Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em và cách phòng ngừa

Bệnh quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, tương đối phổ biến, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 16 tuổi. Sau đây, chuyên mục Chăm sóc bé 0 – 3 tuổi của AVAKids sẽ cùng các mẹ tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này và cách phòng tránh nhé.

1Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị gây sưng đau ở tuyến nước bọt, còn gọi là tuyến mang tai. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tuyến sinh dục, viêm tinh hoàn, viêm màng não, vô sinh… 

Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có hàng ngàn trường hợp mắc bệnh quai bị được ghi nhận. Bệnh thường bùng dịch vào mùa đông xuân, khi thời tiết trời se lạnh, xuất hiện ở những nơi đông người như: ký túc xá, trường học, nhà trẻ, khu tập thể.

Bệnh quai bị ở trẻ

Thời điểm giao mùa trẻ rất dễ mắc bệnh quai bị

Quai bị là căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị và có nhiều biến chứng phức tạp. Tuy nhiên, phần lớn người dân thường chủ quan, chỉ chữa bệnh chứ không có ý thức cao trong việc phòng ngừa quai bị. 

Bệnh quai bị ở trẻ em thường ít biến chứng hơn ở người lớn. Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên chủ quan mà nên tiêm phòng cho con và chăm sóc hợp lý khi bé mắc bệnh.

2Nguyên nhân gây bệnh quai bị

Bệnh quai bị có nguyên nhân do virus paramyxovirus gây ra. Căn bệnh này có mặt trên toàn thế giới cho đến khi vắc xin được lưu hành vào năm 1967. Virus quai bị lây truyền qua đường hô hấp, ăn uống và giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp, sử dụng chung đồ cá nhân…

Mỗi người nếu có mắc bệnh quai bị thì chỉ mắc một lần trong đời vì sau đó cơ thể đã sản xuất ra kháng thể bảo vệ. Có nhiều dạng nhiễm trùng khác gây sưng tuyến nước bọt nên nhiều cha mẹ hay lầm tưởng rằng bé bị mắc quai bị lần thứ hai như bệnh viêm tuyến nước bọt.

3Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Giai đoạn ủ bệnh

Ở giai đoạn ủ bệnh, người bệnh không có nhiều triệu chứng biểu hiện nên đây là thời gian hay lây nhiễm cho nhiều người khác vì không chú ý các biện pháp phòng ngừa. Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 17 – 18 ngày.

Giai đoạn khởi phát

Khi bước vào giai đoạn khởi phát bệnh quai bị sẽ có một số biểu hiện sau:

  • Sốt cao từ 38 đến 39 độ.
  • Chán ăn, miệng khô, đau đầu.
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
  • Đau góc hàm, đau họng, đau cơ mặt.
  • Mặt sưng, tuyến mang tai đau nhức sưng to.

Giai đoạn toàn phát

Trẻ sẽ có dấu hiệu viêm tuyến nước bọt hay còn gọi là tuyến mang tai sau 24 đến 48 giờ từ khi khởi phát. Một bên mang tai sẽ bị sưng trước, sau 1 – 2 ngày sẽ sưng lên bên còn lại. 

Trẻ bị quai bị thường sưng cả 2 bên tuyến mang tai, ít có trường hợp sưng 1 bên. Hai bên má mặt bị viêm sưng sẽ không đối xứng, vùng da bị sưng không đỏ, căng bóng, sờ thấy nóng và đau. Trẻ còn có thể bị đau hàm khi há miệng, khi nhai hoặc ăn phải những thức ăn có vị chua.

Triệu chứng bệnh quai bị

Một số triệu chứng của bệnh quai bị

Giai đoạn khỏi bệnh

Trẻ sẽ khỏi bệnh trong khoảng 10 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuyến nước bọt cũng không còn bị sưng và không có mủ, trừ trường hợp bị bội nhiễm, nhiễm khuẩn.

4Bệnh quai bị ở trẻ có lây không?

Bệnh quai bị dù ở người lớn hay trẻ em đều rất dễ lây lan. Virus theo những giọt dịch từ miệng và mũi của người mắc bệnh truyền qua người đối diện khi hắt hơi, ho, thậm chí là khi cười. Việc sử dụng khăn chung hay chung đồ dùng cá nhân cũng rất dễ lây bệnh.

Quai bị dễ lây lan trong thời gian ủ bệnh, tức là 1 đến 2 ngày trước khi các tuyến mang tai bắt đầu sưng lên. Và vẫn có thể lây lan đến tận 6 ngày sau khi hết bệnh. Nếu trẻ bị quai bị, hãy cách ly trẻ với mọi người, đặc biệt là trẻ em xung quanh. Một số người nhiễm virus quai bị có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.

5Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị

Bệnh quai bị có thể gây ra một số biến chứng:

  • Viêm não: Người lớn mắc bệnh quai bị dễ bị biến chứng này hơn trẻ em. Virus quai bị có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, gia tăng nguy cơ viêm màng não, dị tật tiểu não, viêm não,…
  • Bé trai bị viêm tinh hoàn: Trong 10 bé trai mắc quai bị sẽ có 4 bé bị biến chứng viêm tinh hoàn. Khi thấy bé có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, đau nhiều ở vùng cơ quan sinh dục thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. Điều trị không đúng có thể dẫn đến vô sinh nên các mẹ cần cẩn thận.
  • Viêm buồng trứng ở bé gái: Đối với bé gái, việc đau bụng nhiều có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm buồng trứng. Cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
  • Trong 12 – 16 tuần đầu của thai kỳ, mẹ bầu sẽ có nguy cơ sảy thai cao nếu mắc bệnh quai bị.

Một số biến chứng hiếm gặp ở bệnh quai bị:

  • Viêm tụy: Đau bụng dữ dội, nôn ói. Tỷ lệ 1/20 người mắc, thường ở dạng nhẹ.
  • Tai điếc: Biến chứng điếc tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1/200.000 trẻ bị nhiễm bệnh. Virus quai bị có thể làm tổn thương ốc tai trong giai đoạn khởi phát dẫn đến điếc tai. Điếc tai do biến chứng của bệnh quai bị rất khó hồi phục, thường là điếc một bên tai, ít có trường hợp điếc cả hai tai. 
  • Viêm cơ tim, nhiễm trùng hô hấp, viêm tuyến giáp rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là khi áp dụng những phương pháp điều trị sai lầm dẫn đến bệnh nặng hơn.
  • Viêm màng não: Đây là một trong những biến chứng cực kỳ hiếm gặp. Virus lây lan qua dòng máu vào não và tủy sống, lúc này là dấu hiệu của bệnh nặng. Bệnh nhân đau bụng nhiều, tụt huyết áp, nôn ói. Khoảng 20 người mắc quai bị thì có một người có triệu chứng này nhưng thường ở dạng nhẹ.

6Cách chẩn đoán trẻ bị quai bị

Bệnh quai bị có những biểu hiện lâm sàng rất rõ ràng nên dựa vào đó bác sĩ có thể chẩn đoán ra. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác để việc chẩn đoán chính xác hơn.

  • Nếu bệnh nhân chưa có biểu hiện sưng viêm mặt rõ ràng, chỉ có sốt thì bác sĩ sẽ khám để phân biệt rõ với các bệnh sốt, viêm nhiễm đường hô hấp trên thông thường.
  • Khi bệnh nhân có biểu hiện viêm sưng trên mặt rất rõ ràng thì cần được phân biệt với các bệnh có một số biểu hiện tương tự như bệnh viêm mủ tuyến mang tai do vi khuẩn, viêm phì đại tuyến mang tai, sỏi tuyến nước bọt mang tai, hay viêm hạch góc hàm dưới do nhiễm khuẩn răng, hàm, họng.

7Hướng dẫn chăm sóc và điều trị quai bị tại nhà

Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị là chữa các triệu chứng kết hợp chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm nếu có. 

  • Nếu xuất hiện triệu chứng sưng viêm mang tai thì bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán có phải bệnh quai bị không.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt để giảm các triệu chứng sốt hay đau vùng mang tai. 
  • Trẻ cần uống nhiều nước, có thể bổ sung Oresol cho trẻ để bù nước và các chất điện giải nhanh hơn.
  • Chườm mát, chườm ấm hai bên mặt để giảm bớt sưng đau tuyến nước bọt.
  • Lau người để hạ sốt.
  • Ăn những thức ăn lỏng, dễ ăn, dễ nuốt như cháo, súp. Không nên ăn các thực phẩm quá cứng, thức ăn nóng, chua, cay, nhiều gia vị. Không cho trẻ uống các loại nước trái cây như nước cam, bưởi, chanh… Vì loại thức uống này có thể làm cho cơn đau tuyến mang tai trở nên khó chịu hơn.
  • Không tuỳ tiện dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có toa thuốc của bác sĩ 
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi và cách ly với những người khác.
  • Nhập viện ngay nếu có các dấu hiệu đau bụng, đau cơ quan sinh dục
  • Người bệnh quai bị cần được chăm sóc kỹ lưỡng để hạn chế những biến chứng nguy hiểm. 
  • Đối với nam nên mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm căng và giảm đau nhức.
  • Chăm sóc kỹ răng miệng để ăn ngon miệng hơn và tránh bội nhiễm.
  • Tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.

Trẻ bị sốt khi mắc bệnh quai bị

Trẻ bị sốt khi mắc bệnh quai bị cần được lau người hạ sốt

8Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?

Hãy đưa trẻ bị quai bị đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám nếu trẻ có những biểu hiện sau:

  • 3 ngày sốt không giảm.
  • Sưng tuyến nước bọt kéo dài hơn 7 ngày.
  • Sưng và đau nhiều hơn chứ không giảm.
  • Một số biểu hiện hành vi bất thường
  • Bị co giật.
  • Bỏ ăn, uống, nôn ói.
  • Có biểu hiện mất nước.

9Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ

Hiện nay việc tiêm phòng vắc xin là có hiệu quả nhất với bệnh quai bị. Vắc xin quai bị có thể sử dụng sớm cho trẻ từ 1 tuổi. Lịch tiêm chủng thông thường sẽ là tiêm vắc xin kết hợp sởi – quai bị – rubella. Các loại vắc xin này được đánh giá có tác dụng bảo vệ 95% sau khi tiêm và lâu dài về sau.

Vaccine phòng bệnh quai bị

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quai bị hiệu quả

Bên cạnh đó để phòng bệnh quai bị cần áp dụng một số biện pháp như:

  • Tuyên truyền mở rộng về việc vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là những nơi đông trẻ em như nhà trẻ, khu vui chơi.
  • Người nhiễm quai bị cần được cách ly và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
  • Khi nghi ngờ bản thân hay con mình mắc bệnh quai bị thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, vật dụng của trẻ.
  • Cho trẻ mang khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao.

10Đôi lời từ AVAKids

Quai bị tuy lành tính nhưng lại có khả năng xảy ra những biến chứng nặng nề. Đặc biệt căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị, vì vậy dùng vắc xin phòng bệnh được xem là phương án tối ưu nhất để bảo vệ sức khoẻ. Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các mẹ có cái nhìn tổng quan về bệnh quai bị cũng như cách phòng ngừa và chăm sóc khi trẻ mắc bệnh.

Các bài viết của AVAKids/ Vũ trụ bỉm sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem thêm:

  • Bệnh hen suyễn ngày càng phổ biếng mẹ nên tìm cách phòng tránh cho bé
  • Nhiễm trùng hô hấp có mức độ nguy hiểm cao, ba mẹ cần chú ý
  • Trẻ bị bệnh cảm cúm cần được điều trị đúng cách. Ba mẹ xem ngay hướng điều trị!

Quỳnh tổng hợp