Tri thức trẻ vì giáo dục mùa thứ 6: Đổi mới để tăng ứng dụng thực tiễn
Ban tổ chức chương trình lựa chọn và hỗ trợ 20 triệu đồng cho 2 công trình, sáng kiến đoạt giải trong năm 2020 – Ảnh: NAM TRẦN
Bước đột phá cho mùa mới là tổ chức chuỗi talkshow, ngày hội “Tri thức trẻ”, đặc biệt hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các công trình, sáng kiến vào vòng phát triển dự án.
Ngày 28-4 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo phát động chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021”.
Chương trình năm nay tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Lần đầu tiên tổ chức talkshow “Tri thức trẻ vì giáo dục”
Qua 5 năm triển khai, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã thu hút đông đảo đối tượng trí thức trẻ Việt trong và ngoài nước đóng góp vì sự nghiệp giáo dục nước nhà, tăng cả về số lượng và chất lượng với 2.668 công trình, sáng kiến tham gia.
“Điều đáng mừng là một số công trình, sáng kiến sau khi đoạt giải đã được thương mại hóa, sản xuất ra hàng hóa trong thực tiễn hay khẳng định được trong nhiều cuộc thi, sân chơi lớn hơn trên cơ sở tư vấn của hội đồng ban giám khảo, nhờ đó các tác giả, nhóm tác giả có thêm bước hoàn thành công trình, sản phẩm để tham gia sân chơi lớn hơn.
Tiêu biểu như công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông” được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017; công trình “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” đoạt giải nhất lĩnh vực công nghệ thông tin giải thưởng Nhân tài đất Việt 2017″ – ông Bùi Quang Huy, bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đánh giá.
Năm 2021 khởi đầu cho chặng đường phát triển mới của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” giai đoạn 2021 – 2026, bên cạnh tìm kiếm các công trình, sáng kiến ở 3 nhóm nội dung, ban tổ chức chương trình còn xây dựng chuỗi talkshow trực tuyến với chủ đề “Trí thức trẻ trong kỷ nguyên mới của tri thức” với sự tham gia của các tác giả, nhóm tác giả, các nhà khoa học, nhà giáo dục, đại diện các ban, bộ ngành.
Ông Nguyễn Minh Triết, trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn, đánh giá đây là bước đột phá trong chặng đường mới, là cơ hội để các tác giả hoàn thiện sản phẩm, tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các đơn vị chức năng cho sản phẩm của mình.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19, ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ càng về nội dung cũng như hình thức thực hiện talkshow, tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch, đồng thời lên phương án talkshow trực tuyến nhằm lan tỏa rộng rãi hơn nữa đến đông đảo trí thức trẻ” – ông Triết thông tin.
Cùng với đó, tổ chức ngày hội “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Đặc biệt, 10 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất sẽ được ban tổ chức đầu tư kinh phí, hỗ trợ đội ngũ tư vấn để phát triển hoàn thiện sản phẩm, ứng dụng vào thực tiễn.
Tăng tư vấn hoàn thiện sản phẩm
Một trong những điểm mới phải kể đến là thiết kế vòng phát triển dự án thay vì chỉ có hai vòng sơ khảo và chung khảo như những năm trước. Năm nay, các tác giả, nhóm tác giả dự thi được lựa chọn vào vòng phát triển dự án sẽ có gần 6 tháng để hoàn thiện, phát triển công trình của mình (kéo dài từ ngày 15-10-2021 đến ngày 31-3-2022). Ban tổ chức cho biết tùy vào số lượng công trình, sản phẩm và đa dạng lĩnh vực ngành nghề, sẽ thiết kế ban tư vấn phù hợp nhất với từng sản phẩm sáng tạo dự thi.
Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Doãn Hồng Hà – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên – cho biết bên cạnh 3 nội dung chính đã được nêu trong thể lệ, Bộ GD-ĐT mong muốn các tác giả, nhóm tác giả quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới – rèn luyện 5 phẩm chất và 10 năng lực cho học sinh.
Tại buổi họp báo, với mong muốn hiện thực hóa các ý tưởng, đưa các công trình vào ứng dụng thực tiễn, ban tổ chức chương trình lựa chọn và hỗ trợ 20 triệu đồng cho 2 công trình, sáng kiến đoạt giải trong năm 2020. Đó là các công trình: “Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay” (nhóm tác giả Đào Lê Hòa An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Lê Tâm An, Lâm Tùng, TP.HCM) và “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” (tác giả Nguyễn Trường Vũ, giáo viên vật lý, Huế).
Thời gian nhận hồ sơ công trình, sáng kiến bắt đầu từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9. Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: [email protected].
Dự kiến vòng sơ khảo và tổ chức ngày hội Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 vào ngày 9-10. Vòng phát triển dự án từ ngày 15-10-2021 đến ngày 31-3-2022. Vòng chung khảo và lễ trao giải dự kiến vào ngày 9-4-2022.
Chung cuộc sẽ có tối đa 10 công trình, sáng kiến vào vòng chung khảo nhận phần thưởng 10 triệu đồng. Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất nhận phần thưởng 100 triệu đồng.
* Ông Nguyễn Đình Tâm (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long):
Kỷ nguyên mới của tri thức
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới dưới tác động của làn sóng cách mạng 4.0 mà cốt lõi là chuyển đổi số. Một kỷ nguyên đang dần được định hình bởi những cách thức mới, nền tảng mới để mang con người đến gần hơn với tri thức và những quan điểm giáo dục tiến bộ. Thiên Long gọi đây là “kỷ nguyên mới của sức mạnh tri thức”.
Cuộc thi năm nay cũng không ngoại lệ với rất nhiều sự thay đổi về thời gian, cách thức và cả giải thưởng nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tìm ra những công trình mang nhiều giá trị cho ngành giáo dục trong kỷ nguyên số.
Khởi động chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục mùa thứ 6