Trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật – nỗi lo không của riêng ai
Trẻ sốt cao rất dễ bị co giật nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời. Chính điều này đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng mỗi lần con bị sốt. Vậy trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật, biểu hiện ra sao và nên xử lý sao cho đúng, nếu cha mẹ đang băn khoăn về những điều này thì chớ nên bỏ qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
25/05/2021 | Co giật nửa mặt có nguyên nhân do đâu và điều trị được không?
08/01/2021 | Hướng dẫn cách xử lý đúng với trường hợp co giật do sốt ở trẻ nhỏ
Mục Lục
1. Những vấn đề cơ bản về sốt co giật
1.1. Thế nào là sốt co giật
Trẻ được xác định là sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 37.5 độ C, sốt nhẹ khi nhiệt độ cơ thể trong khoảng 37.5 độ C – 38 độ C, sốt vừa khi nhiệt độ cơ thể trong khoảng 38 độ C – 39 độ C và sốt cao khi nhiệt độ cơ thể trên 39 độ C. Sốt co giật là tình trạng co giật do sốt cao gây ra. Trẻ thường sẽ bị mất cảm giác và xuất hiện cơn co lắc ở tay chân với một khoảng thời gian nhất định khi bị co giật do sốt cao.
1.2. Các loại sốt co giật ở trẻ
Sốt co giật ở trẻ thường có 2 loại:
Trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật: thường thì khi trẻ sốt từ 39 độ C trở lên
– Sốt co giật đơn giản: tương tự như kiểu co cứng, tăng trương lực cơ, thời gian của cơn co thường khoảng 15 phút, sau cơn co giật trẻ không có dấu hiệu thần kinh nào và cũng không bị rối loạn tri giác.
– Sốt co giật phức tạp: đây là dạng co giật khu trú, mỗi cơn co giật thường kéo dài trên 15 phút và trong vòng 24 giờ sẽ có từ 2 cơn co giật trở lên.
2. Trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật
2.1. Tại sao khi sốt cao trẻ dễ bị co giật
Sốt vốn là một phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào như: vi khuẩn, virus. Trước khi biết trẻ sốt cao bao nhiêu độ có thể co giật thì cha mẹ nên biết lý do gây nên tình trạng này. Sở dĩ trẻ trong độ tuổi 0 – 6 dễ bị co giật khi sốt cao là do giai đoạn này não bộ của trẻ chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh nên tương đối nhạy cảm với những thay đổi của thân nhiệt.
Khi bỗng nhiên nhiệt độ cơ thể tăng lên hoặc có sự thay đổi một cách đột ngột rất dễ kích thích não bộ sinh ra co giật. Nếu trong cả giai đoạn phát triển 0 – 6 tuổi trẻ chỉ bị co giật do sốt cao 1 – 2 lần thì nó là lành tính. Khi sốt cao bị co giật trẻ thường có các biểu hiện sau:
– Mất ý thức khi nhiệt độ cơ thể cao trên 38.5 độ C.
– Lắc hoặc giật 2 bên tay chân.
– Cơ siết chặt lại.
– Rối loạn nhịp thở.
– Nôn.
– Sùi bọt ở mép.
– Mắt trắng dã.
– Có thể ngừng thở vài giây, không tự chủ được tiểu tiện hoặc đại tiện, vã mồ hôi.
– Sau cơn co giật trẻ thường buồn ngủ.
2.2. Trẻ sốt bao nhiêu độ thì có thể bị co giật
Hầu hết cha mẹ đều muốn biết trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật để có phương án đề phòng. Thường thì khi sốt cao trên 39 độ C trẻ sẽ có nguy cơ bị co giật. Hầu hết các cơn co giật là ngắn và sẽ tự hết. Đa phần những trường hợp co giật do sốt cao ở trẻ là lành tính.
2.3. Cách xử trí khi trẻ sốt co giật tại nhà
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi con mình sốt cao co giật là hoảng sợ và lo lắng. Chuyên gia y tế khuyến cáo rằng khi tình huống này xảy ra cha mẹ phải hết sức bình tĩnh để xử trí đúng cách vì hầu hết các cơ co giật đều không nguy hiểm đến sự sống của trẻ. Di chứng nguy hiểm nhất mà tình trạng này gây ra là thiếu oxy não. Vì thế, trong lúc này, ngay khi đã bình tĩnh trở lại, cha mẹ cần giúp trẻ:
Khi trẻ bị co giật cha mẹ cần đặt trẻ nằm nghiêng để chất dịch mũi họng hay thức ăn không lọt vào đường thở
– Làm thông đường thở bằng cách đặt trẻ nằm xuống một nơi rộng và an toàn, nằm ở tư thế nghiêng sang một bên để phòng trường hợp cơn co giật làm trẻ nôn khiến thức ăn hay các chất khác lọt vào đường thở. Tiếp sau đó hãy nới lỏng cổ áo, đặt gối dưới đầu cho trẻ (nếu có). Cha mẹ tuyệt đối không được cho cái gì vào miệng hay cố gắng nạy răng trẻ ra; không tìm mọi cách kìm cơn co giật hay ghì, đè trẻ.
– Hạ sốt cho trẻ bằng Paracetamol với liều lượng 10 – 15mg/kg/lần và lặp lại sau 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn sốt. Khi hết cơn co giật, trẻ sẽ buồn ngủ, cha mẹ nên để cho trẻ được nghỉ ngơi.
– Làm mát cơ thể cho trẻ bằng cách chườm nước ấm ở bẹn, nách và trán. Trong quá trình chườm cha mẹ cần thay khăn thường xuyên để việc giải nhiệt đạt hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không dùng nước đá để hạ sốt vì nó dễ làm co mạch khiến cho quá trình giải nhiệt bị chậm trễ. Khi nhiệt độ nách trẻ trở về bình thường thì cha mẹ có thể dừng việc chườm ấm.
Cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên để nhận biết sớm trẻ bị sốt cao
– Cho trẻ uống oresol, nước ép trái cây, sinh tố để bổ sung vitamin, tăng đề kháng và cân bằng điện giải cho trẻ.
– Ghi nhớ thông tin về kiểu co giật, thời gian cơn co để sau đó có thông tin cung cấp cho bác sĩ.
Sau khi đã làm những việc này và thấy cơn co giật của trẻ kéo dài trên 5 phút mà không có dấu hiệu dừng lại thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
2.4. Biện pháp phòng ngừa co giật khi trẻ sốt cao
Hầu hết các trẻ đã từng bị co giật khi sốt cao thì rất dễ bị lặp lại hiện tượng này. Vì thế, bên cạnh việc tìm hiểu trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật thì cha mẹ cũng cần biết cách giúp trẻ phòng tránh co giật khi sốt.
Thực ra, nếu biết cách xử trí đúng cách với cơn sốt của trẻ ngay từ đầu thì cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa co giật rất tốt. Để đạt được điều ấy, khi phát hiện trẻ bị sốt, cha mẹ nên:
– Cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống thật nhiều nước để hạ nhiệt cơ thể.
– Nới lỏng quần áo trẻ cho rộng ra, đảm bảo trẻ được mặc quần áo và nằm nghỉ ở nơi thoáng mát.
– Tuyệt đối không ủ ấm hay trùm kín cho trẻ.
– Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt cho trẻ.
– Dùng nước ấm để lau người làm mát cơ thể và dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt của trẻ đo được từ 38.5 độ C trở lên.
Với những chia sẻ trên đây mong rằng đã giúp cha mẹ biết được trẻ sốt bao nhiêu độ có thể co giật và biết cách xử trí đúng khi ở trong tình huống này. Nếu cần thêm sự hỗ trợ y tế nào khác, cha mẹ đừng quên nhấc máy liên hệ tổng đài 24/7 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56. Chuyên viên y tế của chúng tôi luôn sẵn sàng có mặt để gửi tới cha mẹ những giúp đỡ nhanh chóng và chính xác nhất.