Trẻ chậm mọc răng sữa: Nguyên nhân do đâu và cách xử trí ?

Chậm mọc răng sữa là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Dù không trực tiếp gây nguy hiểm nhưng tình trạng này kéo dài sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Việc các bậc phụ huynh cần làm là theo dõi tiến trình mọc răng của trẻ, tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý phù hợp nếu trẻ có dấu hiệu chậm mọc răng sữa.

Ngoài sức khỏe thể chất, trẻ nhỏ cũng cần được chăm sóc và đảm bảo sức khỏe răng miệng để phát triển toàn diện. Trong đó, chậm mọc răng sữa ở trẻ là vấn đề mà các bậc phụ huynh nên quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến sự hoàn thiện khuôn mặt và nụ cười của trẻ.

Vậy thế nào là chậm mọc răng sữa? Bố mẹ nên xử trí thế nào khi trẻ chậm mọc răng? Cùng AVAKids tìm hiểu nhé!

Cần chú trọng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ để chúng có nụ cười đẹp và tự tin sau này. Nguồn: Freepik.

Cần chú trọng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ để chúng có nụ cười đẹp và tự tin sau này. Nguồn: Freepik.

1Thế nào là chậm mọc răng sữa?

Có thể bạn chưa biết, tất cả 20 thân răng sữa đã được hình thành ngay từ lúc trẻ sinh ra và nằm trong xương hàm, chúng sẽ bắt đầu mọc ra và hoàn thiện sau một khoảng thời gian nhất định – thường cần từ 2.5 đến 3 năm. Thứ tự mọc giữa các nhóm răng có sự khác nhau:

  • Nhóm răng cửa: từ 6 – 16 tháng tuổi trẻ sẽ bắt đầu mọc lên những chiếc răng cửa. Trong đó, răng cửa hàm dưới sẽ mọc trước, tiếp đến là các răng cửa hàm trên.
  • Nhóm răng nanh: từ 16 – 23 tháng tuổi trẻ sẽ bắt đầu mọc lên những chiếc răng nanh đầu tiên.
  • Nhóm răng hàm: từ 13 – 33 tháng các răng hàm phía sau sẽ mọc lên để dần hoàn thiện cung hàm.

Tiến trình mọc răng ở mỗi trẻ là khác nhau. Nguồn: Freepik.

Tiến trình mọc răng ở mỗi trẻ là khác nhau. Nguồn: Freepik.

Dựa trên lý thuyết này thì trẻ sẽ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6 và sau 33 tháng trẻ sẽ có một bộ răng sữa hoàn chỉnh theo công thức:

Số răng của trẻ = Số tháng tuổi – 4

Tuy nhiên trên thực tế, do có sự khác biệt về thể chất nên tiến trình mọc răng ở mỗi trẻ sẽ có sự chênh lệch trong giai đoạn 12 tháng đầu đời, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng (Ví dụ: Một số bé 4 – 5 tháng đã mọc răng, nhưng một số bé khác mới bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên khi 12 tháng tuổi).

Sau 12 tháng tuổi, nếu trẻ vẫn chưa mọc cái răng nào thì có thể khẳng định là trẻ bị chậm mọc răng sữa.

Trẻ bị chậm mọc răng sữa nếu sau 12 tháng tuổi vẫn chưa mọc cái răng đầu tiên. Nguồn: Freepik.

Trẻ bị chậm mọc răng sữa nếu sau 12 tháng tuổi vẫn chưa mọc cái răng đầu tiên. Nguồn: Freepik.

2Nguyên nhân nào khiến trẻ chậm mọc răng sữa?

Để xác định cách xử trí phù hợp, trước hết các bậc phụ huynh cần theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân. Chậm mọc răng sữa thường xuất hiện bởi 3 nguyên nhân chính dưới đây:

Do ảnh hưởng của các yếu tố sinh lý

Ở trường hợp này, trẻ bị chậm mọc răng sữa nhưng cơ thể vẫn phát triển thể chất bình thường. Các yếu tố sinh lý có thể kể đến như:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình từng có thành viên chậm mọc răng, trẻ có thể bị di truyền khiến răng sữa mọc chậm.
  • Thời điểm sinh: Trẻ có khả năng chậm mọc răng sữa nếu được sinh non, thiếu tháng, thiếu cân nặng so với thông thường.

Các yếu tố di truyền, sinh thiếu tháng có thể gây chậm mọc răng sữa ở trẻ. Nguồn: Freepik.

Các yếu tố di truyền, sinh thiếu tháng có thể gây chậm mọc răng sữa ở trẻ. Nguồn: Freepik.

Do tác động của yếu tố bệnh lý

Một số bệnh về răng miệng và toàn thân có thể gây ra vấn đề chậm mọc răng sữa ở trẻ nhỏ, như:

  • Nhiễm khuẩn khoang miệng: Miệng của trẻ thường có mùi hôi, trẻ bị đau và hay quấy khóc. Nhiễm khuẩn răng miệng khiến cho nướu bị tổn thương dẫn đến răng không thể mọc lên được hoặc mọc chậm hơn so với thông thường.
  • Các bệnh toàn thân: Một số bệnh lý như bệnh tuyến giáp, tuyến yên, bệnh đao hoặc một số hội chứng khác có thể là nguyên nhân gây chậm mọc răng.

