Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – Đi tìm bản chất của Những lá Bùa

 11/09/2008 Bao lâu nay, chuyện bỏ “bùa yêu”, “bùa ghét” của một số người dân tộc thiểu số được thêu dệt nhuốm màu thần bí. Sự nhiệm màu của những lá bùa vẫn còn là chuyện “bán tín, bán nghi” đối với với nhiều người. Trong chuyến công tác lên huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình), chúng tôi đã gặp một số “tín đồ” và cả “thầy bùa”nhằm vén lên bức màn kỳ bí của bùa ngải.

“Công nghệ” gieo bùa

Trong tiếng lách tách của củi cháy và ánh lửa chập chờn, “thầy bùa” Đinh Văn Thành (xóm Cha, xã Toàn Sơn, Đà Bắc) nhấp chén rượu rồi cất giọng khàn khàn: “Các chú muốn xin bùa yêu, dễ thôi. Hai ngày tới, các chú quay lại đây mang theo hai con gà, một lít rượu, hai cân gạo nếp, thẻ hương, tôi sẽ khấn cho. Chỉ mất vài phút thôi!”. Dưới ánh lửa trong căn nhà sàn, những nếp nhăn trên mặt “thầy bùa” như co lại. Đôi mắt “thầy” trở nên thẳm sâu, thần bí….

Trong lúc câu chuyện bắt đầu hấp dẫn thì “thầy bùa” lại có “khách hàng”. Người đến xin “bùa yêu” tên là Đinh Văn Định. Hỏi tên tuổi xong, “thầy” đi xuống nhà, một lát sau mang lên một gói muối, một mẩu gừng và một bát nước có chiếc lược đặt bên trên. “Thầy” bảo anh Định cởi chiếc áo đang mặc rồi đặt tất cả những vật đó lên ban thờ. Thắp xong 3 nén hương, “thầy” vừa khấn, vừa hà hơi từ miệng vào những vật đó. Khấn xong, “thầy” nhúng chiếc lược vào bát nước và chải đầu cho anh Định rồi dặn: “Cậu để hai vật này ở túi ngực, tránh mang vào những nơi ô uế. Khi gặp cô bạn thì hãy bỏ gói muối này vào thức ăn hoặc nước uống để 2 người cùng nhấp miệng. Còn mẩu gừng thì cứ giữ ở ngực áo”. Thầy tiết lộ thêm: Mùi hương từ bát nước và mẩu gừng sẽ làm người bị bỏ bùa mê hoặc, còn vị muối sẽ khiến họ nóng ruột luôn nghĩ đến người bỏ bùa”. (?)

Theo lời “thầy bùa” Thành thì ông có thể làm bùa chuyển số vận từ xấu thành tốt, làm bùa khiến những món nợ khó đòi sẽ trở về với chủ. Rất nhiều người tận Hà Nội, Nam Định, Nghệ An…. nghe tiếng tìm đến tận đây xin bùa. Ông khoe, cách đây vài năm, một vị chức sắc ở huyện Đà Bắc khổ sở vì đường quan lộ đến nhờ cửa ông. Sự linh nghiệm của lá bùa khiến vị quan nọ không những gỡ được vận đen mà còn thăng tiến vùn vụt. Sau lần đó, vị chức sắc kia coi ông như thánh sống và tạ rất hậu. Tuy nhiên khi hỏi tên, ông nhất định không tiết lộ danh tính vị chức sắc đó là ai…(!?)

Ở Cao Sơn (huyện Đà Bắc) còn có bà Đinh Thị Hạnh “nổi tiếng” về gieo “bùa yêu”. Trong vai những khách hàng tiềm năng nhưng vẫn chưa tin lắm vào “nghệ thuật” làm bùa, chúng tôi gợi chuyện để bà Hạnh tiết lộ bí quyết làm nghề, nhưng bà Hạnh khước từ và bảo: “Nó như một lời nguyền, chỉ nói ra được khi truyền nghề thôi”.

Bà Hạnh hồ hởi kể về trường hợp năm ngoái có chị tên Tâm ở Hà Nội đã lên đây nhờ bà làm bùa để chồng mình hồi tâm chuyển tính. Số là vợ chồng chị đang sống yên lành, bỗng dưng chồng đổ đốn cặp bồ với người phụ nữ bán xôi rồi về nhà hắt hủi vợ con. Tất nhiên bà Hạnh đã sẵn sàng ra tay “giúp đỡ”. Chỉ với gói muối, mẩu gừng, bát nước, bà Hạnh đã làm cho anh chồng chị Tâm “tỉnh mộng”, trở về nhà xin lỗi vợ con, cắt đứt quan hệ với “người tình xôi thịt” của mình.

“Giải mã” những lá bùa

Anh Đinh Văn Định, người đã từng đến xin bà Hạnh một lá “bùa yêu” kể: “Tôi đã bỏ bùa cô gái tôi yêu nhưng “phép màu” đã không xảy ra. Tôi hỏi lại thì “thầy bùa” Hạnh trả lời: Người làm bùa không phải lúc nào cũng thành công được!”

Theo ông Lê Trung Kiên, Cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ- người có nhiều năm tìm hiểu về bùa chú của người vùng cao thì, trường hợp hai người không yêu thương, thậm chí ghét nhau, nhưng chỉ bằng một lá bùa mà có thể lập tức yêu nhau say đắm, không rời xa được là không bao giờ có.

Về chuyện “bùa ác” thì ông Kiên cho rằng, có những người vùng cao biết cách làm những loại thuốc để gây bệnh. Khi ghét ai, bằng cách nào đó, “thầy bùa” có thể dùng thuốc để tạo ra bệnh qua những nghi thức ma thuật huyền bí, linh thiêng để che mắt người thường. Những sự việc đó được thần thánh hóa là do sự linh nghiệm của lá bùa. Đơn cử như trường hợp của bà Xa Thị Tịnh (sinh năm 1960, ở xóm Riều Bồ, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc), chỉ vì tranh chấp 1 ha luồng mà bà Xa Thị Huệ (em dâu bà Tịnh) đã nhờ “thầy” bỏ “bùa ác” khiến bà Tịnh ốm nặng và chết. Sau cái chết của bà Tịnh, người dân trong xóm núi lại càng hoang mang hơn khi thấy ông Thành (chồng bà Tịnh) bị thần kinh. Và lời đồn thổi cả nhà bà Tịnh bị mắc bùa cứ lan rộng, xôn xao cả một vùng xóm núi.

Tuy nhiên, tìm hiểu hồ sơ bệnh án của bà Tịnh tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, chúng tôi được biết bà Tịnh nhập viện ngày 26/12/2006 do bị sốc nhiễm khuẩn. Ngày 27/12/2006, do bệnh tình quá nặng nên bà Tịnh được đưa về và mất tại nhà. Điều này chứng minh: không có lá bùa nào gây nên cái chết của bà Tịnh cả.

Qua những việc chúng tôi đã tìm hiểu, có thể khẳng định những lá “bùa ghét, bùa yêu” thực ra chỉ là trò bịp bợm của một số người tự xưng mình là “thầy bùa” để “móc túi” những người cả tin, thiếu hiểu biết. Bà con các dân tộc vùng cao nên cảnh giác với những mánh khóe vì mục đích kiếm tiền bất chính của các “thầy bùa” để tránh “tiền mất, tật mang”, bị ám ảnh, hoang mang bởi các “lá bùa”, gây mất đoàn kết, tình cảm gia đình, xóm bản.

Bài và ảnh: Bùi Quý