Triệt sản nữ có ảnh hưởng gì không?
Triệt sản nữ là phương pháp ngừa thai được thực hiện bằng cách làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, từ đó ngăn không cho tinh trùng và trứng gặp nhau. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến vì đem lại hiệu quả cao, an toàn và không ảnh hưởng đến tâm sinh lý của phụ nữ.
Mục Lục
1. Triệt sản nữ được thực hiện trong trường hợp nào?
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, thủ thuật triệt sản nữ thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ đã có đủ số con mong muốn, có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai vĩnh viễn và không hồi phục sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ.
- Phụ nữ bị các bệnh nếu mang thai sẽ gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, thủ thuật này cũng cần được thực hiện thận trọng khi phụ nữ có những đặc điểm sau:
- Trường hợp có bệnh lý về sản phụ khoa như ung thư vú, u xơ tử cung, tiền sử viêm vùng chậu từ lần mang thai trước, tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng dưới.
- Người bệnh có bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tim không biến chứng hoặc tiền sử đột quỵ.
- Người bệnh có bệnh lý mãn tính như động kinh, xơ gan còn bù, nhược giáp, u gan hoặc nhiễm schistomomiasis gan, thiếu máu thiếu sắt mức độ vừa, bệnh thận,…
Bác sĩ cần hoãn thực hiện thủ thuật triệt sản trong trường hợp phụ nữ có những bệnh lý sau:
- Giai đoạn hậu sản thai kỳ bị tiền sản giật hoặc sản giật.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời gian 7 – 42 ngày hậu sản.
- Người có biến chứng sau sinh trầm trọng như nhiễm khuẩn, xuất huyết hoặc chấn thương, ứ máu buồng tử cung, ra nhiều huyết âm đạo.
- Người bệnh có bệnh phổi như viêm phổi, viêm phế quản, thiếu máu thiếu sắt trầm trọng (hemoglobin < 7 g/Dl).
2. Triệt sản nữ có ảnh hưởng gì không?
Thực hiện thủ thuật triệt sản nữ hay thủ thuật thắt ống dẫn trứng có thể gây một số ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn, cụ thể như sau:
- Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể gặp tình trạng đau bụng, mệt mỏi, đầy hơi, chóng mặt, buồn nôn, đau vai. Những triệu chứng này thường sẽ hết sau 1 đến 2 ngày.
- Bạn có thể gặp hiện tượng rối loạn kinh nguyệt như máu ra nhiều hơn, chu kỳ không đều, số ngày hành kinh nhiều hơn, đau bụng hơn khi đến chu kỳ kinh… Những triệu chứng này sẽ giảm dần ở những chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
- Thủ thuật triệt sản thực hiện bằng kỹ thuật thắt ống dẫn trứng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể mang thai hay bị vô sinh thứ phát.
- Biện pháp kiểm soát sinh sản này chỉ có công dụng tránh thai nhưng không có tác dụng ngăn ngừa những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
3. Quy trình thực hiện triệt sản nữ
3.1. Bác sĩ tư vấn cho người bệnh
Trước khi tiến hành thực hiện thủ thuật bác sĩ cần lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của người bệnh về thủ thuật và lưu ý những trường hợp người bệnh quyết định triệt sản trong thời điểm bị sang chấn tâm lý như sau sinh hoặc sau sảy thai. Bác sĩ tư vấn cho người bệnh các vấn đề sau:
- Ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả của phương pháp triệt sản nữ, bác sĩ cần nhấn mạnh để người bệnh biết đây là biện pháp tránh thai không hồi phục.
- Thủ thuật không ảnh hưởng đến sức khỏe, giới tính và sinh hoạt tình dục.
- Bác sĩ tư vấn để người bệnh biết đây là phương pháp không có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV…
- Sau khi thực hiện thủ thuật thì chu kỳ kinh nguyệt thường không thay đổi, trừ một số trường hợp người bệnh đang sử dụng dụng cụ tránh thai hoặc tránh thai bằng nội tiết thì chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn.
- Bác sĩ cần giải thích cho người bệnh về quy trình thực hiện triệt sản và hướng dẫn khách hàng ký đơn tình nguyện xin triệt sản.
3.2. Bác sĩ tiến hành thăm khám trước khi thực hiện thủ thuật.
Trước khi tiến hành thủ thuật triệt sản nữ, bác sĩ thăm khám theo quy trình như sau:
- Thăm khám và hỏi bệnh sử bệnh nội khoa, ngoại khoa và các vấn đề bao gồm: Ngày đầu kỳ kinh cuối cùng, tình trạng biện pháp tránh thai hiện có, tiền sử sản khoa, những phẫu thuật ở vùng chậu trước đó.
- Thăm khám thực thể các vấn đề sau: Huyết áp, nhiệt độ cơ thể, cân nặng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
- Trước khi thực hiện thủ thuật đối với phụ nữ không có thai: Bác sĩ cần thăm khám vùng chậu để xác định kích thước, tính chất di động và vị trí của tử cung giúp loại trừ trường hợp viêm vùng chậu và khối u vùng chậu.
- Trước khi thực hiện thủ thuật đối với phụ nữ sau sinh: Bác sĩ cần thăm khám kỹ để loại trừ những biến chứng sau sinh và sau phá thai.
- Bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm hemoglobin và hematocrit.
3.3. Thời điểm thực hiện thủ thuật triệt sản nữ
Ở phụ nữ không mang thai, thủ thuật triệt sản được thực hiện tốt nhất là vào thời điểm sau khi kỳ kinh nguyệt vừa kết thúc sẽ giúp loại trừ trường hợp thực hiện thủ thuật trên người đang mang thai.
Ở phụ nữ đang mang thai, thủ thuật triệt sản được thực hiện tốt nhất là lúc mổ lấy thai hoặc thời kỳ hậu sản. Bác sĩ thực hiện thủ thuật ở thời kỳ hậu sản tốt nhất trong khoảng thời gian 24 – 36 giờ sau sinh để giảm nguy cơ chảy máu và sản phụ có thể nghỉ ngơi sau sinh. Trường hợp, sản phụ vỡ ối sớm, sốt trong chuyển dạ và có nguy cơ nhiễm trùng thì bác sĩ nên tạm dừng thực hiện thủ thuật, có thể chuyển sang tuần thứ 8 sau sinh.
3.4. Chuẩn bị tiến hành thủ thuật
Trước khi tiến hành thủ thuật bác sĩ cần chuẩn bị các yếu tố như sau:
- Bác sĩ thực hiện thông tiểu hoặc nhắc nhở người bệnh đi tiểu trước khi tiến hành thủ thuật.
- Người bệnh được nằm ở tư thế phụ khoa hoặc nằm ngửa.
- Trường hợp bác sĩ sử dụng cần nâng tử cung thì đặt cần trước khi phẫu thuật.
- Thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phụ sản, bác sĩ gây mê và các điều dưỡng viên. Trong đó, bác sĩ phẫu thuật thường đứng ở vị trí bên trái, điều dưỡng phụ mổ đứng bên đối diện, bác sĩ gây mê theo dõi tình trạng trong quá trình thực hiện thủ thuật.
- Trường hợp bệnh nhân HIV hoặc AIDS đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng biện pháp tránh thai bằng triệt sản nữ, bác sĩ cần có những chuẩn bị đặc biệt khi thực hiện cho những bệnh nhân này.
3.5. Giảm đau trong thủ thuật triệt sản
Bác sĩ thực hiện tiêm bắp 25 – 50mg pethidin (Biệt dược Dolorgan, Dolosall) hoặc 10 mg diazepam trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ tiến hành gây tê hoặc gây mê bằng một trong các kỹ thuật sau:
- Gây tê tại chỗ bằng lidocain 1% liều tối đa không quá 4,5 mg/kg trọng lượng cơ thể.
- Gây mê nội khí quản trong trường hợp không thể thực hiện gây mê tại chỗ (thường áp dụng cho trường hợp người béo phì, vết mổ cũ dính, bệnh nhân tâm thần).
- Gây tê ngoài màng cứng.
3.6. Theo dõi sau triệt sản nữ
Bác sĩ cần theo dõi tình trạng người bệnh trong vòng 6 giờ sau khi thực hiện thành công thủ thuật triệt sản nữ, bao gồm:
- Tình trạng cơ thể
- Mạch đập
- Huyết áp
- Nhịp thở
Bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh các bước chăm sóc vết thương sau phẫu thuật, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đúng điều độ và tránh các thức ăn ảnh hưởng đến vết thương. Trường hợp người bệnh đau bụng kéo dài trong vài ngày hoặc cơn đau dần nặng lên kèm theo sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí.
3.7. Các tai biến và biến chứng có thể gặp khi thực hiện triệt sản
Một số tai biến có thể gặp phải khi thực hiện triệt sản bao gồm:
- Người bệnh bị chảy máu ổ bụng.
- Nhiễm trùng vùng chậu, viêm phúc mạc, hình thành khối phúc mạc.
- Tai biến chảy máu và nhiễm trùng vết mủ.
- Các tai biến hiếm gặp hơn như tổn thương tử cung, ruột và bàng quang.
- Trường hợp thủ thuật triệt sản thất bại có thể mang thai ngoài tử cung.
Như vậy, phương pháp triệt sản nữ là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn được thực hiện an toàn, hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý phụ nữ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.