Trích lục bản đồ địa chính là gì? Có thể xin trích lục bản đồ địa chính online không?

Trịnh Hải Quỳnh
0
Đầu tư

Trích lục bản đồ địa chính là cách để người dân khai thác dữ liệu về đất đai. Vậy hiện nay có thể xin trích lục bản đồ địa chính online được không?
 

Trích lục bản đồ địa chính là gì?

Bản đồ địa chính được là bản đồ thể hiện các thông tin về thửa đất và các yếu tố địa lý liên quan có sự xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, phường hoặc thị trấn.

Khái niệm

Muốn xem bản đồ địa chính, người dân cần thực hiện thủ tục xin trích lục. Hiện nay pháp luật không có khái niệm cụ thể về trích lục, tuy nhiên có thể hiểu đây là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm cung cấp các thông tin về đất đai theo yêu cầu của người xin cấp.

Theo quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì trên trích lục bản đồ địa chính sẽ thể hiện các thông tin về thửa đất bao gồm:

  • Số thứ tự thửa đất
  • Tờ bản đồ số và thông tin địa chỉ gồm xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thị xã và tỉnh/thành phố
  • Diện tích thửa đất
  • Mục đích sử dụng đất
  • Tên người sử dụng đất và thông tin thường trú của người sử dụng đất
  • Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất (nếu có)
  • Bản vẽ thửa đất, bao gồm sơ đồ thửa đất và chiều dài cạnh thửa

Việc trích lục bản đồ địa chính có thể được thực hiện bởi cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu khai thác dữ liệu về đất đai.

* Lưu ý: Cần phân biệt hai khái niệm trích lục và trích đo thửa đất

Trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính nhằm phục vụ yêu cầu quản lý đất đai. Bản vẽ thể hiện kết quả trích đo thửa đất được gọi là mảnh trích đo địa chính. Như vậy, hai khái niệm này không hề tương đồng với nhau, việc trích lục chỉ có thể thực hiện trong trường hợp thửa đất đã có bản đồ địa chính.

mẫu trích lục bản đồ địa chính

Một mẫu trích lục bản đồ địa chính

Trích lục bản đồ địa chính để làm gì?

Việc trích lục bản đồ địa chính được thực hiện dựa trên yêu cầu của người dân trong trường hợp cần khai thác thông tin về đất đai. Ngoài ra đối với một số trường hợp, người sử dụng đất cần phải xin trích lục để tiến hành một số thủ tục liên quan đến đất đai, cụ thể:

– Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Đối với trường hợp thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi trong quá trình sử dụng hoặc theo yêu cầu kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp thì văn phòng đăng ký đất đai tiến hành thực hiện thủ tục trích lục.

– Cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do bị mất (khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Việc trích lục bản đồ địa chính được thực hiện đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.

– Trích lục bản đồ địa chính là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai (điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Trích lục bản đồ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích tranh chấp là một trong những giấy tờ không thể thiếu của hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai.

– Người xin giao đất, thuê đất có yêu cầu (điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)

Trích lục bản đồ là một trong những giấy tờ cần có trong hồ sơ xin giao đất, thuê đất. Đây sẽ là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét hiện trạng và ra quyết định về việc giao hoặc cho thuê đất.

– Theo yêu cầu của người xin chuyển mục đích sử dụng đất (điểm đ khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)
Tương tự như trên thì đây cũng là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ trình Ủy ban nhân dân để xin chuyển mục đích sử dụng đất.

– Là thành phần hồ sơ trình Ủy ban nhân dân để ra quyết định thu hồi đất (theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)
Như vậy trích lục bản đồ địa chính là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu trong hầu hết các giao dịch quan trọng liên quan đất đất và quyền sử dụng đất.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì các trường hợp cần thực hiện trích lục bản đồ địa chính online cũng được áp dụng tương tự.

Có thể xin trích lục bản đồ địa chính online không?

Một trong những câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra là có thể xin trích lục bản đồ địa chính online không?

Các thủ tục hành chính về đất đai trong những năm trở lại đây đã được đơn giản hóa rất nhiều, tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng đất. Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan, tốn nhiều thời gian và công sức thì hiện nay, người có yêu cầu hoàn toàn có thể xin trích lục bản đồ địa chính online.

Theo quy định do Bộ Tài nguyên môi trường ban hành thì việc nộp hồ sơ yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện bằng một trong các phương thức gồm:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai
  • Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện
  • Gửi qua thư điện tử hoặc cổng thông tin đất đai

Như vậy, để xin trích lục bản đồ địa chính online, có thể gửi yêu cầu thông qua email hoặc thao tác trực tiếp tại Cổng thông tin đất đai ở các cấp.

Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính

Để được cấp trích lục bản đồ địa chính người dân phải gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền. 

Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ xin trích lục bản đồ địa chính bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai theo mẫu số 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan
  • Giấy tờ cá nhân như CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng

Đối với trường hợp xin trích lục bản đồ địa chính online, các loại giấy tờ trên cần được chuyển về bản mềm hoặc thao tác trực tiếp trên cổng thông tin điện tử.

Trích lục bản đồ địa chính ở đâu?

Theo quy định cơ quan chịu trách nhiệm cấp trích lục cho người dân bao gồm:

  • Đối với cơ quan cấp Trung ương: Thẩm quyền thuộc về Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Đối với cơ quan ở địa phương: Thẩm quyền thuộc về Văn phòng đăng ký đất đai

Các bước thực hiện

Tùy vào từng phương thức xin cấp trích lục mà thủ tục thực hiện cũng sẽ khác nhau.

* Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp

  • Bước 1: Nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai
  • Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ xin trích lục và thông báo nghĩa vụ tài chính 
  • Bước 3: Tổ chức, cá nhân có yêu cầu nộp nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả

* Đối với trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện

Các bước được tiến hành tương tự như với phương thức nộp hồ trực tiếp, tuy nhiên hồ sơ sẽ được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thông qua đường bưu điện.

mẫu phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu về đất đai

Mẫu phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai

* Đối với trường hợp xin cấp trích lục bản đồ địa chính online

  • Bước 1: Đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia
  • Bước 2: Chọn Thủ tục hành chính Trích lục thửa đất
  • Bước 3: Điền phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai
    • Mục 1, 2, 3: Điền các thông tin cá nhân bao gồm họ tên, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại và email
    • Mục 4: Điền thông tin số thửa đất muốn cấp trích lục và đánh dấu (x) vào ô “trích lục bản đồ”
    • Mục 5: Nhập mục đích sử dụng dữ liệu và đánh dấu (x) vào ô “email/ems theo địa chỉ”, “Fax…” tùy vào nhu cầu
  • Bước 4: Nộp phiếu yêu cầu qua cổng thông tin điện tử đến Trung Tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai

Để thực hiện thủ tục xin cấp trích lục bản đồ địa chính online, người dân bắt buộc phải đăng ký tài khoản dịch vụ công, sau đó tiến hành theo hướng dẫn tại Cổng Dịch vụ công.

Một số câu hỏi về trích lục bản đồ địa chính online

* Trích lục bản đồ địa chính online mất bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT thì các loại chi phí mà người dân phải trả khi xin trích lục bản đồ địa chính bao gồm:

  • Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai
  • Chi phí in ấn, sao chụp các loại hồ sơ, tài liệu
  • Chi phí gửi tài liệu (nếu có)

Mức phí cụ thể của từng loại sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

* Thời gian thực hiện thủ tục trích lục bản đồ địa chính online là bao nhiêu ngày?

Theo quy định, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền nhận được yêu cầu xin trích lục trước 15 giờ thì phải giải quyết ngay trong ngày, đối với trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì việc cấp trích lục bản đồ địa chính được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo và phải thực hiện ngay trong ngày.

Như vậy thời gian để giải quyết thủ tục này là 01 ngày kể từ thời điểm nhận được yêu cầu từ người dân.

* Người dân có thể bị từ chối cấp trích lục bản đồ địa chính không?

Hầu hết cá nhân, tổ chức yêu cầu cấp trích lục bản đồ địa chính đều sẽ được phê duyệt, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể bị từ chối, cụ thể bao gồm:

  • Văn bản, phiếu yêu cầu xin cấp trích lục có nội dung không rõ ràng
  • Yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước
  • Hồ sơ yêu cầu không có chữ ký của cơ quan có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức, phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân, tổ chức yêu cầu cung cấp dữ liệu
  • Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định
  • Không thực hiện nghĩa vụ tài chính

Trích lục bản đồ địa chính online là một trong những thủ tục mà doanh nghiệp cần chú ý, đặc biệt là khi muốn mở rộng đầu tư hoặc phát triển thêm các dự án.