Triệu chứng bất ngờ ở 40% phụ nữ bị đau tim

Các cơn đau tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ có khả năng bị chẩn đoán sai các vấn đề về mạch vành cao hơn 50% so với nam giới. 

Đau ngực và mệt mỏi được coi là những triệu chứng phổ biến nhất xuất hiện trước cơn đau tim. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn ợ nóng, cảm giác lo lắng. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo về một dấu hiệu ít được biết đến có thể báo trước tình trạng bất ổn ở tim. 


Trước khi cơn đau tim xuất hiện, bệnh nhân có thể gặp vấn đề về tiêu hóa. Ảnh minh họa: Eatthis

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy chứng khó tiêu là triệu chứng phổ biến mà phụ nữ gặp phải trong tháng trước khi xảy ra biến cố tim mạch. Khoảng 39% số bệnh nhân tham gia khảo sát cho biết họ có cảm giác khó chịu đó trước cơn đau tim. Tuy nhiên, khi cơn đau xuất hiện, triệu chứng này không còn phổ biến.

Theo Mirror, Dịch vụ Y tế Anh thông tin chứng khó tiêu dẫn tới cảm giác đau, khó chịu ở bụng trên hoặc đau rát sau xương, ợ chua. Mục đích của nghiên cứu là mô tả chính xác các triệu chứng bệnh tim mạch vành của phụ nữ, để hiểu sâu hơn về các dấu hiệu cảnh báo.

Các tác giả cho biết: “Các mô tả sẵn có về các triệu chứng bệnh tim điển hình chủ yếu dựa trên trải nghiệm của những người đàn ông trung niên da trắng”. Điều này góp phần gây ra những hiểu lầm ở bác sĩ lâm sàng và người bình thường, dẫn đến chẩn đoán không chính xác và khiến phụ nữ trì hoãn việc điều trị.

Triệu chứng trong giai đoạn trước cơn đau tim của phụ nữ gồm mệt mỏi bất thường (71%), rối loạn giấc ngủ (48%), khó thở (42%), khó tiêu (39%), lo lắng (36%)

Trong một cơn đau tim, bệnh nhân nữ thường cảm thấy khó thở (58%), yếu ớt (55%), mệt mỏi bất thường (43%), toát mồ hôi lạnh (39%), chóng mặt (39%)

Tiến sĩ Nancy K. Sweitzer đã đưa ra những điều mọi người nên thực hiện để giảm nguy cơ mắc các bất ổn tim mạch dẫn tới nguy hại tính mạng. Thông tin dựa trên phân tích của Viện Karolinska (Thụy Điển) với gần 21.000 người từ 45 tới 79 tuổi được theo dõi trong vòng 11 năm. 

Theo Tiến sĩ Sweitzer, những việc cần làm để giảm đáng kể nguy cơ đau tim bao gồm:

– Bỏ thuốc lá để giảm 36% rủi ro

– Áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau, đậu, hạt, sữa ít chất béo, ngũ cốc nguyên hạt và cá (giảm 18%)

– Duy trì vòng eo dưới 93cm đối với nam, dưới 89cm đối với nữ (giảm 12%)

– Uống ít hơn hai ly rượu mỗi ngày (giảm 11%)

– Tập thể dục vừa phải hằng ngày và hằng tuần (giảm 3%)

Tiến sĩ Sweitzer nói thêm: “Có thể là quá sức nếu mọi người thực hiện tất cả những thay đổi này cùng một lúc. Bạn có thể xem thay đổi thói quen nào tạo ra tác động lớn nhất hoặc bắt đầu với một thay đổi nhỏ”.