Trẻ em là gì? Trẻ em là người bao nhiêu tuổi?
Trẻ em là gì? Trẻ em là người bao nhiêu tuổi?
Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị “tổn thương” trong xã hội và rất cần các quy định nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của đối tượng này một cách tối đa nhất. Hiện nay, mỗi một quốc gia lại có những quy định riêng về việc xác định những đối tượng như thế nào được coi là trẻ em cũng như những quyền của trẻ em. Vậy theo Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và Luật trẻ em 2016 thì trẻ em được xác định là những đối tượng nào? Các quyền của trẻ em được thể hiện ra sao? Hãy tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia để tìm hiểu về vấn đề trên.
1. Quy định về Trẻ em? Trẻ em là người bao nhiêu tuổi ?
Hiệp ước về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc định nghĩa một đứa trẻ là “mọi con người dưới tuổi 18 trừ khi theo luật có thể áp dụng cho trẻ em, tuổi trưởng thành được quy định sớm hơn.” Hiệp nước này được 192 của 194 nước thành viên phê duyệt. Về mặt sinh học, một đứa trẻ là bất kỳ ai trong giai đoạn phát triển của tuổi thơ ấu, giữa sơ sinh và trưởng thành. Trẻ em nhìn chung có ít quyền hơn người lớn và được xếp vào nhóm không để đưa ra những quyết định quan trọng, và về mặt luật pháp phải luôn có người giám hộ.
Theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 thì trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi.
2. Quyền của trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và Luật trẻ em năm 2016
Theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc ghi nhận các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo các quyền của trẻ em như sau:
– Không trẻ em nào bị tra tấn hay bị đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm. Những người dưới 18 tuổi nếu gây ra những hành động phạm pháp sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân mà không có khả năng được phóng thích;
– Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất;
– Mọi trẻ em bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng phẩm giá vốn có của con người, theo cách thức có tính đến các nhu cầu của những người ở lứa tuổi các em. Đặc biệt, mọi trẻ em bị tước quyền tự do phải được cách ly với người lớn, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ mà không nên làm như vậy, và các em phải có quyền duy trì sự tiếp xúc với gia đình qua thư từ và các cuộc viếng thăm, trừ những trường hợp ngoại lệ;
– Mọi trẻ em bị tước tự do có quyền được nhanh chóng tiếp cận sự trợ giúp pháp lý và những trợ giúp thích hợp khác, cũng như quyền được chất vấn tính chất hợp pháp của việc tước tự do đó trước một tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, độc lập, vô tư khác và có quyền đòi hỏi một quyết định nhanh chóng liên quan đến bất kỳ hành động nào như vậy.
– Các Quốc gia thành viên cam kết tôn trọng và bảo đảm tôn trọng những quy tắc về luật nhân đạo quốc tế trong các cuộc xung đột vũ trang có liên quan đến trẻ em mà có hiệu lực với nước mình.
– Các Quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp khả thi có thể thực hiện được nhằm bảo đảm rằng những người chưa đến tuổi 15 không phải trực tiếp tham gia chiến sự.
– Các Quốc gia thành viên phải tránh tuyển mộ bất kỳ người nào chưa đến 15 tuổi vào lực lượng vũ trang của mình; khi tuyển mộ trong số những người đã đến 15 tuổi nhưng chưa đến 18 tuổi, các Quốc gia thành viên phải cố gắng ưu tiên tuyển mộ những người nhiều tuổi nhất trong số đó.
Theo quy định tại Luật trẻ em năm 2016 thì quyền của trẻ em được thể hiện như sau:
-Quyền sống: “ Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” và Điều 12 Luật Trẻ em 2016 “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
– Quyền được khai sinh: Nội dung của quyền này được quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Điều 13 Luật trẻ em 2016 và. Theo đó, mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân và là căn cứ khẳng định trẻ em sinh ra là một công dân của quốc gia đó. Về mặt pháp lý, đây là cơ sở, tiền đề bắt buộc để từ đó, cá nhân được hưởng và đòi hỏi được hưởng các quyền con người, quyền công dân của mình.
– Quyền có quốc tịch: Điều này có nghĩa là mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền có quốc tịch. Theo quy định, quốc tịch của trẻ em chủ yếu phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ.
– Quyền được chăm sóc sức khoẻ: Điều 14 Luật Trẻ em 2016 quy định “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh”.
– Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Điều 15 Luật Trẻ em 2016 khẳng định “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện”. Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Trẻ em 2016 còn xác định Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh gia đình, cơ sở giáo dục cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Trách nhiệm này được khẳng định tại Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005: “Cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”.
– Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Điều 16 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”, quy định này thể hiện việc Nhà nước trao quyền học tập cho trẻ em và bảo đảm mọi trẻ em được bình đẳng trước các cơ hội hưởng quyền học tập dù hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau.
– Quyền vui chơi, giải trí: Nội dung này được quy định tại Điều 17 Luật Trẻ em 2016 “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”.
– Quyền có tài sản: Điều 20 Luật Trẻ em 2016 khẳng định: “Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”. Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định “Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con”. Trẻ em chưa có đủ năng lực quản lý, định đoạt tài sản riêng nên pháp luật quy định trách nhiệm thuộc về cha,mẹ, người giám hộ trong việc quản lý và định đoạt tài sản riêng của trẻ em.
– Quyền được sống chung với cha mẹ: Điều 22 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.
– Quyền được bảo vệ: Trẻ em là những người còn rất non nớt về thể xác và tinh thần. Các em cần sự giúp đỡ của người lớn để được an toàn. Các em dễ bị rủ rê vào những việc làm trái pháp luật, dễ bị lợi dụng sức lao động và lạm dụng tình dục, dễ bị bỏ rơi… Do vậy các em cần đến sự giúp đỡ của người thân và cộng đồng để giảm bớt các hậu quả gây tổn thương và giúp trẻ em phục hồi tâm, sinh lý, tái hoà nhập vào cộng động và phát triển bình thường.
Trân trọng!