Trích lục địa chính là gì? Mục đích, thủ tục trính lục địa chính

Đất đai là một loại tài sản có giá trị. Thị trường giao dịch về loại tài sản này đang phát triển khá sôi động, nhiều người giàu lên nhanh chóng khi kinh doanh loại tài sản này. Tuy nhiên, chủ thể kinh doanh cũng phải đặc biệt chú trọng vấn đề hồ sơ pháp lý của chúng.

 

Chị Nguyễn Thị Diệp Vân ở Bắc Giang cung cấp yêu cầu tư vấn như sau:

Tôi có 01 miếng bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp và gia đình đang có nhu cầu muốn bán phần đất này cho một người khác. Hiện tại người mua yêu cầu ra đình tôi cung cấp trích lục bản đồ địa chính của mảnh đất này. Nhưng gia đình tôi không hiểu bên đó muốn yêu cầu cấp trích lục bản đồ địa chính để làm gì. Vì các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản sao gia đình tôi đã cung cấp cho họ. Mặc dù, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi đã được cấp từ khá lâu là từ năm 1996, địa phương có chính sách cấp lại Giấy chứng nhận một hay hai lần gì đó nhưng gia đình tôi vì bận một số công việc nên chưa có kịp làm. Nay gia đình cần một số tiền để cậu út đầu tư làm ăn nên mới phải bán đất này, chứ thực sự gia đình cũng không có muốn bán. Đất này thì gia đình sử dụng đã lâu từ năm 1980 và đất hoàn toàn không có tranh chấp với ai, sử dụng ổn định từ năm đó đến giờ. Hiện giờ, tôi cần công ty giải đáp vấn đề như sau:

1. Trích lục bản đồ địa chính là gì?

2. Mục đích của việc cấp trích lục bản đồ địa chính để làm gì? Có lợi hay hại gì đến quyền lợi của gia đình tôi hay không?

3. Những trường hợp nào phải trích lục bản đồ địa chính? Và hoạt động này có cần thiết hay không?

4. Nếu việc cấp trích lục bản đồ địa chính không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của gia đình tôi thì trình tự, thủ tục, hồ sơ để xin cấp trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào để chúng tôi làm theo?

Mong công ty sớm đưa ra phản hồi để gia đình có thể nắm được quy định của pháp luật hiện hành và để mọi người có câu hỏi giống như tôi cùng tham khảo. Gia đình xin trân thành cảm ơn công ty Luật Minh Khuê. 

>> Luật sư tư vấn pháp luật Đất đai, gọi:  1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm trích lục địa chính

Hiện nay, trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định về trích lục bản đồ địa chính nhưng lại không định nghĩa hay giải thích trích lục bản đồ địa chính là gì. Tuy nhiên có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là một hình thức cung cấp, xác thực thông tin thửa đất.

Các thông tin về thửa đất bao gồm:

– Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất (xã, huyện, tỉnh);

– Diện tích thửa đất;

– Mục đích sử dụng đất;

– Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;

– Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;

– Bản vẽ thửa đất gồm: Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

 

2. Mục đích của trích lục địa chính

Trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.

Kết quả của trích đo địa chính là mảnh trích đo địa chính (đây là bản vẽ thể hiện kết quả trích đo thửa đất). Trích đo địa chính là một trong những thành phần của hồ sơ trình Ủy ban nhân dân  cấp huyện, tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, hồ sơ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…

Trích lục bản đồ địa chính thửa đất không phải là giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất mà trích lục và trích đo địa chính phục vụ yêu cầu quản lý đất đai như cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai.

 

3. Các trường hợp cần trích lục địa chính

3.1 Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013 khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.

 

3.2 Cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013 khi cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.

 

3.3 Là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai

Sau khi hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân  cấp xã không thành nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh thì trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai (theo điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013).

 

3.4 Người xin giao đất, thuê đất có yêu cầu

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất  khi nhận giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp tỉnh thì người xin giao đất, thuê đất phải nộp 01 bộ hồ sơ.

– Trong hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

– Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất.

 

3.5 Là thành phần hồ sơ trình UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất  quy định: Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

 

3.6 Là thành phần hồ sơ trình UBND quyết định thu hồi đất

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì có các loại hồ sơ như hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất (Điều 9 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất), hồ sơ trình ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc (Điều 10 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất), hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất (Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất).

 

4. Thủ tục trích lục địa chính

Tại điểm d khoản 1 điều 3 của Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất”

Căn cứ Khoản 2 Điều 15 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất  thì Văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện nơi có đất sẽ tiếp nhận hồ sơ. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

Như vậy, để trích lục hồ sơ đất đai bạn cần nộp hồ sơ cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có đất.

Hồ sơ bạn cần chuẩn bị bao gồm:

– Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin( theo mẫu)

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ liên quan

– Hộ khẩu/chứng minh nhân dân của người đề nghị.

Trên đây là tư vấn, phân tích quy định pháp luật của chúng tôi. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.