Trẻ bị sốt siêu vi: biểu hiện và cách xử trí | TCI Hospital
Trẻ bị sốt siêu vi: biểu hiện và cách xử trí
Sốt siêu vi là tình trạng bệnh lý ít nhất ai cũng từng gặp một lần, thường gặp nhất là ở trẻ em, nhỏ tuổi vì sức đề kháng còn yếu ớt nên dễ bị virus tấn công gây bệnh. Trẻ bị sốt siêu vi có thể nhẹ và tự khỏi khi điều trị tại nhà, nhưng cũng không hề ít các trường hợp bệnh có diễn tiến nhanh và cần cho trẻ nhập viện để chữa trị, ngăn ngừa xảy ra biến chứng. Nắm được các biểu hiện đặc trưng của bệnh sẽ giúp cha mẹ có sự chuẩn bị tốt hơn khi con có dấu hiệu mắc bệnh.
1. Sốt siêu vi là bệnh lý gì?
Sốt siêu vi – sốt virus, là tình trạng cơ thể xuất hiện cơn sốt cấp tính vì virus hoặc siêu vi trùng tấn công. Trong đó, tùy đặc điểm mỗi loại virus và thời gian mắc bệnh mà có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc nhẹ khác nhau.
Một số loại virus hay bắt gặp gây nên bệnh sốt virus là:
– Rhinovirus
– Coronavirus
– Virus cúm A, B
– Phó cúm
– Virus RSV
– Enterovirus
Bệnh lý này thường xuất hiện khi thời tiết giao mùa, đây là thời điểm virus dễ dàng sinh sôi phát triển nên rất dễ tấn công vào sức đề kháng yếu đuối của trẻ nhỏ. Đặc trưng của sốt siêu vi là tình trạng sốt cao trên 39 độ, nặng hơn vào chiều tối hoặc đêm. Sốt siêu vi là bệnh khá phổ biến nhưng thường tập trung ở người già, trẻ nhỏ hoặc những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu.
2. Biểu hiện và triệu chứng của sốt siêu vi ở trẻ
Sốt siêu vi là loại bệnh có các triệu chứng khá giống với các loại bệnh khác như cảm lạnh thông thường, viêm đường hô hấp,… Vì khó phân biệt rõ ràng nên ngay khi thấy con có biểu hiện bất thường cha mẹ cần phải chú ý theo dõi và đưa đi khám kịp thời.
– Trẻ bị sốt siêu vi thường thấy mệt mỏi, rã rời cơ thể:
Dấu hiệu đầu tiên khi trẻ nhỏ bị sốt siêu vi đó là sự mệt mỏi, uể oải và đau nhức cơ bắp, không muốn vận động. Tình trạng này thường xảy ra trước cả khi hệ miễn dịch nhận ra sự tấn công của virus và chống lại chúng bằng cách phát sốt.
– Sốt cao khó dứt:
Đây là biểu hiện chính của bệnh với tình trạng những cơn sốt ở nhiệt độ cao và xuất hiện liên tục. Cơn sốt do nhiễm khuẩn này sẽ tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian, từ sốt nhẹ đến sốt cao trên 40 độ. Trẻ bị sốt siêu vi có thể bị sốt liên tục trong thời gian dài hoặc sốt ngắt quãng, trở nặng về đêm hoặc khoảng thời gian chiều, tối. Thường sốt cao như vậy trẻ rất hay gặp tình trạng không đáp ứng thuốc hạ sốt và cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay.
– Trẻ bị sổ/ngạt mũi, viêm đường hô hấp, ho nhiều
Đi kèm với sốt, những triệu chứng phổ biến ở các bệnh khác như ho, sổ mũi, ngạt mũi, viêm họng, rát họng cũng có thể cùng lúc xuất hiện, nhất là ở bệnh nhân là trẻ nhỏ. Ngoài ra có một số trường hợp, trẻ em khi bị sốt siêu vi có thể bị thêm viêm kết mạc, viêm hạch và rối loạn tiêu hóa. Cha mẹ cần hết sức lưu ý và đưa trẻ đi khám sớm.
Bên cạnh đó, khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ cũng cần chú ý vệ sinh mũi họng cho trẻ đầy đủ, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh làm lây bệnh, dù là sốt virus hay bất cứ căn bệnh lây nhiễm nào khác.
– Phát ban cũng có thể gặp ở trẻ bị sốt siêu vi
Đây là biểu hiện không quá phổ biến nhưng cha mẹ cũng cần nắm được để dễ dàng đoán biết bệnh của con. Phát ban đỏ cũng như phản ứng sốt của cơ thể khi bị virus tấn công. Thông thường trẻ bị sốt siêu vi sẽ nổi phát ban sau khoảng 2 – 3 ngày sốt. Triệu chứng này khá dễ lầm tưởng sang sốt xuất huyết. Để chẩn đoán bệnh chính xác nhất thì cha mẹ cần đưa con đi xét nghiệm máu tại viện.
3. Khi nào trẻ bị sốt siêu vi cần gặp bác sĩ?
Khi bị sốt siêu vi, nếu không được chăm sóc đúng cách, đúng lúc, coi thường triệu chứng bệnh có thể khiến bệnh ngày càng nặng nề hơn. Đặc biệt với cơ thể non nớt của trẻ nhỏ, nếu để sốt cao kéo dài, cùng các triệu chứng viêm đường hô hấp, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề khác như:
– Viêm phổi
– Viêm tiểu phế quản – biến chứng thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt siêu vi kéo dài
– Viêm thanh quản với biểu hiện thường gặp là thở rít, khò khè
– Các bệnh về tim như viêm cơ tim, loạn nhịp tim và ngưng tim
– Biến chứng đối với não bộ thường gặp với biểu hiện trẻ co giật, hôn mê, thậm chí có thể gây di chứng nặng nề về sau.
Chính vì diễn biến bệnh khó lường và các biến chứng gây ra nguy hiểm đối với sự phát triển bình thường và tương lai của con trẻ, cha mẹ cần lưu ý theo dõi sự thay đổi trong biểu hiện bệnh dù là nhỏ nhất để đưa con đi khám chữa bệnh kịp thời.
4. Xử trí khi trẻ nhỏ bị sốt virus đúng cách
– Theo dõi nhiệt độ cơ thể: Nếu trẻ sốt cao từ 39 độ và cơn sốt nhiều, không đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất sớm nhất có thể.
– Hạ sốt: Cha mẹ có thể dùng paracetamol dành cho trẻ, lau khô mồ hôi và để trẻ nằm nơi thoáng mát để hạ nhiệt độ cho trẻ 1 cách tự nhiên.
– Chườm ấm đúng cách: Sử dụng khăn mềm nhúng nước ấm, vắt kiệt để chườm cho trẻ đến khi thấy thân nhiệt giảm. Không nên chườm nước lạnh vì có thể gây sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.
– Chống co giật ở trẻ: Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cha mẹ có thể theo dõi biểu hiện của con từ lúc này, nhất là nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt cao. Nên đưa trẻ tới viện nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút hoặc xảy ra nhiều cơn.
– Bù nước, điện giải cho trẻ: Lúc này nên cho trẻ bú hoặc uống sữa nhiều hơn bình thường và uống Oresol theo chỉ dẫn để tránh tình trạng rối loạn điện giải do sốt cao gây nên.
– Chống bội nhiễm: Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cơ cho trẻ trong phòng kín, làm sạch mắt, mũi bằng nước muối natri clorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp.
– Dinh dưỡng: Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng như cháo, súp và uống nước hoa quả như cam, chanh để bổ sung vitamin.
Hy vọng những thông tin trên đây phần nào đã đem đến những kiến thức hữu ích cho bố mẹ về các biểu hiện và cách xử trí khi trẻ bị sốt siêu vi.