Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao và câu trả lời từ chuyên gia – YouMed

Bạn chắc hẳn sẽ rất căng thẳng khi thấy đứa con bé bỏng của mình bị ho. Bên cạnh đó là cảm giác bất lực khi không biết trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao. Sau đây, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ cho bạn một số lời khuyên trong việc xử trí tình trạng ho ở trẻ. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.  

Nguyên nhân làm trẻ sơ sinh bị ho

Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Ho chính là kết quả của việc đường thở bé bị kích thích hoặc bị ảnh hưởng. Nguyên nhân có thể là do tích tụ chất nhầy liên quan đến bệnh do vi-rút, hoặc do dị ứng với phấn hoa, khói thuốc,… Do đó, trước tiên, bạn phải thu hẹp nguyên nhân trẻ bị ho để có cách xử lý phù hợp. Hãy đọc tiếp để biết được các nguyên nhân ho và triệu chứng của từng trường hợp.

Có nhiều nguyên nhân khiến con bạn bị ho

Cảm và cúm

Có hơn 200 loại vi-rút cảm lạnh khác nhau mà bé có thể tiếp xúc. Chúng gây ngạt mũi, hắt hơi, sốt và dĩ nhiên là ho.

Các dấu hiệu của bệnh cúm ở trẻ bao gồm:

  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Đau nhức cơ thể và đau đầu.
  • Đau họng.
  • Trẻ bị ho nghẹt mũi.
  • Ho khan.
  • Đau bụng kèm theo nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Nếu bố mẹ phát hiện sớm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi-rút cho trẻ. Nếu không, hãy để bé nghỉ ngơi hoặc truyền nước hoặc dùng thuốc hạ sốt không kê đơn cho bé. Đừng quá lo lắng, bé sẽ sớm khỏi bệnh thôi.

COVID-19

SARS-CoV-2, vi-rút gây ra COVID-19, cũng có thể dẫn đến các triệu chứng giống như cảm lạnh ở trẻ sơ sinh bị ho. Nếu trẻ đã tiếp xúc với người bệnh, hãy liên hệ với trung tâm y tế để được hướng dẫn về cách xét nghiệm và điều trị. Trẻ dưới 1 tuổi (hay còn gọi là trẻ nhũ nhi) có thể có nguy cơ cao bị các biến chứng do vi-rút gây ra.

Viêm thanh khí phế quản

Bệnh này đặc trưng bởi những tiếng ho khan, ông ổng như tiếng “chó sủa”. Ngoài ra, trẻ còn có thể có thêm:

  • Sổ mũi.
  • Viêm thanh quản (mất tiếng).
  • Sốt.
  • Có âm thanh lạ khi thở.

Viêm thanh khí phế quản nhẹ thường có thể được điều trị tại nhà. Trường hợp bệnh nặng có thể phải hỗ trợ hô hấp hoặc dùng steroid.

Xem thêm: Thuốc ho Selituss chiết xuất từ lá thường xuân dùng được cho trẻ sơ sinh có tốt không?

Viêm phổi

Cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác có thể tiến triển thành viêm phổi. Lúc này, các cơn ho sẽ nặng hơn, có đờm và có thể gây đau đớn. Bé yêu của bạn cũng có thể bị sốt, mệt mỏi, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Để điều trị tình trạng này, bé yêu có thể phải dùng thuốc kháng sinh, bù nước và nghỉ ngơi.

Cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác có thể tiến triển thành viêm phổi

Bệnh ho gà

Lúc đầu, trẻ sẽ có thể bị sốt, sổ mũi và ho húng hắng nhẹ. Trong giai đoạn thứ hai của bệnh, các cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, ở bất kỳ thời điểm nào, thường nặng về đêm. Tiếng ho có vẻ khô và gắt, có thể kết thúc bằng âm thanh đặc trưng.

Với bệnh này, con bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh và/hoặc nhập viện để hồi phục.

Bệnh hen suyễn

Vi-rút là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các đợt hen suyễn ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống. Triệu chứng của bệnh hen suyễn là: ho dai dẳng và có thể kèm theo thở khò khè, thở gấp. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Thở nhanh.
  • Khó bú/ăn.
  • Kiệt sức.
  • Da, môi, mặt nhợt nhạt hoặc có màu xanh lam.

Vậy khi bạn nhận thấy trẻ sơ sinh bị ho khò khè phải làm sao? Hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn.

Dị ứng

Trẻ cũng có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm, các tác nhân hoặc dị ứng theo mùa. Các triệu chứng khác với cảm lạnh và cúm ở chỗ: chúng chỉ bắt đầu biểu hiện khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Ngoài ra, dị ứng không gây sốt, đau nhức và hiếm khi gây đau họng. Ho có thể là một triệu chứng của dị ứng. Tuy nhiên, nó không phải là một triệu chứng phổ biến như khi trẻ bị cảm lạnh.

Nếu bạn nghi ngờ dị ứng, bạn có thể đến các bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra thêm.

Trào ngược

Bé yêu của bạn có thường xuyên khạc cổ, sụt cân, hay quấy khóc trong hoặc sau khi bú không? Nó có thể là dấu hiệu của chứng trào ngược dạ dày ở trẻ.

Axit trong dạ dày của trẻ dễ bị trào ngược lên, gây ra một vài cơn ho. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ hết bị trào ngược theo thời gian.

Tham khảo thêm một số cách xử trí khi trẻ bị ho và nôn về đêm do bác sĩ gợi ý.

Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao?

Khi bạn bị ho, bạn có thể dễ dàng tự mua thuốc ở nhà thuốc để giảm bớt các triệu chứng. Nhưng bạn không thể làm điều đó cho đứa con nhỏ của mình. Thuốc ho có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Năm 2018, FDA đã khuyến nghị rằng: không nên sử dụng thuốc ho cho trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Vậy thì, làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho? Hãy thử những phương pháp chăm sóc trẻ bị ho sau đây. Tất cả chúng đều không phải dùng thuốc và an toàn cho trẻ sơ sinh:

Cung cấp đủ nước

Đây là chìa khóa để giúp đờm, các chất nhầy lỏng hơn và trẻ ho ra dễ dàng hơn. Nếu trẻ bị mất nước, thì nước mũi và các chất tiết khác của trẻ có thể khô lại. Do đó, bé sẽ khó hết ho.

Vậy, đối với trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Bố mẹ phải để ý cho trẻ bú mẹ hoặc pha sữa cho bé uống thường xuyên, theo nhu cầu của trẻ. Các chuyên gia nói rằng không cần thiết phải uống thêm nước, nhưng tốt nhất nên duy trì lượng nước như bình thường.

Đối với những trẻ lớn tháng tuổi hơn, có thể thay sữa mẹ bằng nước và nước trái cây ít đường.

Hãy cho trẻ bú mẹ hoặc pha sữa cho bé uống thường xuyên, theo nhu cầu của trẻ

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý

Chất nhầy trong mũi của trẻ có thể chảy xuống phía sau mũi và cổ họng gây chảy mũi sau. Từ đó gây ra hiện tượng tắc nghẽn và ho. Đặc biệt bạn có thể nhận thấy cơn ho này sau khi trẻ ngủ dậy. Hãy dùng nước muối sinh lý để nhỏ hai đến ba giọt vào lỗ mũi bé vài lần trong ngày.

Dùng dụng cụ hút mũi

Bạn cũng có thể thử hút chất nhầy ra khỏi mũi của trẻ trước khi nó có cơ hội tiếp cận và gây kích ứng cổ họng và đường thở.

Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, hãy lấy ống bóp để hút chất nhầy khỏi mũi bé. Đầu tiên, hãy bóp để đẩy không khí ra ngoài. Trong khi bóp, hãy nhét sâu khoảng 1 cm vào lỗ mũi của bé, nhớ hướng về phía sau/bên mũi. Thả tay ra để dụng cụ hút được chất nhầy ra ngoài.

Lặp lại nếu thấy cần thiết trong ngày. Nhưng hãy nhớ rằng, lỗ mũi của trẻ có thể bị kích ứng nếu bạn làm như vậy quá thường xuyên.

Dùng máy tạo độ ẩm

Không khí ẩm có thể làm trẻ dễ chịu hơn. Bạn có thể đặt máy tạo độ ẩm trong nhà. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho biết những thiết bị này có thể không cung cấp đủ độ ẩm cần thiết.

Có một giải pháp thay thế khác, đó là hãy xông hơi cùng trẻ trong phòng tắm khoảng 10 – 15 phút. Trong thời gian chờ, bạn có thể kể chuyện, nói chuyện với trẻ về chủ đề nào đó.

Cho trẻ nhỏ trên 1 tuổi uống mật ong

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, bạn có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ mật ong trước khi đi ngủ. Mật ong sẽ bao phủ cổ họng của bé để giảm đau. Ngoài ra, mật ong còn có thể có hiệu quả tương tự như dextromethorphan, một thuốc ức chế ho không kê đơn.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, mật ong có thể không thích hợp cho trẻ nhỏ. Bởi vì nó có nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Mật ong phù hợp cho trẻ từ 1 tuổi trở lên

Tránh các tác nhân gây dị ứng

Hãy thử loại bỏ các tác nhân có thể gây hen suyễn hoặc dị ứng trong nhà. Chúng có thể bao gồm: khói thuốc lá, bụi, nấm mốc,… Và bất cứ thứ gì khác mà xét nghiệm dị ứng cho thấy là nguyên nhân dị ứng của con bạn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng nói rằng, bạn nên tránh ra ngoài trời vào những ngày có chất lượng không khí kém.

Hạ sốt

Một số bệnh cảm lạnh và ho sẽ đi kèm với sốt nhẹ. Vậy làm gì khi trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho và sốt?

  • Trẻ nhỏ dưới 1 tháng tuổi: Gọi ngay cho bác sĩ nhi khoa. Bởi vì sốt là không bình thường ở độ tuổi này.
  • Trẻ dưới 3 tháng: Gọi cho bác sĩ để được tư vấn.
  • Trẻ nhỏ từ 3 đến 6 tháng: Cho trẻ uống acetaminophen mỗi 4 – 6 giờ nếu cần. Hãy tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về liều lượng và dùng dụng cụ định liều chuyên dụng.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Cho trẻ uống acetaminophen 4 – 6 giờ một lần, hoặc ibuprofen cứ 6 – 8 giờ một lần. Không được cho trẻ uống cả hai loại thuốc cùng một lúc.

Làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho và sốt?

Hy vọng bài viết trên đã chia sẻ cho bạn một số kinh nghiệm về việc trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao. Nếu bạn vẫn lo lắng về tình trạng ho của trẻ, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhé.