống tại TP. Hồ Chí Minh năm 1989. Và tới nay, nó vẫn còn được xem là món ăn khoái khẩu trên bàn nhậu. Và còn cầu ắt sẽ còn cung.

Vẫn từ ĐBSCL, cây trinh nữ vào Việt Nam và lớn nhanh như thổi tại các vùng đất bán ngập, tiến tới xâm chiếm các cánh đồng, khu vực lòng hồ thủy điện… Người nông dân đã phải trả hàng triệu đồng cho mỗi hecta đất lúa, màu để chặt bỏ trong mỗi vụ gieo trồng.

Hay có thể kể đến là bèo Nhật Bản (bèo Tây), được nhập về từ Nhật Bản vào năm 1902 với mục đích làm cảnh. Ra ngoài môi trường, loài bèo này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng 10 ngày, phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt Việt Nam.

Khi bèo tây lan rộng, vẫn có nhiều người “khen” nó ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, mà quên mất rằng bèo tây làm giảm ô xy hòa tan trong nước, gây chết cá, thủy sinh,… Thêm nữa, nó còn ảnh hưởng xấu đến giao thông đường thủy, hoạt động của các hồ thủy lợi, thủy điện.

Nay lại là tôm càng đỏ (tôm đất), mà theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa nói trước Quốc hội sáng 22/5, nó “có thể phá hoại thuỷ lợi, bờ kênh”.

Những cảnh báo liên tiếp gần đây về tôm càng đỏ tiếp tục cho thấy sự lơi là của các cơ quan quản lý, bởi từ năm 2017, dư luận đã xôn xao việc một Việt kiều đưa tôm càng đỏ về Đồng Tháp, đưa vào nuôi quy mô 2 ha nhưng “nó tràn ra phá hết, tiêu diệt cả những con cá to bằng ngón tay…”

Đến lúc này, khi tôm càng đỏ được bán tràn lan trên internet, Bộ NN&PTNT mới có ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo xử lý, kiến nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc…

Cá chim trắng du nhập từ Nam Mỹ là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp và rất hung dữ. Ảnh: N.P.T

Cá chim trắng du nhập từ Nam Mỹ là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp và rất hung dữ. Ảnh: N.P.T

2. Trước thực trạng tôm càng đỏ có khả năng tiêu diệt mọi loài động thực vật bản địa, đào hang, phá công trình thuỷ lợi, bờ kênh, mương, gây nguy cơ sạt lở,… Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành, cử đoàn giám sát xuống địa phương, nhất là những nơi giáp biên giới Trung Quốc để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán loại sinh vật này.

Đáng chú ý, trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT trước Quốc hội sáng 22/5 cũng chỉ ra một thực tế đau xót trong việc kiểm tra, kiểm soát, phòng chống sinh vật ngoại lai gây hại, là chồng chéo.

Theo ông Cường, Bộ có nhiệm vụ gác cửa, ngăn chặn sinh vật ngoại lai là Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng Bộ NN&PTNT sợ tôm càng đỏ làm tổn thương đến cây nông nghiệp và vật nuôi nên phải phối hợp thêm. “Tôi mong địa phương thấy việc gì có lợi cho dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào. Đặc biệt là ĐBQH nên đưa nội dung này vào chương trình tiếp xúc cử tri. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để vì lợi ích nhỏ của một bộ phận làm ảnh hưởng đến tình hình chung, sau này chúng ta mất nhiều thời gian, tiền của để khắc phục”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngay khi Bộ NN&PTNT có văn bản, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương) cũng đã gửi công văn hỏa tốc tới các Cục QLTT địa phương đề nghị tăng cường kiểm soát đối với tôm hùm đất. “Lực lượng QLTT sẽ chốt chặn đường mòn, lối mở, điểm tập kết thu mua thủy sản tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh… Hoạt động kinh doanh trên mạng cũng sẽ được giám sát”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng QLTT nói.

Cũng theo ông Linh, QLTT sẽ kiểm tra hệ thống siêu thị, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng, xử lý nghiêm các vi phạm khi phát hiện…

Hoạt động phòng trừ tôm càng đỏ của các bộ, ngành như trên vẫn chưa cho thấy sự khác biệt so với đợt phòng diệt ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, vẫn “mất bò mới lo làm chuồng” như trước.

Ốc bươu vàng bị xếp vào danh sách bị cấm nuôi và cần tiêu diệt ở Việt Nam, nhưng nó vẫn đang bành trướng. Ảnh: Ngọc Trinh

Ốc bươu vàng bị xếp vào danh sách bị cấm nuôi và cần tiêu diệt ở Việt Nam, nhưng nó vẫn đang bành trướng. Ảnh: Ngọc Trinh

3. Có rất nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát, diệt trừ sinh vật ngoại lai đã được đưa ra, đó là: Tăng cường điều tra, phát hiện và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát, cảnh báo, xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm; Áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch, ngăn chặn sự phát tán ngay từ khâu nhập khẩu, kiểm tra giao thông; Sử dụng các biện pháp thủ công hay các tác nhân sinh hóa học – tức dùng các loài bản địa hoặc hóa chất phù hợp;…

Tuy nhiên, dù là giải pháp nào đi nữa, trước nhất phải có sự phân vai rõ ràng, tránh “cha chung không ai khóc”.

Và đặc biệt, một trong những giải pháp mà các nhà khoa học luôn đưa ra, là phải tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về việc nhận diện, phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của sinh vật ngoại lai. Cụ thể, người dân cần: Không nuôi trồng và sử dụng sinh vật ngoại lai vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán như làm cảnh, thực phẩm; Khi phát hiện phải báo về các cơ quan chức năng để có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định về đa dạng sinh học;…

Tôm càng đỏ được chế biến và quảng cáo trên internet - Ảnh minh họa

Tôm càng đỏ được chế biến và quảng cáo trên internet – Ảnh minh họa

Nhiệm vụ nâng cao nhận thức cộng đồng đến nay vẫn chưa thực sự nổi bật, hay có thể nói là thiếu dấu ấn.

Công tác phòng trừ sinh vật ngoại lai xâm hại dù đang được các bộ, ngành đặt quyết tâm lớn (đến năm 2020 phải giảm một nửa trong tổng số khoảng 100 loại), nhưng sẽ gặp rất nhiều thách thức: Người dân vẫn ăn và nuôi ốc bươu vàng, tôm càng đỏ; Môi trường tự nhiên Việt Nam không còn hoặc còn rất ít loài thiên địch với sinh vật ngoại lai gây hại bởi nạn săn bắt tận diệt, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật;…

Ngoài ra, ngay cả các loại quý hiếm quen thuộc như dơi, quạ, voọc chà vá, sếu đầu đỏ,… còn bị giết thịt, hủy hoại môi trường sống, thì chưa thể hy vọng nhiều vào việc cộng đồng thôi hứng thú với những sinh vật ngoại lai mới, lạ, nhất là có thể ăn được.

Kiên Giang