Trao đổi về khái niệm và đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Thông tin chỉ đạo – điều hành

Trao đổi về khái niệm và đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Cập nhật ngày: 12-09-2017 | 08:46:22 GMT +7, lượt xem: 778

Tạp chí CSND – Bên cạnh những kết quả mà lĩnh vực chứng khoán đạt được thì trong 15 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xuất hiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro cùng với những diễn biến bất thường mà tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động.

Thực tiễn trong thời gian qua ở thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy nhiều đối tượng đã lợi dụng sự non trẻ của thị trường chứng khoán Việt Nam, sự chưa hoàn chỉnh về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng đối với lĩnh vực chứng khoán để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Yêu cầu đặt ra cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán là phải có những những chính sách để xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm này. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung, trong đó lần đầu tiên bổ sung 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán là: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b); Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Và từ đây, thuật ngữ tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán chính thức được sử dụng.

Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là một khái niệm hoàn toàn mới cả về góc độ pháp lý và thực tiễn. Xét dưới góc độ khoa học Luật hình sự và tội phạm học hiện đang tồn tại hai quan điểm về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là các tội phạm về chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b); Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Những người theo quan điểm này cho rằng: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là loại tội phạm hoàn toàn mới, đòi hỏi có hệ thống quy phạm pháp luật hình sự riêng để điều chỉnh. Tính mới của loại tội phạm này là ở chỗ: Việc thực hiện các tội phạm này cần phải đặt trong một môi trường nhất định, môi trường mà ở đó thông tin là tài sản, người có được thông tin là người chiến thắng, người thực hiện đòi hỏi phải là người có được thông tin và có một kiến thức nhất định về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc điều tra, truy tố cũng phải do những người có kiến thức về chứng khoán thực hiện. Ngoài ra với loại tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm thường không đồng nhất với địa điểm, thời gian mà thiệt hại xảy ra mối quan hệ từ trước giữa người phạm tội và người bị hại thường không tồn tại, đôi khi người bị hại không biết rằng mình là nạn nhân. Phần lớn người bị thiệt hại đổ lỗi cho chính bản thân mình hoặc do yếu tố thị trường tác động.
– Quan điểm thứ hai thì lại cho rằng: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là các tội phạm lợi dụng thị trường chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội gồm các tội phạm như: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140); Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng  (Điều 165); Tội rửa tiền  (Điều 251); Tội tham ô tài sản  (Điều 139),….Những người theo quan điểm này thì lập luận: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, về bản chất chỉ là những hình thức biểu hiện mới của các tội phạm truyền thống. Chẳng hạn các hành vi thao túng giá trên thị trường chứng khoán, cùng một lúc vừa đặt lệnh mua vừa đặt lệnh bán, hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch để trục lợi… chính là hành vi xâm phạm sở hữu thuộc các tội truyền thống như tội đầu cơ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng…Hơn nữa hiện nay lĩnh vực chứng khoán cũng đã có nhiều văn bản luật trực tiếp điều chỉnh, và cũng có những chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm và thực tiễn trong thời gian qua ở nước ta, hàng loạt các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán được xử lý theo hướng này như vụ: Trần Quốc Trung (28 tuổi, ngụ thành phố Biên hòa, Đồng Nai), nguyên nhân viên môi giới công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ngày 26/3/2014 hay tương tự như vụ Phạm Lê Anh, 36 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn lừa bán 8.400 cổ phiếu của nhiều Công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm đoạt số tiền 2,5 tỉ đồng…
Qua phân tích các quan điểm trên cho thấy mỗi quan điểm đều có những ý kiến nhất định theo cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, thuật ngữ lĩnh vực chứng khoán là thuật ngữ rất rộng. Để có thể phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán đạt kết quả, luận án tiếp cận theo cả hai hướng có nghĩa tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm các tội phạm về chứng khoán và các tội phạm lợi dụng thị trường chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở nước ta. Với cách tiếp cận trên có thể đưa ra khái niệm: Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, làm rối loạn hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán và đáng bị xử lý bằng hình phạt. 
Như vậy, với việc quy định tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để đảm bảo cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh trong nền kinh tế thị trường góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở khái niệm về tội phạm trong linh vực chứng khoán có thể rút ra những đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Nghiên cứu về đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện hành vi phạm tội, phân biệt tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán với các tội phạm truyền thống, làm cơ sở để xây dựng các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Qua nghiên cứu cho thấy tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán có những đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử đóng vai trò là phương tiện quan trọng để thực hiện tội phạm. Đây là đặc điểm đặc trưng của tội phạm trong lĩnh vực này. Nếu như ở tội phạm truyền thống vai trò của máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử đóng vai trò thứ yếu thì tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, vai trò của máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử là không thể thiếu được. Bởi tham gia vào hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán bắt buộc phải thực hiện thông qua hệ thống mạng trung gian của sàn giao dịch chứng khoán. Do vậy khi thu thập thông tin tài liệu chứng cứ trong đó có chứng cứ điện tử cần chú ý tới các phương tiện điện tử, máy tính là phương tiện mà đối tượng thực hiện giao dịch mua bán để kịp thời thu thập chứng cứ.
Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán phần lớn là những người có hiểu biết sâu sắc về chứng khoán, thị trường chứng khoán, về công nghệ thông tin. Cũng giống như các tội phạm truyền thống khác, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán là những cá nhân ở độ tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, các chủ thể này thường là những người có hiểu biết, có khả năng khai thác, sử dụng thành thạo công nghệ máy tính, công nghệ mạng, có hiểu biết sâu sắc về chứng khoán, thị trường chứng khoán. Do đó các chủ thể này dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội và gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. 
Thứ ba, các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán rất đa dạng, cấu thành nhiều tội phạm cụ thể khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điển hình là: Các nhóm hành vi xâm phạm sở hữu, phổ biến trong thời gian qua là các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thuộc cấu thành các tội phạm xâm phạm sở hữu mà tài sản bị xâm phạm thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động thị trường chứng khoán. Điển hình của nhóm hành vi này trong thời gian gần đây là lừa đảo mua bán chứng khoán… Các hành vi sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua hệ thống ngân hàng với thủ đoạn sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, thông qua mạng Internet xâm nhập trái phép vào hệ thống tài khoản trong công ty chứng khoán… để chiếm đoạt tiền trong tài khoản, hoặc thay đổi lệnh mua, bán chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán. Các hành vi rửa tiền, chủ thể thực hiện hành vi này chủ yếu là các đối tượng người nước ngoài sử dụng tiền, tài sản có được thông qua hoạt động phạm tội để mua bán chứng khoán trong lĩnh vực chứng khoán… nhằm hợp pháp hóa tiền, sau đó thông qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam chuyển tiền về các tài khoản của chúng tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao. Các hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, với các hành vi phổ biến như thông qua hoạt động thị trường chứng khoán kinh doanh trái phép, trốn thuế….
Thượng tá, ThS. Lê Tuấn Hùng
Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thực hành – T32

Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn