Tranh chấp thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại là gì?

Tranh chấp thương mại hay tranh chấp kinh doanh là thuật ngữ quen thuộc trong đời sống kinh tế xã hội ở các nước trên thế giới. Đây là một khái niệm quen thuộc của cơ chế kế hoạch hóa đã ăn sâu trong tiềm thức và tư duy pháp lý của người Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về tranh chấp thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại qua bài viết sau đây.

Tranh chấp thương mại

Khái niệm tranh chấp thương mại lần đầu tiên được đề cập trong Luật Thương mại 1997, là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại (Theo Điều 238 Luật Thương mại 1997).

Tiếp theo đó, Luật Thương mại 2005 ra đời quy định về hoạt động thương mại tại Khoản 1 Điều 3 là hoạt động nhằm mục đích sinh lời và tại Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng đã liệt kê các tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Từ đó ta có thề hiểu: Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại.

Như vậy, tranh chấp thương mại phải hội đủ các yếu tố sau đây:

+ Thứ nhất, tranh chấp thương mại trước hết là những mâu thuẫn (bất đồng) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể.

+ Thứ hai, những mâu thuẫn (bất đồng) đó phải phát sinh từ hoạt động thương mại.

+ Thứ ba, những mâu thuẫn (bất đồng) đó phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân.

Các tranh chấp thương mại chủ yếu là những tranh chấp phát sinh giữa các thương nhân (cá nhân kinh doanh, tổ chức kinh doanh) với nhau. Ngoài thương nhân là chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại, trong những trường hợp nhất định, các cá nhân, tổ chức khác (không phải là thương nhân) cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại, như: tranh chấp giữa công ty và thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty hay tranh chấp về giao dịch giữa một bên không nhằm mục đích sinh lợi với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật thương mại (theo Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005).

Luật thương mại 2005 đã cho phép bên có hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi (bên có hành vi dân sự) chọn áp dụng Luật thương mại để giải quyết loại tranh chấp này. Về bản chất, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân không phải là hoạt động thương mại thuần túy nhưng bên không nhằm mục đích sinh lợi đã chọn áp dụng Luật thương mại thì quan hệ này trở thành quan hệ pháp luật thương mại và tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật này phải được quan niệm là tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh trọng tài thương mại, tranh chấp này vẫn không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại và cũng không thuộc loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Bởi vậy, tranh chấp này theo pháp luật hiện hành của Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa dân sự song bên có hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi có thể chọn áp dụng Luật thương mại năm 2005 để giải quyết vụ tranh chấp.

Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tồn tại bốn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại cơ bản, bao gồm:

+ Thương lượng;

+ Hoà giải;

+ Trọng tài thương mại;

+ Toà án.

Thương lượng, hoà giải và trọng tài thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước (không nhân danh quyền lực nhà nước như phán quyết của toà án) mà chủ yếu được giải quyết dựa trên nền tảng ý chí tự định đoạt của các bên tranh chấp hoặc phản quyết của bên thứ ba độc lập (được các bạn lựa chọn) theo thủ tục lĩnh hoạt, mềm dẻo. Trong khi đó toà án lại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mang ý chí quyền lực nhà nước được toà án tiến hành theo thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Nhìn tổng thể có thể thấy ưu điểm nổi bật của các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hoà giải và trọng tài thương mại so với toà án, đó là tính linh hoạt, mềm dẻo của thủ tục, bảo đảm tối đa quyền định đoạt của các bên tranh chấp mà không bị ràng buộc nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi thủ tục tố tụng như giải quyết tranh chấp tại toà án. Ngoài ra, các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này còn bảo đảm tối đa uy tín cũng như bí mật của các bên tranh chấp, góp phần củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên.

Tuy nhiên, các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hoà giải và trọng tài thương mại cũng có những trở ngại khó tránh khỏi, như sự thành công của quá trình giải quyết tranh chấp chủ yếu phụ thuộc thái độ thiện chí và hợp tác của các bên tranh chấp; việc thực thi các kết quả đã đạt được trong quá trình giải quyết tranh chấp hoàn toàn phụ thuộc sự tự nguyện thi hành của bên có nghĩa vụ phải thi hành mà không có cơ chế pháp lí bảo đảm thi hành và nếu có (như phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài) thì việc thực thì thường phức tạp và tốn kém. Nhược điểm này lại có thể bù đắp được trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh