“Trào lưu” mẹ đơn thân ở VN
Your browser does not support the audio element.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tại Việt Nam quyết định trở thành những “bà mẹ đơn thân”, sinh và nuôi con một mình giống như phụ nữ ở các nước phương tây.
Xã hội Việt Nam được xây dựng và duy trì ổn định dựa trên việc đặt ra các chuẩn mực đạo đức và sự chính xác của các mối quan hệ xã hội theo tư tưởng Khổng giáo. Giống như dưới thời phong kiến hàng trăm năm trước, người Việt Nam tin rằng “quan phụ mẫu”, “lương y như từ mẫu”, “cô giáo như mẹ hiền”, v.v. và hoàn toàn chấp nhận những quy luật thiếu công bằng như “Con Vua thì lại làm Vua. Con Sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Đối với vấn đề nữ quyền, mặc dù Việt Nam đã tham gia tất cả các công ước quốc tế về quyền phụ nữ, hệ thống truyền thông cũng như các hội đoàn chính thống dường như không ý thức được sự thay đổi này cũng như thiếu hẳn hiểu biết những khái niệm cơ bản về “quyền”. Họ đặt ra và sử dụng mọi nguồn lực có thể để cổ vũ người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thông qua nhiều phong trào được hệ thống hội liên hiệp phụ nữ xây dựng và phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, v.v. gắn người phụ nữ với những chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh”, trao cho họ trọng trách giữ vững “gia đình hạnh phúc” với một vợ – một chồng và 2 con.
Say sưa với “vai trò” quan trọng của mình, những người phụ nữ cho dù có chồng ngoại tình, bị đánh đập, phải một mình làm việc nuôi con, nuôi cả gia đình nhà chồng, v.v. cũng không dám nghĩ tới chuyện li hôn; những cô gái cho dù không tin tưởng vào bạn trai và tương lai cuộc sống chung trong hôn nhân cũng nhất định lấy chồng trước năm 30 tuổi và tệ hại hơn, những cô gái trẻ không may có thai ngoài ý muốn thường lựa chọn phá thai hoặc bỏ rơi đứa con ngay sau khi sinh nở – khiến tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực và tỷ lệ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang trở thành một trong những con số đáng báo động của cả nước.
Đơn giản vì nó là con của mình và đã là con người thì có quyền sống và chẳng bà mẹ nào lại nỡ tước đi quyền sống của con mình nên mình quyết định giữ lại con thôi.
– Uyên Nhi
Cả xã hội ngoan ngoãn chấp nhận mọi trật tự. Và tất cả những người phụ nữ hàng ngày đọc những hướng dẫn trở thành gái ngoan, vợ hiền, dâu thảo, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, v.v. như những bóng ma không cá tính.
Bất chấp các luật lệ, bất chấp thực tế khắc nghiệt đó, trở thành bà mẹ đơn thân lại đang là một “trào lưu” được rất nhiều phụ nữ Việt lựa chọn trong những năm gần đây.
Theo một khảo sát của chương trình chuyển động 24h (Kênh VTV1, đài Truyền hình Việt Nam) với hơn 600 người tham gia cho kết quả như sau: có tới 10% những người tham gia khảo sát đã là bà mẹ đơn thân, 15% còn lại cho rằng sẽ chịu đựng gia đình chồng trong vòng 1 – 3 năm để con khôn lớn rồi cũng sẽ lựa chọn cuộc sống đơn thân và đặc biệt 50% người tham gia khảo sát cho rằng họ đã hơn 1 lần nghĩ đến việc làm mẹ đơn thân.
Nguyên nhân vì sao?
Là “nạn nhân” của một người đàn ông đã có vợ, Uyên Nhi nói về quyết định trở thành mẹ đơn thân của mình:
Đơn giản vì nó là con của mình và đã là con người thì có quyền sống và chẳng bà mẹ nào lại nỡ tước đi quyền sống của con mình nên mình quyết định giữ lại con thôi.
Hôn nhân không phải là tất cả và có thể nói là cho đến bây giờ, sau khi chứng kiến hôn nhân của các bạn và của nhiều người thì mình cảm thấy sợ hôn nhân và về vấn đề đám cưới thì cũng chỉ là một cái thủ tục, chả có gì quan trọng.
Với Thiên Lan, sau hơn 1 năm một mình nuôi con, cô chia sẻ:
Dĩ nhiên là có cái khó khăn hơn. Mình phải tự lo lắng cho con cái rồi thì đôi khi cũng có chạnh lòng. Tuy nhiên là cái mà mình được là sự tự do thoải mái rồi mình có những mối quan hệ khác, mình không phải gò bó mình nhiều hơn. Bởi vì khi mà mình cố gắng đấy nhưng mà không được đền đáp thì mình cảm thấy mệt mỏi nên thôi chia tay nhau để cả đều cảm thấy nếu mình cố gắng để có được một hạnh phúc mới thì cũng không quá tệ so với việc mình cứ cố gắng mà mãi mãi là mình không có được điều mình mong muốn.
Mình có khả năng để một mình nuôi con và dạy dỗ nó tốt thì mình tự tin làm điều đó, thế thôi.
– Ngọc Trâm
Khi được hỏi về sự hỗ trợ từ phía hội phụ nữ và các cơ quan nhà nước, cô chia sẻ:
Không, hoàn toàn không. Em nghĩ là mình còn thiếu sót rất nhiều. Cái này em nghĩ là để mà hỗ trợ được và quan tâm hơn thì hội phụ nữ phải đi sâu đi sát, và phải được phường xã cũng như các cấp cao hơn tập huấn thì họ mới có được những cái nhìn khái quát hơn, còn không chỉ là những cái mà kiểu như được giao trọng trách thì họ bắt buộc phải thực hiện thôi chứ họ không làm đúng cái tâm của họ đâu. Không nhận được bất kỳ một sự trợ giúp nào chị ạ! Tất cả đều là do mình phải tự cố gắng hết, tự động viên mình thôi.
Trong khi đó, Ngọc Trâm, lại chủ động lựa chọn trở thành một bà mẹ đơn thân. Cô cho rằng:
Thực ra rất đơn giản, không có lý do gì đặc biệt. Bắt đầu là mình cảm thấy chưa có một người nào phù hợp với mình tại thời điểm này mà tự nhiên lại muốn có một đứa con. Và cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái và cảm thấy đỡ rất nhiều thứ, tránh được mọi rắc rối, lằng nhằng trong những mối quan hệ mà mình cảm thấy là mình không thể xử lý được ví dụ như là bố chồng, mẹ chồng, anh em nhà chồng, họ hàng, v.v.. những cái đấy mình cảm thấy mình làm không thể tốt và mình cảm thấy cuộc sống một mình tự do, thoải mái hơn. Mình có khả năng để một mình nuôi con và dạy dỗ nó tốt thì mình tự tin làm điều đó, thế thôi.
Họ bất chấp dư luận, vượt qua mọi khó khăn về tài chính, sự thiếu thốn tình cảm, v.v. để không chỉ tạo nên một “Xu hướng” sống mới mà còn thách thức những người đàn ông vẫn được xã hội Khổng giáo bảo vệ với vai trò “trụ cột gia đình” để xây nên những mái nhà “không nóc”. Xu hướng này, không chỉ cho thấy sự ý thức về quyền tự do, ý chí đòi bình đẳng, sự độc lập về tài chính và tình cảm ngày một tăng của phụ nữ Việt. Nó còn cho thấy những người phụ nữ bình thường đã (và ngày một nhiều hơn) mất lòng tin vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục ở nhà trường, trong thơ văn cũng như qua các phong trào của hội phụ nữ.
Họ cùng nhau xây dựng nên các hội nhóm “phi chính thống”; làm quen và chia sẻ với nhau trên mạng cho tới cùng gặp gỡ, an ủi, giúp đỡ nhau làm ăn, nuôi dạy con cái, v.v. Những đứa trẻ tự tin, vui vẻ trở thành bạn và lớn lên cùng nhau.
Bằng cách đó, họ đang tự xây dựng nên xã hội theo trật tự của mình – một trật tự tự nhiên nhất, phù hợp nhất với sự phát triển của con người.
Tạp chí Trang Phụ nữ tuần này kết thúc tại đây. Hạ Vũ chào tạm biệt, mọi chia sẻ, góp ý cho chương trình này xin gửi về địa chỉ email [email protected]