Trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, phải làm sao?

Mọi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng của chúng và có rất nhiều trường hợp được xem là chậm phát triển hơn bình thường. Mặc dù con đường phía trước sẽ dễ dàng và cha mẹ không ngừng lo lắng “trẻ chậm phát triển trí tuệ phải làm sao”, có nhiều cách cha mẹ có thể trợ giúp cho con tại nhà, tạo cơ hội tốt cho con bắt kịp sự phát triển phần nào như bạn bè cùng trang lứa.

1. Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?

“Chậm phát triển” là một thuật ngữ chung được sử dụng đối với những trẻ em chậm đạt được các mốc quan trọng mong đợi so với tuổi của chúng, bao gồm:

  • Khả năng vận động
  • Biết cách giao tiếp, sử dụng lời nói, ngôn ngữ
  • Khả năng hiểu và học tập
  • Kiểm soát hành vi
  • Sử dụng kỹ năng xã hội và tương tác với người khác.

Một trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể gặp trở ngại ở một trong những vấn đề này hoặc cùng lúc nhiều vấn đề. Một số trường hợp mắc phải chứng chậm phát triển là tạm thời; nếu được nhận sự hỗ trợ, can thiệp tích cực, trẻ có thể đạt được các mốc phát triển của mình cũng như tiếp tục bắt kịp tốc độ phát triển cùng với các trẻ đồng trang lứa.

Tuy nhiên, ở một số trẻ khác, tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể tiếp tục lâu hơn nữa. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh lý hay vấn đề phức tạp lâu dài mà trẻ có thể cần phải được can thiệp, điều trị hoặc hỗ trợ chuyên biệt, đôi khi cần đòi hỏi một hệ thống kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Do đó, điều quan trọng nhất là phải cho trẻ đi kiểm tra sớm. Nghiên cứu cho thấy rằng việc nuôi dạy con cái bằng tình yêu thương, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ để điều trị sớm và tạo cơ hội học tập thích hợp cho con có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn đối với cách trẻ phát triển về lâu dài.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

2. Các nguyên nhân của trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ

Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất đơn thuần, đối với trí tuệ, ngôn ngữ của trẻ nhỏ, có nhiều nguyên nhân cụ thể hoặc các yếu tố liên quan không bao giờ được biết đến. Các tác động này có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, khoảng thời gian quanh lúc sinh hoặc trong môi trường sống của trẻ khi lớn lên. Một số nguyên nhân bao gồm:

  • Điều kiện di truyền
  • Sinh quá sớm (sinh non tháng)
  • Chấn thương khi sinh hoặc tai biến sản khoa lúc sinh khác
  • Các khiếm khuyết về thính giác như điếc bẩm sinh hoặc thị lực
  • Nhiều bệnh lý cần nhập viện dài ngày khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội học hỏi, phát triển bình thường
  • Suy dinh dưỡng
  • Bệnh lý di truyền và rối loạn chuyển hóa như suy chức năng tuyến giáp bẩm sinh
  • Căng thẳng gia đình hay bỏ rơi có thể khiến trẻ không được chăm sóc yêu thương đầy đủ trong thời kỳ thơ ấu
  • Mẹ mang thai tiếp xúc với một số loại thuốc, chất kích thích trước khi sinh, ví dụ như rượu, thuốc an thần.

3. Trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, phải làm sao?

Đưa trẻ đi thăm khám

Cha mẹ luôn là người hiểu biết rõ về con mình nhất. Nếu có những lo lắng về sự phát triển trí tuệ, ngôn ngữ của trẻ bất cứ lúc nào, nhất là ở những trẻ có một trong các yếu tố nghi ngờ nêu trên, điều quan trọng là cần đưa trẻ đến phòng khám của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia về sự phát triển của trẻ nhỏ để kiểm tra và được tư vấn về tình trạng của trẻ cũng như các điều chỉnh nếu cần thiết.

Các cách hỗ trợ trẻ tại nhà

Đối với những trẻ đã được xác định là chậm phát triển trí tuệ, các chuyên gia y tế hoặc nhà giáo dục sẽ cung cấp lời khuyên về những gì cha mẹ có thể làm ở nhà để giúp con phát triển tốt. Điều quan trọng là làm theo lời khuyên của họ một cách kiên nhẫn và biết đánh giá kết quả, sự tiến bộ của trẻ.

Một số điều đơn giản giúp cải thiện tình trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ là:

Luôn thường xuyên nói chuyện với trẻ từ lúc chào đời. Nhìn vào mắt trẻ, mỉm cười và sử dụng những từ đơn giản. Nói chuyện ngay cả khi cha mẹ đang làm những việc chăm sóc cho trẻ. Nói về những điều đã xảy ra, đang diễn ra cũng như những gì sẽ xảy ra tiếp theo, những mong muốn tốt đẹp trong tương lai. Khi cha mẹ càng nói chuyện với con mình, trẻ càng biết rằng âm thanh tạo nên từ và từ đó có nghĩa. Lâu ngày, các hành động này lặp đi lặp lại sẽ tạo thành phản xạ, từ đó giúp trẻ học ngôn ngữ và nói chuyện với người đối diện, thể hiện mong muốn của mình.

Lắng nghe, quan sát những tiếng động nhỏ hay cử động đơn giản tự phát của trẻ và sao chép chúng lại. Đây là bước khởi đầu của việc học nói hay chơi các trò chơi bắt chước nhỏ, chẳng hạn như khi chúng kêu “e e”, thè lưỡi, cha mẹ có thể làm lại cho trẻ xem.

Cùng đọc sách với trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ trong vài phút mỗi ngày – không bao giờ là quá sớm để bắt đầu. Đây là thời gian để trẻ có cơ hội gần gũi, lắng nghe tiếng nói của cha mẹ và biết rằng kho tàng sách thật thú vị. Bên cạnh đó, trẻ em cũng thích các bài hát hay các câu thơ ngân nga có vần điệu.

hỗ trợ trẻ chậm phát triển tại nhà

Một số trẻ có đặc điểm không đòi hỏi nhiều sự chú ý và không khóc nhiều, trẻ tự chơi với bản thân mình trong thời gian rất dài. Dù trông trẻ rất ngoan nhưng cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian để tạo mối quan hệ với trẻ, bằng cách vuốt ve, ôm ấp và đáp lại những tín hiệu nhỏ của trẻ. Mối quan hệ cha mẹ có với con mình là một trong những nền tảng quan trọng nhất để trẻ phát triển các kỹ năng xã hội trong tương lai.

Bên cạnh đó, trẻ em học mọi thứ trong thế giới xung quanh từ việc chơi, khám phá và thử nghiệm. Do đó, để giúp cho con phát tiển trí tuệ, cha mẹ có thể:

Cho trẻ sơ sinh nhiều thứ có màu sắc rực rỡ, âm thanh vui tươi để nhìn, sờ, lắc hoặc cầm. Thường xuyên đưa trẻ ra ngoài đi dạo. Hãy để trẻ được nhìn, cảm nhận và nghe nhiều thứ khác nhau.

Đảm bảo trẻ có nhiều thứ để chơi và nhiều nơi để khám phá khi trẻ bắt đầu tự di chuyển như bò, đi lại – điều này có thể được thực hiện mà không cần đồ chơi đắt tiền. Chú ý những thứ trẻ quan tâm và theo dõi nhằm đảm bảo không có gì gây nguy hại cho trẻ.

Cho trẻ thời gian để tự mình thử mọi thứ nhưng hãy giúp trẻ trước khi trẻ quá thất vọng. Nếu trẻ đang phải cố gắng rất nhiều để đạt được thứ gì đó, cha mẹ có thể đưa nó đến gần hơn một chút, để trẻ có cơ hội đạt được nó và cảm thấy thành công. Theo đó, nên tạo điều kiện trao nhiều cơ hội cho trẻ đạt được để thành công. Ngay cả những thành công rất nhỏ cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chúng có quyền kiểm soát cuộc sống của mình và điều này xây dựng lòng tự trọng, tính độc lập. Một đứa trẻ bị thất bại nhiều lần có khả năng tránh cố gắng, trở nên thụ động và chậm phát triển các kỹ năng khác.

Nên đưa ra nhiều lời khen cho những thành công nhỏ của trẻ hoặc động viên, khích lệ trẻ khi trẻ làm đúng một phần rồi hướng dẫn trẻ các phần tiếp theo. Đừng đợi cho đến khi trẻ đã thực hiện toàn bộ nhiệm vụ một cách chính xác vì đôi khi trẻ có thể bị lạc hướng, bỏ cuộc giữa chừng.

Tạo nhiều cơ hội cho trẻ trải nghiệm và theo dõi sở thích của trẻ trong việc tìm kiếm những gì trẻ muốn làm. Hầu hết trẻ em đều có thể chăm sóc thú cưng, nấu ăn, trồng vườn hoặc câu cá. Giúp trẻ tìm các nhóm hoặc câu lạc bộ cùng sở thích để trẻ có cơ hội làm tốt hơn.

Không phải lúc nào cũng bắt trẻ thực hành mọi thứ mới mẻ và cần chấp nhận nếu trẻ không thể làm tốt trong những lần đầu

Nên để trẻ giúp đỡ cho các bạn cùng trang lứa, ngay cả khi trẻ hầu như vẫn chưa làm tốt mọi việc. Một trẻ chậm phát triển vẫn tiếp tục học tập nhưng việc giúp đỡ cho một trẻ khác cũng là một cơ hội để trẻ học tập tốt hơn.

Vì các trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể mất nhiều thời gian hơn để học các kỹ năng mới và cần nhiều cơ hội hơn để luyện tập liên tục, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ có thể giúp chia các kỹ năng mới thành các bước nhỏ cho trẻ tập từng phần trước khi trẻ có thể thực hiện hoàn chỉnh.

Ở trẻ chậm phát triển, việc chăm sóc và nuôi dạy cho trẻ là một hành trình, không phải một cuộc đua. Theo đó, hầu hết trẻ em đều hài lòng với những gì trẻ tự đạt được, tuy có chậm hơn so với lứa tuổi, nhưng nếu trẻ nhận được thông điệp rằng cha mẹ luôn yêu thương và tự hào về chúng, trẻ sẽ không ngừng tiến bộ.

Tóm lại, hầu hết cha mẹ đều sẽ cảm thấy bị tổn thương nếu sự phát triển của con mình kém hơn các trẻ cùng tuổi hoặc được chẩn đoán là trẻ chậm phát triển, bị khuyết tật hoặc gặp khó khăn trong học tập. Một số người có thể bị sốc, đau buồn, tức giận hoặc không ngừng lo lắng “trẻ chậm phát triển có chữa được không” nhưng cần tự hỏi thái độ này có thay đổi được gì đối với tương lai của trẻ chậm phát triển trí tuệ nếu không bắt đầu cố gắng điều chỉnh ngay từ hôm nay.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ phát triển trí tuệ và thể chất, ngoài chế độ dinh dưỡng cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.