Triết lý giáo dục
Phát biểu triết lý giáo dục của Học viện Ngoại giao:
“Học để phụng sự và dẫn đầu”
Ý nghĩa chung của triết lý giáo dục Triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt nhằm hướng đến một mục đích cụ thể trong nền giáo dục của một quốc gia, ứng với từng giai đoạn lịch sử. Triết lý giáo dục hướng đến những kỳ vọng, mong mỏi của đất nước với mỗi công dân trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực, trách nhiệm với dân tộc. Học viện Ngoại giao với triết lý giáo dục Học để phụng sự và dẫn đầu hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người đầy trí tuệ, bản lĩnh; có khả năng tư duy độc lập, biết sáng tạo, biết phê phán, phản biện và có một tấm lòng nhân ái, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh, có trách nhiệm với Tổ quốc.
Nội dung của Triết lý giáo dục * Học tập để phụng sự
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục là để phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Giá trị cốt lõi của giáo dụclà đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và sự phồn vinh của dân tộc. Để thực hiện tốt nghĩa vụ phụng sự, việc tích lũy kiến thức, trau dồi phẩm chất và kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Vì vậy, phụng sự là kết quả và cũng là động cơ của quá trình học tập. Mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, Học viện Ngoại giao hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu chiến lược. Sứ mệnh này được xây dựng trên nền tảng bền vững của tri thức, kỹ năng cũng như những giá trị cốt lõi của Học viện và những cá nhân trong Học viện. Mỗi cá nhân đều ý thức được sứ mệnh đặc thù của Học viện để học tập và cống hiến hết mình, góp một phần công sức vào sự phát triển của ngành Ngoại giao nói riêng và phục vụ cho tiến trình hội nhập của đất nước nói chung.
Phụng sự trong sự nghiệp Ngoại giao Nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo ở bất cứ mảng nào cũng luôn nhằm mục tiêu phụng sự. Nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực ngoại giao một mặt phục vụ cho quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia, mặt khác bồi dưỡng nguồn nhân lực đối ngoại chất lượng cao phục vụ cho quá trình xử lý các tình huống, động thái trong hoạt động đối ngoại, từ đó đóng góp vào các thành tựu đối ngoại của ngành Ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Công tác nghiên cứu và giảng dạy trong Học viện luôn được thiết kế theo hướng bám sát thực tế, linh hoạt phù hợp với những chuyển biến của tình hình quốc tế nhằm xây dựng cho người học tâm thế sẵn sàng thích nghi với những thay đổi trong yêu cầu của xã hội, của thế giới, để từ đó phục vụ tốt nhất cho công cuộc phát triển đất nước.
Học tập, phụng sự để vươn lên dẫn đầu
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, đối ngoại giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Để đưa đất nước vươn tầm thế giới, công tác đối ngoại phải đóng vài trò tiên phong trong quá trình hội nhập, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Để làm tốt nhiệm vụ đó, nhân tố con người đóng vai trò cốt yếu, tạo hành trang vững chắc về kiến thức và kỹ năng cho mỗi thế hệ cán bộ Ngoại giao trong quá trình phát triển và hội nhập. Với sứ mệnh đặc biệt của mình, Học viện Ngoại giao là môi trường đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phụng sự cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước. Học viện xác định luôn chủ động trong đi đầu về xu thế, đóng góp, phát triển và hội nhập, dẫn đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế một cách toàn diện, phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu uy tín hàng đầu trong khu vực.
Công tác giáo dục phục vụ mục tiêu “Phụng sự và Dẫn đầu”
Là cơ quan đảm nhận chức năng chuyên trách đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Ngoại giao, Học viện Ngoại giao đã có những đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo được nhiều chuyên gia là những hạt nhân cấu thành bộ máy nghiên cứu chiến lược của các Bộ, ngành trung ương. Chiến lược phát triển của Học viện giai đoạn 2019-2029 đã xác định rõ Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục giữ vững vị trí số một tại Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, phấn đấu 2030 vươn lên nhóm dẫn đầu khu vực. Để đạt được thành quả này cần có sự đóng góp, cống hiến hết mình của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, các thầy cô và sinh viên Học viện. Mỗi thành viên của Học viện Ngoại giao là hình mẫu tiêu biểu trong thời đại mới với tri thức sâu rộng và sự tự tin, năng động, sáng tạo, cần cù, siêng năng, luôn hết mình vì công việc, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới. Vị thế dẫn đầu cũng đặt lên Học viện trách nhiệm lớn lao hơn để duy trì hình ảnh và giá trị của mình. Học viện sẽ tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa công việc, trách nhiệm của mình, cung cấp những dịch vụ tốt nhất với chương trình đào tạo tiên tiến.
Triết lý giáo dục “Học để phụng sự và dẫn đầu” là một quá trình tuần hoàn mà ở đó việc học tập chính là trọng tâm, học tốt để phụng sự tốt, phụng sự tốt để dẫn đầu và khi dẫn đầu rồi lại cần tiếp tục học hỏi để vươn lên những tầm cao mới.