Do mất cân bằng chất dinh dưỡng

Trẻ chậm mọc răng sữa do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý thường kèm theo những biểu hiện: còi cọc, thiếu chiều cao, nhẹ cân, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm ban đêm,…

Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh vấn đề chậm mọc răng ở trẻ nhỏ. Nguồn: Freepik.

Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh vấn đề chậm mọc răng ở trẻ nhỏ. Nguồn: Freepik.

Các vấn đề dinh dưỡng thường gặp:

  • Suy dinh dưỡng: Trẻ có thể chất kém phát triển, không tạo đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể và quá trình mọc răng khiến răng mọc muộn.
  • Thiếu Canxi: Thiếu Canxi dẫn đến các mầm răng kém phát triển và không thể nhú dài ra được.
  • Thiếu vitamin D: Thiếu vitamin D, cơ thể không thể sử dụng Canxi để xây dựng cấu trúc xương và răng dẫn đến khả năng trẻ chậm mọc răng sữa.
  • Thiếu MK7 (Một loại vitamin K2): MK7 có nhiệm vụ đưa Canxi từ máu đến xương và răng giúp răng mọc đều, đẹp, khỏe. Nếu trẻ có đủ Canxi và vitamin D nhưng thiếu hụt MK7 thì hiệu quả chỉ đạt khoảng 30%. Thiếu MK7 sẽ khiến trẻ bị còi xương trước khi bị còi răng.
  • Thừa Photpho: Khi cơ thể hấp thụ nhiều Photpho, quá trình hấp thụ Canxi sẽ bị chậm lại gây thiếu hụt Canxi.

Bài viết liên quan: Liệu cha mẹ có đang mắc phải những sai lầm này khiến trẻ biếng ăn?

3Chậm mọc răng sữa ở trẻ có nguy hiểm không?

Các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ vấn đề chậm mọc răng sữa ở trẻ. Dù không trực tiếp gây nguy hiểm ở hiện tại nhưng nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng không tốt về sau như:

Các bậc phụ huynh cần theo dõi quá trình mọc răng của trẻ để xử lý kịp thời, tránh để lại hệ quả xấu. Nguồn: Freepik.

Các bậc phụ huynh cần theo dõi quá trình mọc răng của trẻ để xử lý kịp thời, tránh để lại hệ quả xấu. Nguồn: Freepik.

  • Răng vĩnh viễn mọc lệch hoặc tạo thành “hàm răng đôi”: Nếu răng sữa của trẻ mọc quá chậm, bộ răng vĩnh viễn có thể sẽ xuất hiện cùng lúc với răng sữa mọc chậm này khiến răng mọc lệch. Trong một số trường hợp đặc biệt, răng vĩnh viễn còn có thể mọc trước răng sữa tạo thành “hàm răng đôi”.
  • Sâu răng, viêm thân răng: Răng chưa được vệ sinh do chúng vẫn còn nằm dưới bề mặt nướu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng hoặc viêm quanh thân răng.

4Nên xử trí thế nào khi trẻ chậm mọc răng sữa?

Tùy vào từng nguyên nhân gây chậm mọc răng sữa ở trẻ mà các bậc phụ huynh quyết định cách xử trí phù hợp. Bao gồm:

  • Thường xuyên theo dõi tình trạng răng miệng của trẻ
  • Đưa trẻ đến nha sĩ khi có các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị
  • Nhờ chuyên gia tư vấn chế độ ăn phù hợp để đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng cho trẻ

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì, đừng đợi đến khi gặp vấn đề mới tìm đến nha sĩ. Nguồn: Freepik.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì, đừng đợi đến khi gặp vấn đề mới tìm đến nha sĩ. Nguồn: Freepik.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Mỹ (American Dental Association – ADA), trẻ cần được đưa đến nha sĩ khi bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên hoặc vào lúc 1 tuổi. Trong cuộc hẹn, nha sĩ sẽ kiểm tra toàn diện, theo dõi được tình trạng mọc răng của trẻ và sớm chẩn đoán được các vấn đề tìm ẩn khác liên quan đến sức khỏe răng miệng.

5Đôi lời từ AVAKids

Trong suốt quá trình mọc và thay răng của trẻ luôn có những nguy cơ tiềm ẩn, các bậc phụ huynh cần theo dõi, kết hợp với kiểm tra, nhận biết sớm những dấu hiệu trên răng sữa nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xương hàm và sự mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ.

Ngọc Nguyễn tổng hợp từ Y học cộng đồng.

1. Trân Thúy Nga (Chủ biên); Phan Thị Thanh Yên, Phan Ái Hùng, Đặng Thị Nhân Hòa, (2010), Nha khoa trẻ em, NXB Y học.

2. Lalitha S Jairam, Sapna Konde, N Sunil Raj, NC Kumar, “Vitamin D deficiency as an etiological factor in delayed eruption of primary teeth: A cross-sectional study”, Journal of Indian Society of Pedodontics and Preventive Dentistry, (2020), 38(3), trang 211 – 215

3. Alshukairi H., “Delayed tooth eruption and its pathogenesis in paediatric patient: a review”, Journal of Dental Health Oral Disorders & Therapy, (2019), trang 209 – 212

4. Sandra Regina Piovezani Ramos, Renato Cordeiro Gugisch, Fabian Calixto Fraiz, The Influence of gestational age and birth weight of the newborn on tooth eruption, Journal of Applied Oral Science, (2006), 14(4), trang 228 – 232