Tri âm [ 知音 ] và tri kỷ [ 知己 ] nghĩa là gì ?

Tri âm 知音

Tri: biết, Âm: âm điệu. Biết thưởng thức tiếng đàn
Nghĩa bóng: Bạn bè biết rõ tâm sự của nhau.
Bá Nha đời Xuân Thu là một người có tài đàn. Chung Tử Kỳ là người biết thưởng thức âm nhạc. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, bụng nghĩ đến núi, thì Chung Tử Kỳ khen: “Tiếng đàn chót vót như núi cao”. Lúc Bá Nha đánh đàn, lòng nghĩ về sông nước, thì Chung Tử Kỳ nói: “Tiếng đàn cuồn cuộn như nước chảy”. Sau khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn, bảo rằng: “Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa”.

Tử Kỳ được gọi là bạn tri âm của Bá Nha.

Tri kỷ 知己
Tri: biết, Kỷ: mình. Tri kỷ là người bạn hiểu rõ mình.
Bào Thúc Nha, người thời Chiến-quốc, làm bạn với Quản Trọng rất thân; khi chưa làm quan hai người hùn vốn đi buôn. Quản Trọng luôn luôn tìm cách chia phần lời nhều hơn, nhưng Thúc Nha không buồn, lại nói rằng: Quản Trọng nhà nghèo, cần có tiền nhiều để nuôi mẹ. Khi mới ra làm quan, Quản Trọng làm nhiều việc hư hỏng, ai nấy đều chê, chỉ có Thúc Nha biết tài, cho là Quản Trọng chưa tới thời. Khi ra trận, Quản Trọng hay lùi lại phía sau, mọi người đều cười là nhát, chỉ có Thúc Nha bảo là Quản Trọng còn mẹ già, cần phải giữ thân để nuôi mẹ. Khi Tề loạn, mỗi người phò một công tử trốn sang nước khác và hẹn sau ai có chúa được làm vua, phải tiến cử bạn cùng phò chung một người.

Sau công tử Bạch về nước làm vua, xưng Tề Hoàn công. Thúc Nha tiến cử Quản Trọng làm tể tướng. Quản Trọng giúp Tề Hoàn công làm bá các chư hầu; khi sắp chết lại không tiến cử Thúc Nha thay mình. Vua lấy làm lạ hỏi, Quản Trọng đáp: “Bào Thúc Nha là bậc quân tử chớ không phải là nhà chánh trị; ông ưa điều thiện mà ghét điều ác, lại ghét thái quá đến không ai chịu được. Người như thế mà nắm quyền chánh, ắt hư việc nước”.

Có người mách việc ấy lại cho Bào Thúc Nha nghe. Ông cười và nói: “Chính vì thế mà trước kia ta mới hết sức tiến cử Quản Thượng phụ cho chúa công; thượng phụ trung với nước mà không vì bạn, đó là không phụ công ta tiến cử. Giả sử chúa công phong ta chức tư khấu để trừ gian diệt nịnh, thì ta nhận ngay. Nếu phong ta làm tể tướng thì nhà ngươi và nội bọn còn đâu chỗ dung thân”. Kẻ ấy mắc cỡ lui ra.

Bởi vậy, lúc sinh thời, Quản Trọng thường nói: “Sinh ta là cha mẹ ta, còn hiểu ta thì chỉ có Bào Thúc Nha”.