Trẻ ốm không chịu ăn phải làm sao?
Những đứa trẻ bị bệnh không thể là một đứa trẻ hạnh phúc và dễ chịu. Trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ nhỏ nói chung sẽ quấy khóc và trở nên cáu kỉnh một cách bất thường trong suốt thời gian bị bệnh. Việc đưa trẻ đến khám với bác sĩ nhi khoa, tuân thủ điều trị và các hướng dẫn khác của bác sĩ là điều cha mẹ nên thực hiện. Tuy nhiên, nhiều mẹ sẽ phải đối diện với tình cảnh trẻ bị ốm lười ăn mà không biết cách giải quyết. Trong thời gian chờ đợi trẻ khỏi bệnh, bố mẹ cần thực hiện một số bước để giúp trẻ bổ sung đủ dinh dưỡng giúp mau chóng phục hồi sức khỏe.
Mục Lục
1. Trẻ ốm không chịu ăn phải làm sao?
Một đứa trẻ bị ốm lười ăn là điều bình thường và đây không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Khi bị ốm, hệ tiêu hoá của trẻ thường yếu, nên việc ăn uống chậm lại sẽ giúp dạ dày và ruột của trẻ có cơ hội phục hồi, đặc biệt nếu trẻ bị nôn mửa. Điều tương tự cũng xảy ra khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng gây sốt và gây giảm cảm giác thèm ăn.
Đối với hầu hết các bệnh nhẹ như khi trẻ ốm vặt; chúng thường không cần chế độ ăn uống đặc biệt. Để trả lời cho câu hỏi trẻ ốm không chịu ăn phải làm sao, bố mẹ có thể tham khảo các biện pháp sau:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Nếu em bé của bạn bị sốt, nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm, hoặc bệnh tiêu hóa kèm theo tiêu chảy thì điều quan trọng là bé phải uống được nhiều nước để phòng ngừa mất nước. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nên được cho ăn bao nhiêu lần tùy thích, trừ khi có các lời khuyên khác từ bác sĩ. Đối với những đứa trẻ đã bắt đầu ăn dặm, hãy cho trẻ ăn thức ăn lỏng và thức ăn có hàm lượng nước cao như nước trái cây được pha loãng, gelatin và súp. Cho trẻ bổ sung dịch thường xuyên trong ngày dù chí một vài ngụm mỗi lần – đều là điều tốt. Trẻ bị ốm lười ăn có thể cho bú sữa bình thường trở lại khi trẻ đã dung nạp được chất lỏng trong vài giờ. Nếu em bé của bạn bị tiêu chảy hoặc nôn nhiều, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung một loại chất lỏng bù nước và các chất điện giải dành riêng cho trẻ em. Lưu ý, không nên lựa chọn các loại đồ uống thể thao tại các cửa hàng bởi vì chúng chứa nhiều đường và có thể làm cho bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn. Dấu hiệu nhận biết trẻ được bổ sung đủ nước là chúng vẫn đi tiểu bình thường và vẫn làm ướt tã.
- Ưu tiên phục vụ các món ăn theo sở thích của trẻ. Trẻ bị ốm lười ăn vì lúc đó nhiều món ăn nhất định trông không hấp dẫn với chúng. Trong trường hợp này, hãy ưu tiên lựa chọn các món ăn mà trẻ thích như bánh quy giòn và mì. Tuy nhiên, không cần hạn chế chế độ ăn của trẻ chỉ với những món ăn nhạt nếu trẻ có thể dung nạp nhiều hơn.
- Đừng ép trẻ ăn: Đôi khi, một đứa trẻ bị ốm có thể chỉ ăn được các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn trong ngày. Nhưng nếu trẻ vẫn không chịu ăn thì đừng ép, thậm chí khi bé chưa ăn gì trong suốt 24 giờ. Hãy nhớ rằng thời gian nhịn ăn của trẻ sẽ không kéo dài, tuy nhiên hãy cho bác sĩ nhi khoa biết về tình trạng ăn uống hiện tại của bé. Điều này có mục đích phát hiện được sớm nhất các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ nếu có và chỉ để trẻ được an toàn. Một khi chúng khỏi bệnh, cảm giác thèm ăn của chúng cũng thường sẽ hồi phục.
Xem ngay: Hướng dẫn chăm sóc trẻ vừa ốm dậy
2. Một số cách chăm sóc trẻ bị ốm vặt
Trẻ ốm bỏ ăn phải làm sao? Bên cạnh câu hỏi phổ biến này, bố mẹ nên tìm thêm các biện pháp chăm sóc tốt một đứa trẻ bị ốm như:
2.1. Cho trẻ thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn
Nghỉ ngơi và ngủ nhiều sẽ làm những em bé bị ốm cảm thấy dễ chịu và giúp chúng mau lành. Cho trẻ đi ngủ sớm nếu có thể và khuyến khích trẻ ngủ trưa. Tránh các tình huống kích thích quá mức đối với em bé của bạn và giữ cho trẻ càng yên lặng càng tốt. Việc tiếp xúc với những người khác không được khuyến cáo vì có nguy cơ làm tăng khả năng lây nhiễm mầm bệnh.
2.2. Nhỏ mũi cho trẻ
Nếu mũi của bé bị nghẹt, bạn có thể dùng thuốc nhỏ, gel hoặc xịt nước muối sinh lý để làm loãng chất nhầy và giảm nghẹt mũi. Đến khám với bác sĩ của trẻ trước và hỏi xem liệu họ có giới thiệu bất kỳ sản phẩm nào cụ thể không. Nhỏ hai giọt nước muối sinh lý vào mỗi lỗ mũi trước khi cho ăn và trước khi đi ngủ, hoặc bất cứ khi nào em bé bị nghẹt mũi nhiều.
Sau khi nhỏ hoặc xịt mũi, bạn hãy dùng ống tiêm để hút sạch chất nhầy trong mũi của bé để bé dễ thở hơn. Làm sạch lỗ mũi hai đến ba lần một ngày bằng máy hút mũi, đặc biệt là trước khi cho ăn và trước khi đi ngủ.
2.3. Máy giữ ẩm
Đặt máy tạo độ ẩm phun sương lạnh trong phòng của trẻ sơ sinh sẽ giúp giữ ẩm không khí và giảm tắc nghẽn. Nên sử dụng máy tạo ẩm phun sương mát hơn, vì các thiết bị phun sương ấm có nguy cơ bị đóng cặn. Hãy đảm bảo làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để thay bộ lọc định kỳ và giữ máy tạo ẩm sạch sẽ, đồng thời đổ đầy nước sạch mỗi ngày để ngăn ngừa nấm mốc và vi khuẩn.
2.4. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm không chỉ giúp làm dịu trẻ sơ sinh bị ốm mà còn làm dịu cơn đau nhức bằng hơi nóng từ nước ấm. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý lau khô người cho bé thật kỹ sau đó để tránh bé bị lạnh.
2.5. Nâng cao đầu
Nâng cao đầu cũng là một biện pháp tốt giúp chăm sóc trẻ bị ốm. Khi bé bị ngạt mũi, khó thở mẹ có thể giữ đầu của trẻ hơi cao một chút để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
Tóm lại, cách tốt nhất để xoa dịu một đứa trẻ bị ốm là dành cho chúng nhiều tình yêu thương và sự quan tâm. Ôm chúng vào lòng và chơi đùa cùng nhau, mát-xa hoặc đọc và hát cho chúng nghe là những việc cha mẹ nên làm. Nếu đang bú sữa mẹ, trẻ có thể muốn bú nhiều hơn, điều này sẽ làm trẻ cảm thấy yên tâm và được an ủi. Nói chuyện với chúng và trấn an chúng, cho dù chúng đã đủ lớn để hiểu hay chưa, vì giọng nói của bạn sẽ giúp thư giãn và xoa dịu khi trẻ bị ốm.
Ngoài ra, khi trẻ bị ốm, lười ăn mẹ có thể bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),… để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để phóng tránh ốm vặt và tránh được nhiều bệnh lý.
Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.