Trào ngược dạ dày ở bà bầu: Nguyên nhân, dấu hiệu | BvNTP
Trào ngược dạ dày là hiện tượng thường gặp ở bà bầu. Bệnh này gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống của người mang thai. Để hạn chế những ảnh hưởng và điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày ở bà bầu, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về bệnh này và tham khảo ý kiến bác sĩ.
1. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở bà bầu
Bệnh trào ngược dạ dày xuất hiện phổ biến ở phụ nữ mang thai. Những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là:
– Sự phát triển kích thước và cân nặng của thai nhi và sự giãn nở ở cổ tử cung sẽ tạo một áp lực đè lên cơ vòng thực quản và dạ dày.
– Nhiễm khuẩn vi khuẩn HP: Hệ miễn dịch khi mang thai suy giảm, là cơ hội cho vi khuẩn HP có trong dạ dày sinh sôi và hoạt động mạnh mẽ. Từ đó các vi khuẩn HP sẽ gây hại đến đường tiêu hóa ở bà bầu.
– Stress, lo âu: Khi mang thai phụ nữa thường căng thẳng kéo dài do Cortisol được sản sinh nhiều hơn. Chất này có thể kích thích sản xuất acid từ đó giảm chức năng của van cơ thắt, dẫn đến tình trạng lượng acid bị thừa và trào ngược lên thực quản.
– Cân nặng tăng: Trong quá trình mang thai việc tăng cân sẽ gây áp lực nên thực quản và dạ dày.
– Chế độ ăn uống không khoa học: Bất kỳ ai nếu duy trì thói quen ăn uống không khoa học, như ăn gấp gáp, nằm sau khi ăn,… đều có khả năng là đối tượng của căn bệnh này
Bên cạnh những nguyên nhân chính, thai phụ cũng có thể mắc phải những căn bệnh này từ một số các yếu tố khác như:
– Có tiền sử thoát vị Hiatal hoặc hen suyễn;
– Từng bị trào ngược dạ dày;
– Bổ sung sắt không đúng cách;
– Tiếp xúc nhiều với khói thuốc;
– Đang sử dụng một số loại thuốc tân dược như: thuốc chống dị ứng, thuốc trị cao huyết áp,…
2. Triệu chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu
Những biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thường gặp ở bà bầu gồm:
– Đầy hơi, ợ chua, ợ nóng: Acid khi trào ngược lên thực quản có thể tạo nên cảm giác nóng rát có thể kèm theo tình trạng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.
– Buồn nôn, ói mửa: Khi nằm ngủ dạ dày với thực quản bằng nhau cộng với sự hoạt động mạnh của dây thần kinh ở bà bầu, tạo điều kiện cho dịch acid đẩy lên cổ họng thuận lợi hơn. Điều này dẫn tới cảm giác buồn nôn, trào ngược dạ dày.
– Khó nuốt thức ăn: Xuất hiện triệu chứng ợ chua, ợ nóng nhiều lần dần dẫn tới sưng, phù nề ở lớp niêm mạc thực quản. Hiện tượng phù nề này sẽ làm cho lối đi xuống của thực ăn hẹp lại. Từ đó khi ăn các thai phụ sẽ cảm thấy đau cổ họng và khó nuốt.
– Khàn tiếng và ho: Dịch acid bao tử chứa một lượng axit clohydric (HCl) và enzyme pepsin. Khi acid bị trào ngược lên thực quản nhiều lần sẽ làm dây thanh quản bị sưng, làm khàn, mất tiếng. Khi dịch acid trào ngược đi xuống thanh quản gây hiện tượng ho.
– Đầy bụng, khó tiêu: Khi thức ăn vẫn còn thừa và đọng lại ở dạ dày chưa tiêu hóa kịp, sản sinh ra chất độc gây hại cho dạ dày và dẫn đến tình trạng chướng. Từ đó tạo cảm giác khó chịu cho thai phụ.
3. Trào ngược dạ dày ở bà bầu có những ảnh hưởng nào?
Phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày là hiện tượng rất phổ biến. Bệnh này không trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, bạn và người thân không nên coi nhẹ tình trạng này vì nó có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp hơn.
– Trào ngược dạ dày sẽ khiến thai phụ cảm thấy buồn nôn thường sẽ kèm theo các hiện tượng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, gây hôi miệng và cảm giác khó chịu. Nếu kéo dài tình trạng này lâu dần có thể dẫn đến tình trạng tâm lý buồn chán, căng thẳng, stress, thiếu dinh dưỡng nuôi thai nhi, không muốn ăn, sụt cân,…
– Trào ngược thường sẽ xảy ra nhiều vào ban đêm điều này sẽ làm mẹ bầu khó ngủ, ngủ không sâu giấc,… Điều này khiến thai phụ mệt mỏi, mất ngủ, thiếu ngủ. Tác động trực tiếp đến thai nhi và kém hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nguy hiểm là khi các tác động của bệnh trào ngược dạ dày không được kiểm soát, tình trạng bệnh diễn biến trở nặng hơn. Kèm theo đó là khả năng phát triển thành một số bệnh khó điều trị khác như viêm tai, viêm loét dạ dày, viêm xoang,… Vì vậy khi thai phụ có nhưng biểu hiện thể hiện việc bị trào ngược dạ dày cần đi khám và chữa trị kịp thời. Các biểu hiện điển hình cần được kiểm tra ngay gồm: đau đầu, chóng mặt, sốt cao, buồn nôn, sụt cân nhanh, đi ngoài phân đen,… Can thiệt kịp thời sẽ giúp ngăn chặn các tác động không tốt của bệnh đến bà bầu.
4. Trị trào ngược dạ dày cho bà bầu bằng mẹo tại nhà
Hiện nay y học phát triển đã có nhiều cách can thiệp, chữa trị, tuy nhiên đối tượng bà bầu cần hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất. Vì vậy bạn có thể tham khảo một số cách trị trào ngược dạ dày ở thai phụ tại nhà đơn giản dưới đây:
4.1. Chữa trào ngược dạ dày ở bà bầu bằng nghệ và sữa chua
Nghệ là một thực phẩm có thể chống oxy hóa, kháng viêm, chữa lành vết thương. Đặc biệt trong nghệ có chứa curcumin – một chất rất tốt cho dạ dày. Bạn có thể sử dụng kết hợp nghệ với mật ong để giảm thiểu các chứng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Ngoài ra có thể sử dụng sữa chua để hạn chế các bệnh tiêu hóa và trào ngược dạ dày. Trong sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn giúp cải thiện tiêu hóa và tốt cho đường ruột. Nghệ cũng có thể kết hợp cùng sữa chua để nâng cao hiệu quả.
Cách kết hợp nghệ và sữa chua như sau:
– Sữa chua lấy một cốc trộn đều cùng 1 – 2 thìa bột nghệ.
– Trước mỗi bữa ăn dùng 1 lượng sữa chua nghệ để mang có hiệu quả tốt nhất.
4.2. Thay đổi tư thế ngủ giúp hạn chế trào ngược dạ dày ở bà bầu
Tư thế ngủ sai cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai nặng hơn. Vì vậy, bà bầu nên chú ý đến tư thế nằm của mình sao cho hợp lý để hạn chế bị trào ngược dạ dày.
Tư thế nằm đúng cho những người đang mang thai là nên nghiêng sang bên trái. Trên thực tế, bất kỳ ai có triệu chứng trào ngược dạ dày cũng nên nằm như vậy. Vì khi nằm nghiêng sang trái, dạ dày sẽ thấp hơn cuống họng. Tư thế này hạn chế việc dịch acid bị đẩy lên gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Đặc biệt nằm nghiêng còn tốt cho quá trình thai nhi hấp thụ chất dinh dưỡng từ mẹ.
4.3. Nước gừng
Gừng là một thực phẩm có tác dụng kháng viêm, giảm tiêu chảy, chống buồn nôn và đau bụng. Gừng chứa các hoạt chất có tác dụng ức chế sự hình thành prostaglana. Nó có tác dụng trung hòa lượng acid trong dạ dày từ đó hạn chế tình trạng acid trào ngược lên thực quản. Vậy nên bạn có thể sử dụng gừng để trị trào ngược dạ dày rất tốt.
Cách sử dụng:
– Sử dụng một củ gừng tươi, làm sạch cạo vỏ và rửa sạch.
– Thái thành gừng thành những lát mỏng.
– Cho những lát gừng mới thái lát vào đun sôi cùng nước và đường.
– Sau đó để nguội và uống mỗi ngày. Việc này cần kiên trì và sử dụng điều độ để hạn chế các triệu chứng bệnh trào ngược.
Bên trên là các mẹo chữa trào ngược tại nhà. Tuy nhiên các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Thai phụ không nên lạm dụng, thay vào đó bạn cần tham khảo ý kiến trực tiếp của các bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Bài viết trên đây hi vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về trào ngược dạ dày ở bà bầu mà mỗi thai phụ cần biết để phòng tránh và xử trí kịp thời. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp mẹ bầu hiểu thêm về bệnh. Hãy thăm khám với bác sĩ để ngăn ngừa các ảnh hưởng xấu của bệnh. Chúc bạn bảo vệ tốt nhất sức khỏe của mẹ và bé trong thời kỳ mang thai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp