Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – TỈNH BÌNH PHƯỚC

 29/05/2010

I. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN

        1. Khái quát điều kiện tự nhiên

        Vị trí địa lý: Tỉnh Bình Phước là tỉnh miền núi, nằm ở toạ độ địa lý 11,32 vĩ độ Bắc, 106,54 kinh độ Ðông, cách thủ đô Hà Nội 1.840 km; bao gồm 1 thị xã, 5 huyện và 75 xã (phường, thị trấn). Phía Ðông giáp tỉnh Lâm Ðồng và Ðồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp tỉnh Ðắc Lắc và Campuchia. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.856 km2, chiếm 2,07% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn như đường quốc lộ 13 và quốc lộ 14. Hệ thống sông suối của tỉnh Bình Phước tương đối nhiều với mật độ 0,7 – 0,8km/km2 bao gồm: Sông Lanh, sông Dam, sông Ðak Huyt, sông Sa Cát, sông Bà Vá, sông Nước Trong, sông Cam, sông Bé, sông Ðồng Nai và sông Mã Ðà.

        Ðịa hình: Tỉnh Bình Phước thuộc vùng cao nguyên ở phía Bắc và Ðông – Bắc có dạng hình đồi thấp dần về phía Tây và Tây – Nam. Toàn tỉnh có vùng miền núi trung du chiếm 100% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

        Khí hậu: Thuộc khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa với đặc trưng 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mưa, bão tập trung vào các tháng 8 và tháng 9, với lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.045 – 2.325 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25,4oC đến 27,7 oC. Hàng năm có 4 tháng nhiệt độ trung bình vào khoảng 26,7 oC, tháng lạnh nhất là tháng giêng.


 

        2. Dân số – Dân tộc

        Dân số – Dân tộc: Theo kết quả điều tra ngày 1/4/1999, tỉnh Bình Phước có 653.926 người, mật độ dân số là 95 người/km2. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động là 368.698 người, chiếm 56,38% dân số toàn tỉnh.

        Trên địa bàn tỉnh có 40 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 527.968 người, chiếm 80,7%; dân tộc Stiêng có 63.735 người, chiếm 9,7%; dân tộc Nùng có 15.480 người, chiếm 2,4%; dân tộc Tày có 15.189 người, chiếm 2,3%; dân tộc Khơmer có 11.323 người, chiếm 1,7%; các dân tộc khác chiếm 3,2%.

        Trình độ dân trí: Tính đến năm 2002, tỉnh Bình Phước đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 6 huyện, thị với số xã là 80 xã; tỷ lệ người biết chữ chiếm 96%. Số học sinh phổ thông niên học 2000-2001 trên 169.789 em, số giáo viên là 5.550 người. Toàn tỉnh có 86 cơ sở y tế, 700 giường bệnh, 1.200 cán bộ y tế, bình quân có 2,9 bác sỹ/1 vạn dân. Số thày thuốc có 1.116 người, bình quân y, bác sĩ trên 1 vạn dân là 8,4 người, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.


 

        3. Tài nguyên thiên nhiên


        3.1. Tài nguyên đất

        Tỉnh Bình Phước có 685.599 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Diện tích đất lâm nghiệp là 187.599 ha, chiếm 27%; diện tích đất nông nghiệp là 431.751 hecta, chiếm 63%; diện tích đất chuyên dùng là 26,133 ha, chiếm 3,8%; diện tích đất ở là 5.251 ha, chiếm 0,8% và đất chưa sử dụng là 34.865 ha, chiếm 5,4%.

        Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 28.393 ha, chiếm 6,57%, riêng đất lúa là 11.891 ha, chiếm 41,88% diện tích đất trồng cây hàng năm; diện tích đất trồng cây lâu năm là 392.002 ha, chiếm 90,79%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 626 ha.

        Diện tích đất trống, đồi trọc cần phủ xanh là 20.183 ha, đất có mặt nước chưa được khai thác là 2.590 ha, đất chưa sử dụng khác là 1.932.


        3.2. Tài nguyên rừng

        Tổng diện tích đất có rừng hiện có của tỉnh Bình Phước là 198.677,75 ha. Trong đó có 168.177 ha rừng tự nhiên và 30.500,75 ha rừng trồng. Rừng của tỉnh Bình Phước gồm 2 loại rừng chính: Rừng kín với đặc trưng cây cọ dầu chiếm ưu thế (huyện Phước Long, Bù Ðăng, Ðồng Phú) và rừng cây thưa họ dầu rụng lá theo mùa (huyện Lộc Ninh, Bình Long).

        Hệ động, thực vật rừng khá đa dạng và phong phú: Hệ thực vật bao gồm 801 loài, thuộc 129 họ nằm trong 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; hệ động vật rừng có 89 loài thuộc 29 họ, 15 bộ, thú, có các loài quý hiếm như tê giác, bò tót..


        3.3. Tài nguyên khoáng sản

        Tài nguyên khoáng sản: Có 4 nhóm nguyên liệu chia làm 20 loại khoáng sản.

        – Khoáng sản là nguyên liệu vật liệu xây dựng và nguyên liệu làm sứ, bao gồm: Ðá magma xâm nhập có trữ lượng 39,619 triệu m3; đá phun trào trung tính: 85,5 triệu m3; đá phun trào bazơ: 204,4 triệu m3; cát kết: 18,6 triệu m3; cát cuội sỏi: 0,818 triệu m3; laterit và đất san lấp: 116,34 triệu m3; Caolanh: 13,8 triệu tấn; sét gốm: 3 triệu tấn; thạch anh mạch: 16 nghìn tấn.

        – Khoáng sản kim loại: Có 3 điểm vàng gấm, 3 điểm vàng sa khoáng.

        – Khoáng sản than: Than bùn có khoảng 70 nghìn tấn.


        3.4. Tài nguyên du lịch

        Có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập, có nhiều loại động thực vật quý hiếm; vườn quốc gia Cát Tiên, nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm thấp lớn nhất Việt Nam, có cảnh quan đẹp, phong phú về hệ động ,thực vật; rừng văn hoá lịch sử môi trường núi Bà Rá, có thảm thực vật xanh tươi, trên núi có nhiều hang động kỳ thú và các suối nước thơ mộng; hồ Cuối Cam (thị xã Ðồng Xoài) và hồ Suối Lam (huyện Ðồng Phú) là 2 hồ tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh; hồ Thác Mơ (huyện Phước Long), thác số 4 (huyện Bình Long), Trăng Bàu Lạch (huyện Bù Ðăng). Ngoài ra, Bình Phước còn có các khu di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như Ban chỉ huy quân sự Miền (huyện Lộc Linh) là cơ quan đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam; nhà Giao Tế Lộc Ninh…

 

        4. Cơ sở hạ tầng có đến năm 2002

        4.1. Mạng lưới giao thông bộ: Toàn tỉnh hiện có 4.005,54 km đường giao thông, trong đó: Ðường do trung ương quản lý dài 192,6 km, chiếm 5%; đường do tỉnh quản lý dài 285,57 km, chiếm 7,13%; đường do huyện quản lý dài 885,25 km, chiếm 22,10% và đường do xã quản lý dài 1.908,62 km, chiếm 47,64%; ngoài ra còn có đường chuyên dùng dài 733,5 km.

        Trong đó chất lượng đường bộ: đường cấp phối, đường đá dăm chiếm 4,7%, đường nhựa chỉ chiếm 5,83% còn lại là đường đất. Hiện có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

        4.2. Mạng lưới bưu chính viễn thông: Hệ thống bưu chính viễn thông được chú trọng đầu tư phát triển đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến hầu hết các xã. Số lượng bưu cục và dịch vụ toàn tỉnh bao gồm 28 đơn vị, số máy điện thoại là 24.348 cái, bình quân có 3,26 máy/100 dân.

        4.3. Mạng lưới điện quốc gia: Hiện toàn tỉnh có 100% số huyện, xã đã có điện lưới quốc gia với tổng số hộ được sử dụng điện là 74.494 hộ, đạt 45,2% số hộ được sử dụng điện.


 

        5. Kinh tế – Xã hội năm 2002

        GDP tăng bình quân 8%/năm.

        Thu nhập bình quân đầu người là 2.606 triệu đồng/người/năm.

        Tóm tắt cơ cấu ngành:

+ Nông – lâm nghiệp:                         64,35%.

+ Công nghiệp – xây dựng cơ bản:      9,77%.

+ Thương mại – dịch vụ:                     25,88%.

        Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% năm 2000 xuống còn 3,8% năm 2002; đã giải quyết trên 16.460 lao động.

        Tỷ lệ đói nghèo giảm còn dưới 10%.

        Tỷ suất sinh giảm còn 22%0; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở tre em còn 30%; trên 90% số trẻ em trong độ tuổi được đi học; trên 95% trẻ em được tiêm chủng 6 bệnh nguy hiểm.

 

II. MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI


        1. Kết quả phân định 3 khu vực


        Huyện Bù Ðăng:

        – Khu vực I (MN): thị trấn Ðức Phong.

        – Khu vực II (MN): Xã Nghĩa Trung, Minh Hưng, Thọ Sơn, Ðoàn Kết, Thống Nhất, Ðăng Hà, Ðức Liễu.

        – Khu vực III (MN): Xã Ðồng Nai, Ðak Nhau.


        Huyện Ðồng Phú:

        – Khu vực I (MN): thị trấn Ðồng Xoài.

        – Khu vực II (MN): Xã Tân Hiệp, Thuận Lợi, Tân Phước, Ðồng Tâm.

        – Khu vực III (MN): An Ninh.


        Huyện Phước Long:

        – Khu vực I (MN): thị trấn Thác Mơ, thị trấn Phước Bình.

        – Khu vực II (MN): Xã Bù Nho, Phú Riềng, Phước Tín, Bình Thắng, Sơn Giang, Bình Phước, Long Tân.

        – Khu vực III: Xã Dak Ơ, Ðức Hạnh, Long Hà, Dak Kia, Long Hưng.


        Huyện Lộc Ninh:

        – Khu vực II (MN): Xã Thanh Hoà, Thiện Hưng, Hưng Phước, Lộc Hoà, Lộc Quang, Tân Tiến, Lộc Tấn, Lộc Hiệp.

        – Khu vực III (MN): Xã Lộc An, Lộc Thành.


        Huyện Bình Long:

        Khu vực II (MN): Xã Thanh An, An Khương, Lợi Hưng, Phước An, Thanh Lương.


        2. Danh sách các xã thuộc Chương trình 135

        – Huyện Bù Ðăng: Xã ÐBKK: Ðồng Nai, Ðak Nhau, Bom Bo, Ðắng Hà, Thống Nhất, Thọ Sơn, Nghĩa Trung.

        – Huyện Ðồng Phú: Xã ÐBKK: Tân Hưng, Tân Hoà, Tân Phước, Ðồng Tâm.

        – Huyện Phước Long: Xã ÐBKK: Dak Ơ, Ðức Hạnh, Long Hà, Dak Kia, Long Hưng, Lộc Bình, Bù Gia Mập, Phú Trung.

        – Huyện Lộc Ninh: Xã ÐBKK: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Khánh, Lộc Thiện, Lộc Quang, Lộc Thuận; Xã Biên giới: Hưng Phước, Tân Tiến, Lộc Hoà, Lộc Tất, Tân Thành, Thanh Hoà, Lộc Tất, Tân Thành, Thanh Hoà, Thiện Hưng.

        – Huyện Bình Long: Xã ÐBKK: Minh Ðức, Ðồng Nở, Minh Lập, Tân Quan, Nha Bích, Thanh An.


 

        3. Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo

        a. Tình hình dân tộc và tôn giáo: Tổng số tín đồ tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 111.864 tín đồ, trong đó Công giáo là 67.323 tín đồ; Tin lành là 44.089 tín đồ; Hồi giáo là 452 tín đồ.

        b. Tình hình tranh chấp đất đai: Năm 2001 đã xảy ra 5 vụ tranh chấp đất đai trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

        c. Tình hình di cư tự do: Tổng số di cư tự do trong năm 2001 là 939 hộ, với 5.847 nhân khẩu.

        d. Tình hình đời sống: Ðời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt, đã giảm tỷ lệ nghèo đói xuống còn 10%, trong đó tỷ lệ đói nghèo thuộc các xã ÐBKK là 11,7%.

 

III. QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH DÀI HẠN PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI


        1. Tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2001 – 2010


        1.1. Quan điểm phát triển

        – Thực hiện chiến lược phát triển con người một cách toàn diện. Ðặc biệt chú trọng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.

        – Tăng cường việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ trong các đơn vị sản xuất.

        – Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ phù hợp với điều kiện của tỉnh.

        – Tập trung khai thác và phát huy có hiệu quả những lợi thế của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch sinh thái…

        – Phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển xã hội, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng.

        – Tăng cường củng cố quốc phòng, đặc biệt là dọc dải hành lang biên giới với Campuchia. Giữ vững ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.


        1.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Kinh tế phát triển ổn định và bền vững. GDP năm 2010 tăng 2,6 lần so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong cả thời kỳ 2001 – 2010 khoảng 10%. Trong đó giai đoạn 2001 – 2005 là 9,5 – 10% và giai đoạn 2006 – 2010 là 10,6%.

        – Phấn đấu tăng GDP bình quân đầu người từ 175 USD năm 2000 lên 226 USD vào 2005 và khoảng 300 USD năm 2010.

        – Ðẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong giai đoạn 2001 – 2005 nhịp độ tăng bình quân công nghiệp – xây dựng cơ bản là 25%, nông, lâm nghiệp là 5,7%, dịch vụ là 11,4%; trong giai đoạn 2006 – 2010 nhịp độ tăng bình quân công nghiệp – xây dựng cơ bản là 19,7%, nông, lâm nghiệp là 5,68%, dịch vụ là 10,6%.

        – Ðẩy mạnh chương trình xuất khẩu, trong đó tập trung cho nhóm hàng chủ lực là sản phẩm nông, lâm sản chế biến, đặc biệt là sản phẩm cao su, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và hàng lâm sản. Với tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010 đạt khoảng 410 – 420 triệu USD.

        – Tăng tỷ lệ huy động ngân sách GDP từ 10% năm 2000 lên 15% vào năm 2005 và khoảng 19 – 20% vào năm 2010.

        – Từng bước tăng dần tỷ lệ tích luỹ đầu tư từ nội bộ nền kinh tế từ 10,5% năm 1998 lên 12% vào năm 2005 và khoảng 15% vào năm 2010.

        – Thực hiện tốt các chương trình quốc gia và của tỉnh trên các lĩnh vực văn hoá – xã hội, y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và đặc biệt về giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mặt bằng dân trí và các chính sách xã hội khác.


 

        2. Tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001 – 2005


        2.1. Mục tiêu tổng quát

        Tập trung mọi nguồn lực, nâng cao khả năng thích ứng nhanh, nhạy trong nền kinh tế thị trường, tận dụng tối đa các tiềm năng và lợi thế, phát huy tốt nội lực chuẩn bị các điều kiện để đón trước thời cơ và vận hội, tạo dựng môi trường thật sự hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn đầu tư để phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, coi trọng việc phát huy nhân tố con người; giảm thiểu tình trạng nghèo nàn, nâng dần đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo các tiền đề cần thiết khác để đi vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Ðẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiếp tục giữ vững và nâng cao nhịp độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền kinh tế toàn diện, tạo tiềm lực cho phát triển lâu dài và bền vững. Bảo vệ vững chắc tuyến biên giới, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.


        2.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm là 9,5-10%. Tăng GDP bình quân đầu người từ 242 USD năm 2000 lên 300 USD vào năm 2005.

        – Ðẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2005 đạt:

            + Công nghiệp – xây dựng cơ bản:     20,8%.

            + Nông, lâm nghiệp – thuỷ sản:           51,4%.

            + Thương mại – dịch vụ:                     27,8%.

        – Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn 5 năm 2001-2005 cơ bản nhựa hoá hệ thống đường do tỉnh quản lý, đưa số hộ được sử dụng điện từ mức 36% năm 2000 lên 65% vào năm 2005 và 80% vào năm 2010.

        – Phấn đấu mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phấn đấu đến năm 2005 kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD.

        – Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát huy nhân tố con người. Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ đồng bộ cho các ngành giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục – thể thao, phổ thông trung học từ tỉnh đến cơ sở, để làm nền vững chắc cho sự phát triển lâu dài và có hiệu quả cao. Chú trọng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng kháng chiến cũ nhằm nâng cao dân trí, mức sống vật chất, tinh thần và thể lực của người dân lên một bức mới. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của xã hội; giảm hộ nghèo xuống còn 6%, phấn đấu hàng năm giảm mức sinh 0,8%0 . Hạn chế và xử lý có kết quả số di dân tự do từ tỉnh khác đến làm ăn, sinh sống.

        – Ðổi mới tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, ỷ lại, trì trệ; xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, năng động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

        – Thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là dọc tuyến biên giới tỉnh với nước bạn Campuchia; vùng sâu, vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, đảm bảo trật tự, kỷ cương trong các hoạt động kinh tế – xã hội.

        Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực. Ngoài việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển nguồn nhân lực gắn liền với nâng cao dân trí con người thì việc tạo được bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để thúc đẩy phát triển là một trong những điều kiện cốt lõi để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định.