Trẻ nhỏ tuổi bị nôn nhiều không sốt: Phải làm sao?

Nôn ói không chỉ là triệu chứng của các bệnh lý đường tiêu hóa, trẻ bị nôn còn có thể là biểu hiện của bệnh lý của các cơ quan khác hoặc bệnh lý toàn thân. Không ít bậc phụ huynh lúng túng, không biết phải làm sao khi gặp phải trường hợp trẻ bị nôn liên tục, trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày nhưng không sốt.

Hiện tượng nôn xảy ra khi có yếu tố kích thích trung tâm nôn ở não bộ như ngộ độc thức ăn , nhiễm trùng hay do thuốc, do chuyển động. Nôn thường có lợi, vì nó giúp cơ thể loại bỏ các chất có thể gây hại ra khỏi cơ thể.

Một số bệnh lý có thể khiến trẻ bị nôn nhiều không sốt không đi ngoài hoặc khiến trẻ bị nôn liên tục như:

2.1 Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn

Rất khó phân biệt giữa các bệnh viêm dạ dày ruột do virus/vi khuẩn với ngộ độc thức ăn vì thông thường các tình trạng này có khởi phát bệnh khá giống nhau: trẻ có thể nôn ồ ạt, trẻ bị nôn liên tục 5 – 30 phút/lần trong 1 – 12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt như:

Đối với nhiễm virus, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài từ 12 – 72 giờ. Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu tiên nhiễm bệnh hoặc ngày thứ hai.

Trẻ nhỏ bị nôn nhiều không sốt có thể nghi ngờ nguyên nhân do ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2 – 12 giờ sau khi trẻ ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường không sốt. Triệu chứng nôn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại, thường không kéo dài quá 12 giờ, có thể có hoặc không có kèm tiêu chảy. Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là do ngộ độc thực phẩm.

2.2 Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn ói, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu của trẻ có mùi khó chịu thì phụ huynh cần cân nhắc nguyên nhân này.

2.3 Tắc ruột

Bệnh lý này xuất hiện khi ruột của trẻ bị tắc. Tuy đây là tình trạng hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu càng sớm càng tốt. Triệu chứng then chốt của tắc ruột đó là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau bụng vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều đến nguyên nhân do tắc ruột.

Các triệu chứng tắc ruột bao gồm: đau bụng đột ngột, dữ dội, liên tục hoặc từng cơn; trẻ bị nôn ra mật xanh vàng, thường là nôn vọt (không bắt buộc); trẻ không kèm theo triệu chứng đi đại tiện; da dẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi; tình trạng bệnh ngày càng xấu đi.

2.4 Lồng ruột

Trẻ dưới 4 tuổi bỗng nhiên bị nôn ói, không sốt nhưng không muốn uống, bị đau bụng không đi tiêu được có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Biểu hiện đi kèm đó là bé thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt, có thể có máu trong phân, phân lỏng.

2.5 Hẹp phì đại môn vị

Đối với một số ít trường hợp, nếu bé từ 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội, nhiều lần thì cần cảnh giác với chứng hẹp phì đại môn vị (phần cuối của dạ dày – nơi nối với tá tràng). Trẻ sẽ lặp đi lặp lại chu kỳ bú – nôn – đói và thường không sốt.

2.6 Trào ngược dạ dày thực quản

Bé bú mẹ hay bị trớ, ói hoặc có dấu hiệu kích thích muốn ói nhưng không ói được, nhiều khả năng bé bị trào ngược dạ dày thực quản. Một số trường hợp trẻ trớ sữa nhiều và mạnh.