Triệu chứng và cách điều trị viêm đường tiết niệu
Mục Lục
Triệu chứng và cách điều trị viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới. Vậy viêm đường tiết niệu là gì? Triệu chứng và cách điều trị viêm đường tiết niệu được thực hiện như thế nào?
1. Viêm đường tiết niệu là gì?
Viêm đường tiết niệu hay còn gọi nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu của người gây ra phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó.
Về mặt vi khuẩn học thì nhiễm khuẩn tiết niệu được xác định khi số lượng vi khuẩn cấy mọc > 10 ^5 trên 1 ml nước tiểu.
Hệ tiết niệu ở người gồm: niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt (nam), niệu quản và 2 thận.
Nhiễm khuẩn tiết niệu được phân loại theo vị trí:
– Nhiễm khuẩn niệu trên: Viêm đài bể thận cấp, viêm đài bể thận mạn, áp xe đài bể thận.
– Nhiễm khuẩn niệu dưới: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt.
Tuyệt đại đa số các trường hợp viêm đường tiết niệu gặp ở cộng đồng là nhiễm khuẩn tiết niệu dưới. Viêm đường tiết niệu dưới rất thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 20 – 50. Ở phụ nữ trẻ, nhiễm khuẩn tiết niệu hay xảy ra do niệu đạo ngắn. Đồng thời vi khuẩn dễ dàng xâm nhập ngược dòng từ ngoài vào bàng quang thông qua động tác giao hợp.
Viêm đường tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng. Tỷ lệ không triệu chứng chiếm đến 40% – 50% tổng số các ca mắc. Nguyên nhân gây bênh hay gặp nhất là E.coli, loại vi khuẩn điển hình trong đường ruột.
Yếu tố thuận lợi gây viêm đường tiết niệu
Những người có một số yếu tố sau sẽ dễ mắc viêm đường tiết niệu hơn:
– Thói quen sinh hoạt: Hoạt động tình dục, nhịn đi tiểu, uống ít nước, vệ sinh cá nhân không đúng cách, hút thuốc lá, nghiện rượu.
– Yếu tố tại chỗ: Tắc nghẽn nước tiểu, sỏi tiết niêu, u phì đại tuyến tiền liệt, dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, đang dẫn lưu bàng quang, chấn thương, vết thương đường tiết niệu, sau thủ thuật đặt sonde tiểu, nong, nội soi đường tiết niệu, đang viêm âm đạo ở nữ giới.
– Yếu tố toàn thân: Suy giảm miễn dịch, AIDS, dùng thuốc tránh thai, có thai, đái tháo đường, gout.
Mức độ nguy hiểm của viêm đường tiết niệu?
Viêm đường tiết niệu ngoài để lại những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể lây lan lên trên gây viêm đài bể thận, áp xe bể thận, năng hơn là suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Ở nam giới có thể lan xuống dưới gây viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn. Ngoài ra người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể lây mầm bệnh cho vợ/chồng/bạn tình ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
2. Triệu chứng của viêm đường tiết niệu
Đái buốt: Cảm giác nóng rát, đau buốt khi đái.
Đái dắt: Cảm giác mót đái, buộc phải đi đái liên tục, mỗi lần đi đái ra rất ít nước tiểu, có khi chỉ vài giọt.
Đái đục, đái ra máu.
Bí đái, không đái được.
Đau tức nhẹ trên xương mu.
Sốt: thường là sốt nhẹ hoặc không hề có sốt. Số ít các trường hợp còn lại sốt cao cần lưu ý đến biến chứng viêm đài bể thận, nhiễm khuẩn huyết.
3. Cách điều trị viêm đường tiết niệu
3.1 Điều trị viêm đường tiết niệu bằng thay đổi thói quen sinh hoạt
Uống nhiều nước
Uống ít nhất khoảng 2 đến 3 lít một ngày. Có thể là uống nước lọc, nước râu ngô, bông mã đề. Từ bỏ ngay thói quen nhịn đi tiểu.
Khi uống ít nước và nhịn đi tiểu sẽ làm cho nước tiểu bị ngưng đọng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều sẽ ngăn chặn được điều này đồng thời sẽ làm sạch được đường niệu. Dòng tiểu sẽ cuốn trôi được các mầm bệnh ra ngoài khi chúng chưa kịp sinh sôi nảy nở.
Ở những bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu nhẹ, có khi chỉ cần áp dụng biết pháp uống nhiều nước cũng có thể điều trị khỏi mà không cần dùng thuốc.
Hạn chế quan hệ tình dục
Trong thời gian bị viêm đường tiết niệu cần hạn chế quan hệ tình dục. Động tác giao hợp tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập ngược dòng từ ngoài qua đường niệu đạo vào bàng quang.
Vệ sinh cá nhân đúng cách, đặc biệt là ở phụ nữ.
Sau khi đi đại tiện, do thuận tay nên các chị em thường lau chùi từ sau ra trước. Động tác này khiến vi khuẩn từ hậu môn đưa vào đường niệu dễ dàng hơn. Vì vậy cần thay đổi thói quen này, thay vì ta lau từ sau ra trước bây giờ ta sẽ phải lau chùi từ trước ra sau.
Tránh mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu khó thoát mồ hôi.
Trong thời gian có kinh nguyệt, cần vệ sinh sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên.
Khi thụt rửa cần phải tiến hành nhẹ nhàng. Tránh làm trầy xước tổn thương đường niêu.
Chỉ dùng các dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Không được dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa không chuyên khác để vệ sinh vùng kín. Các dung dịch này này làm mất tính kiềm – toan ở nơi đây tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Dinh dưỡng, tập luyện
Ăn uống đầy đủ các chất, tăng cường luyện tập thể dục thể thao. Hạn chế hút thuốc, hạn chế uống rượu. Các biện pháp này nhằm để nâng cao sức đề kháng chung của toàn cơ thể.
Đặc biệt chú trọng bổ sung Vitamin C có trong ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ. Vitamin C có tác dụng làm tăng mức độ axít có trong nước tiểu. Giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại hiện diện trong hệ thống đường tiết niệu.
3.2 Điều trị viêm đường tiết niệu bằng dùng thuốc
Việc dùng thuốc cho các bệnh nhân viêm đường tiết niệu cần phải hỏi ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng.
Thuốc kháng sinh
Levofloxacin 250 mg, ngày uống 1 hoặc 2 viên, uống 1 lần duy nhất trong ngày, dùng từ 5 đến 10 ngày.
Ciprofloxacin 500 mg, ngày uống 2 viên: sáng 1 viên, tối 1 viên, dùng từ 5 đến 10 ngày.
Biseptol 480 mg (Trimethoprim và sulfamethoxazole), ngày uống 4 viên: sáng 2 viên, tối 2 viên, dùng khoảng 5 đến 10 ngày.
Nhóm thuốc tetracyclin: Doxycyclin…
Nhóm thuốc beta-lactamin: Amoxicillin kết hợp với axít clavulanic, ceftriaxone…
Nhóm thuốc macrolid: Clarithromycin, azithromycin…
Các loại thuốc khác
Thuốc hạ sốt, giảm đau được dùng khi bệnh nhân sốt, đau tức khó chịu nhiều. Paracetamol 500 mg, ngày uống 3 viên, chia 3 lần. Sáng uống 1 viên, chiều uống 1 viên, tối uống 1 viên còn lại.
Thuốc giảm phù nề: Alpha chymotrypsin. Biệt dược Alpha choay ngày uống 6 viên chia 3 lần. Sáng uống 2 viên, chiều uống 2 viên, tối uống 2 viên còn lại
Thuốc chống viêm: Corticoid.
3.3 Điều trị viêm đường tiết niệu cùng các bệnh lý nền khác
Các bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu trên nền các bệnh lý là yếu tố thuận lợi thì cần phải điều trị kết hợp cả các bệnh lý nền đó. Điều trị tốt sỏi tiết niệu, u phì đại tuyến tiền liệt, viêm nhiễm âm đạo, kiểm soát tốt đường huyết…
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân