Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – Biến đổi trong lễ hội của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên

Nhắc đến văn hoá Tây Nguyên, người ta thường liên tưởng đến văn hoá rừng; nhắc đến kinh tế truyền thống Tây Nguyên, người ta thường nghĩ đến kinh tế nương rẫy; nhắc đến tư duy của người Tây Nguyên, người ta thường gắn với kiểu tư duy “hiện thực huyền ảo”. Tây Nguyên còn đậm in trong tâm trí mỗi người về thế giới của các vị thần, của các lễ thức vòng đời người và cây trồng; của những đêm dài sử thi.

Cho đến nay ở Tây Nguyên có hơn 40 tộc người sinh sống với dân số trên 4,6 triệu người trong đó có 12 tộc người bản địa bao gồm: Ê Đê, Gia Rai, Chu Ru, Raglai, Ba Na, Xơ Đăng, Mnông, Kơ Ho, Giẻ-Triêng, Mạ, Brâu, Rơ Măm; nói hai ngôn ngữ chính Môn – Khơme (ngữ hệ Nam á) và Mã Lai Đa Đảo (ngữ hệ Nam Đảo). Tây Nguyên không chỉ được biết đến là vùng văn hoá với kho tàng sử thi phong phú cùng hàng trăm tác phẩm được trình diễn trong sinh hoạt cộng đồng; nền âm nhạc cồng chiêng mà tiền thân của nó là những bộ đàn đá tiền sử; bộ luật tục bằng văn vần truyền miệng chứa đựng những tri thức dân gian phong phú; điêu khắc tượng nhà mồ, mỹ thuật trang trí độc đáo… mà Tây Nguyên còn được biết như là vùng đất của lễ hội với những phong tục, tín ngưỡng mang đậm chất tự nhiên và nhân văn khiến con người không chỉ gần gũi và hoà đồng với thiên nhiên mà còn hoà đồng giữa con người với nhau tạo thành một cộng đồng gắn kết bền chắc.

 Trên cơ sở nền tảng kinh tế – xã hội của cư dân trồng trọt nương rẫy, hệ thống lễ hội của các tộc người bản địa Tây Nguyên được hình thành và phân chia thành hai trục chính chi phối số phận của từng cá nhân và cả cộng đồng. Đó là lễ hội nông nghiệp và lễ hội vòng đời người. Tuy nhiên trong quá trình vận động của lịch sử, nhiều lễ hội của người Tây Nguyên đã bị mai một dần, chỉ còn là quá khứ hoặc trong ký ức của người già. Tuy vậy, có chăng nghi lễ vẫn duy trì được đời sống của nó như lễ cúng giọt nước (cúng bến nước), lễ mừng năm mới, lễ ăn lúa mới… trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp; lễ khai tâm, lễ cúng sức khoẻ, lễ cưới, lễ tang… trong hệ thống lễ hội vòng đời người. Những lễ hội còn được bảo lưu thì tự bản thân nó cũng ít nhiều biến đổi và sự biến đổi ấy được biểu hiện ở các mặt sau:

 Về khung thời gian của lễ hội: Hầu như tất cả những lễ hội nông nghiệp hoặc lễ hội vòng đời người còn tồn tại trong đời sống cộng đồng bản địa Tây Nguyên đều có những thay đổi nhất định về thời gian. Trước hết ở thời điểm tổ chức của lễ hội. Đơn cử như lễ khai tâm của người Xơ Đăng, nếu như trước đây được tổ chức vào ngày thứ ba khi đứa trẻ sinh ra thì bây giờ, thời gian đó không nhất thiết nữa. Nếu sản phụ quá yếu hoặc sinh ở bệnh viện, người ta sẽ tổ chức sau đó cùng đồng thời với lễ cúng uống mừng rụng rốn.

Khung thời gian của lễ hội cũng đã thay đổi theo hướng giản tiện. Lễ ăn trâu kỳ mừng sức khoẻ của người Ba Na theo quy định phải được tổ chức bảy ngày và khách mời phải ở lại làng trọn bảy ngày những bây giờ họ có thể ra về sau khi ăn một miếng thịt trâu và uống một kang rượu cần. Lễ bỏ mả của người Gia Rai cũng vậy, thay vì phải tổ chức bảy ngày như trước đây thì nay chỉ kéo dài trong khoảng ba ngày. Trong lễ cúng mừng năm mới, để đo đếm thời gian tiến hành các lễ, những vì tinh tú, vị trí của mặt trời không còn tác dụng, gia chủ trông cậy vào quyển lịch và chiếc đồng hồ đeo tay. Thời gian với người Tây Nguyên được đong đếm khúc chiết. Nội dung lời cúng cũng là một trong những yếu tố thay đổi khá đậm nét. ở các làng theo Thiên Chúa Giáo, những lời khấn giàu hình tượng, phản ánh lối tư duy cụ thể, cảm tính được thay thế bằng những lời kinh thánh trong tất cả các lễ hội. Qua phỏng vấn những người già của 5 làng thuộc xã Đăkrơwa, thị xã Kon Tum vào tháng 7 năm 2005, chúng tôi được biết rằng, những lễ hội của làng thường được bắt đầu bằng những lời cầu kinh của giáo phu, câu biện cùng các con chiên rồi già làng nổi tiếng trống báo hiệu buổi lễ chứ không hề có lễ thức cúng thần cùng các lời khấn như xưa. Ngay cả các làng mà tín ngưỡng cổ truyền chăn dắt tâm linh con người thì lời cúng cổ trong các lễ hội đã không còn nhiều. Người ta lặp lại những câu còn nhớ nhưng đôi khi như một thói quen. Lời cúng hiện giờ trở nên giản tiện và ngắn gọn. Nếu lời cúng trong lễ hội ăn trâu xưa thường dài và hay, ngân nga như hát, gọi tất cả các thần linh và đánh thức linh hồn muôn vật thì giờ đây người ta quên nhiều, chỉ còn nhớ một vài đoạn và cũng không còn hay nữa. Trong tâm thức của người Tây Nguyên xưa, những ẩn ức về lúa gạo, về sự bình yên trong cuộc sống, về sự no đủ, trường tồn của cộng đồng… thấm đẫm trong những lời khấn. Người ta cầu xin, mặc cả, thậm chí ra điều kiện với thần linh về những nhu cầu giản dị của cuộc sống, thì hiện tại, trong bất cứ lễ hội nào, lời cúng cũng đều gắn với tính thực dụng, người ta cầu xin xe máy, máy kéo, cát sét, ti vi, nhà cửa…

 Sự thay đổi về lễ vật: Một quy tắc của hiến sinh là việc con người dâng lên thế lực siêu nhiên những thứ mà với họ là giá trị hơn cả. Vì vậy, khi hệ giá trị ít nhiều thay đổi lập tức nó đi vào các lễ hội. Không chỉ dâng cho thần linh thứ rượu ghè mà thần yêu thích, người bản địa còn dâng cho các thần linh cả thứ rượu trắng (rượu đế) mua ở các quán của người Kinh. Trong lễ bỏ mả, những lễ vật dâng cho người quá cố hiện giờ cũng không phải là chiêng, ché, khố, váy mà phổ biến hơn là đồ tây, tiền mặt cùng với con vật hiến sinh. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” khiến cho nhiều bộ chiêng quý của người Ê Đê, Gia Rai, Mnông… thưa vắng dần trong đời sống lễ hội, đời sống tâm linh của chính họ.

 Sự thay đổi về thức ăn: Trong lễ hội của người Tây Nguyên, bữa ăn bao giờ cũng mang tính cộng cảm lớn nhất, nơi đó thể hiện sự phong phú trong các món ăn, thể hiện sự khéo léo khi pha chế và nấu nướng. Bữa ăn trong lễ hội là sự kết tinh “nghệ thuật ẩm thực” của người bản địa. Chỉ trong một lễ bỏ mả của người Ba Na mà GS. Ngô Văn Doanh đã thống kê ra cả chục món ăn với những chức năng riêng của nó. Ví dụ món để cúng ma (tai klơm); món để uống rượu (nhăm pai); thịt đáp lễ (nhăm he); thịt chứa cho không người tham dự lễ bỏ mả (nhăm rơ pa); thịt để mời người chết cùng ăn (nhăm pă)… Hoặc những món ăn được chế biến ngay tại lễ bỏ mả để mọi người cùng thưởng thức như thịt ống (nhăm dinh); thịt băm (nhăm tăh), thịt nhồi (nhăm go), cơm nướng trong ống (bương kuach)… Hiện tại, tham dự bất kỳ lễ hội nào của người Tây Nguyên, điều dễ nhận thấy chính là sự nghèo nàn của những món ăn truyền thống và sự pha trộn với món ăn của người Kinh.

 Sự thay đổi của trang phục: Điều này cũng hiện diện khá rõ trong các lễ hội cộng đồng.

Trang phục truyền thống ít thấy xuất hiện; những váy, áo, khố… được dệt một cách tinh xảo hầu như không còn nhiều, thay vào đó người ta mua sẵn những thứ vải rẻ tiền ở chợ. Trang phục truyền thống được người dân dành để bán cho khách du lịch hoặc những khách đặt hàng. Với họ 250.000 – 300.000 đồng/tấm vải quả là số tiền quá lớn so với “sự chơi vơi” của trang phục truyền thống khi nó không còn xuất hiện nhiều ở lễ hội.

Thanh niên vào lễ hội với quần jeans, áo sơ mi hoặc áo pun; điều các cô gái quan tâm là áo quần mà bạn mình mặc được mua ở đâu? bao nhiêu tiền?… chứ không phải là câu hỏi áo này dệt bao lâu? váy này thêu hoa văn gì.

 Tất cả những biểu hiện của sự thay đổi trên nói lên một điều rằng dù lễ hội còn được bảo lưu cũng đã có một sự thay đổi lớn về mặt tinh thần của nó. Hiện nay, tham dự nhiều lễ hội của người Tây Nguyên, chúng ta dễ nhận thấy không khí trần tục ùa vào các công đoạn của nghi lễ. Đôi nơi người ta thực hiện đơn giản và qua loa. Đám thanh niên thường say mềm và hát những bài nhạc trẻ. Người ta đến vì phần hội nhiều hơn phần lễ.

Dàn cồng chiêng xưa kia được coi là tiếng nói thiêng liêng của con người thông quan với thần linh, chỉ vang lên trong các lễ thức thì bây giờ cồng chiêng được thế tục hoá vang lên trong các dịp hội hè vui nhộn. Trong cuộc vui, người ta có thể dành những bài chiêng như “chiêng ăn cốm”, “chiêng đóng cửa kho lúa” thậm chí cả “chiêng tang lễ”… mà chẳng phải lo sợ hay kiêng kị gì. Những thực hành truyền thống bị bỏ quên, trôi dạt về miền quá khứ hay chỉ “vương tơ lòng” với người già.

 Xã hội và văn hoá loài người đều thay đổi qua thời gian, dù tốc độ biến đổi của chúng có thể khác nhau, đó là một quá trình tự nhiên, một sự tất yếu của lịch sử. Nếu không hề chuyển đổi gì cả thì xã hội đó, văn hoá đó sẽ bị hoá thạch và chắc chắn sẽ tiêu vong. Tuy nhiên, nói như nhà nhân loại học nổi tiếng người Mỹ, Franz Boas trong những năm đầu thế kỷ XX, mỗi nền văn hóa nhân loại là một cái gì độc đáo và hơn thế nữa, là một cái gì hết sức quý báu. Sự mất đi của bất cứ một nền văn hoá nào cũng làm cho cả nhân loại nghèo đi. Vì vậy việc tìm hiểu những giá trị của lễ hội truyền thống các tộc người Tây Nguyên cùng những phương cách để bảo tồn chúng trong sự vận động của lịch sử cho dù chúng luôn thay đổi, có tầm quan trọng to lớn.

 Đó là cụ Thượng Séo, Quan thượng thư quê ở làng Séo xứ Đoài (Nay là đất Phú Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Cụ Thượng Séo tên thật là Trần Thế Vinh. Bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội còn ghi:

 “Mùa đông, tháng 11 năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, triều đình mở khoa thi chọn kẻ sĩ bốn phương… Số người về thi 2000, lấy đỗ 31 người 27 người đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ, trong đó có Trần Thế Vinh…”. ở bài viết nhỏ này, chỉ xin nói đến việc cụ Thượng Séo đi xứ lần thứ hai và lấy được giống ngô quí.

 ấy là năm ất Sửu (1685) cụ Trần Thế Vinh phụng chỉ đi sứ lần thứ hai. Lúc đó cụ đã tuổi 51. Đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) cụ Thượng Seo vào yết kiến triều đình nhà Thanh.

Hoàng đế Khang Hy, một vị vua được sử sách Trung Quốc xếp vào hàng minh quân tài trí thao lược bậc nhất Trung Nguyên muốn thử tài sứ thần Đại Việt. Khang Hy ra 31 bài thơ ứng đối viết thành văn.

 Hoàng đế Khang Hy đề thơ vào bảng gỗ, chôn xuống ao rồi cho tháo nước vào. Những bài thơ chìm dần, chìm dần từ dưới lên trên. Mà chữ Hán thời ấy lại viết từ phải sang trái từ trên xuống dưới. Nếu thượng thư Trần Thế Vinh không thông minh và có trí nhớ tốt thì không thể nào đọc nổi. Nhưng cụ đã đọc dành dẽ cả ba mươi mốt bài thơ, không thiếu một chữ khiến cho triều thần Mãn Thanh thán phục, vì nể. Hoàng đế Khang Hy không tiếc lời khen cụ. Khang Hy ngự bút rồng, phê tặng cụ: “Yến phi ngự dược, tù tự hữu thanh” (khẩu đáp văn tài như chim bay, cá nhảy.) Tiệp đó Khang Hy lại phong cho cụ chức: Công bộ thượng thư hữu thị lang và sai cấp ruộng đất cho cả tổ tiên, vợ con đồng hưởng.

 Thời gian đi sứ lần thứ 2 ở Yên Kinh, lúc rỗi, thượng thư Trần Thế Vinh thường đi xem chợ Tàu và thưởng thức món ăn bằng ngũ cốc. Bởi chợ nào ở kinh đô cũng là gương mặt tiêu biểu của văn hoá vật thể và cả phi vật thể. Cụ Thượng Séo đã xem người Hoa Hạ chế biến một thứ hạt vàng đỏ to bằng đầu ngón tay thành bột rồi quấy thành mèn mén, một món ăn chính của người Trung Nguyên. Cụ Trần Thế Vinh mua ăn thử thấy rất ngon, béo, hợp với khẩu vị mình. Và không cần thức ăn. Cụ cũng tranh thủ đến một số vùng người Hoa Hạ trồng cây mèn mén. Cụ thấy cây này rất hợp với đất phù sa, đất cao, không đọng nước. Có người bảo cụ cây này có nguồn gốc từ nước Ngô xưa, thời Tam Quốc. Cụ bí mật chọn mua một đấu. Về nơi ở cụ moi ruột bút lông chọn năm hạt đẹp nhất cho vào rồi cài bút lên mái tóc. Các nhà nho xưa, cài bút lên mái tóc là chuyện thường tình. Việc làm của cụ đến tuỳ tùng cũng không thể biết.

 Thời ấy, mỗi giống quí đều được nước sở tại bảo vệ kĩ lưỡng nghiêm ngặt không cho đem ra nước ngoài. Vì vậy đoàn sứ thần của cụ Thượng Séo về đến nước nhà phải vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát. Họ khám kĩ lắm. Từ hành lý, gấu áo, gấu quần đến cái hậu môn họ cũng không bỏ.

 Nhưng họ lại cho qua cái bút lông của cụ thượng Trần Thế Vinh gài trên mái tóc.

 Về nhà, cụ Thượng Séo chẻ bút lông, lấy hạt ngô, cụ gọi như vậy cho dân dễ nhớ gieo vào vườn hoa. Năm hạt nảy được bốn cây. Cụ dặn gia đình chăm bón cẩn thận. Ba tháng sau, bốn cây ngô trổ cờ ra hoa, đeo bắp. Đợi khi bắp khô, cụ lấy vào tẽ ra từng hạt phơi nỏ, cho vào lọ sành có lẫn tro bếp khô, cất kĩ, ăn tết Nguyên Đán xong, có hạt mưa xuân, cụ mới đem gieo vào đất đã phơi ải. Cứ như vậy, cụ nhân dần, nhân dần. Khi lượng ngô đã kha khá cụ đem chia đều cho dân làng và hướng dẫn họ cách trồng, cách chế biến, thành món ăn chủ chốt hàng ngày thay cho gạo.

 Giống ngô của cụ thượng thư Trần Thế Vinh đã từ làng Séo, tên chữ là Phong Châu theo sông Đà, sông Hồng lan toả khắp xứ Đoài xưa rồi toả khắp đồng bằng miền Bắc. Rồi lại từ đồng bằng toả ngược lên miền núi, trở thành lương thực chủ yếu của người Mông, người Dao đến tận ngày nay. Cụ Bảng nhãn Lê Quí Đôn, một nhà bác học, một nhà nông học lớn nhất nước ta thế kỉ XVIII đánh giá cụ Trần Thế Vinh là một sứ thần thông minh, mưu trí và thật dũng cảm mới dám mang và mang được giống ngô quí về nước.

 Trước khi đi sang cõi vĩnh hằng, cụ Thượng Séo Trần Thế Vinh, dặn đi dặn lại con cháu rằng phải chôn sấp cụ, tức là khi khâm niệm phải quàn sấp cụ trong quan tài. Nhưng con cháu thương quá, không ai nỡ chôn sấp bố mình. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, con rể cụ cũng không đồng ý chôn sấp bố vợ mình.

 Huyệt của cụ được đào sâu 9 mét. Khi hạ huyệt, con cháu cụ, theo tục làng Séo không được đến gần. Lúc đó, đoàn sứ bộ nhà Thanh cũng vừa tới nơi. Họ lấy cớ cụ Trần Thế Vinh không chỉ là thượng thư của Đại Việt mà còn là thượng thư của Thiên triều. Vì đường xa, đoàn sứ bộ đến muộn nên phải tổ chức lễ viếng ngay tại huyệt mộ, thật trọng thể, đúng với nghi lễ một thượng thư.

 Sau khi dâng hương, đọc lời ai điếu, họ đã lật sấp quan tài cụ và đổ thạch kim đến lưng huyệt để trả mối hận bị mất giống ngô quí về phương Nam.

 Biết được việc làm vô nhân của sứ bộ nhà Thanh con cháu cụ uất lắm. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn quê ở làng Mai Trai, nay thuộc thị xã Sơn Tây đã huy động 27 cái bễ lò để thổi bỏ lớp thạch kim, an táng lại cho bố vợ. Nhưng việc không thành. Hiện nay mộ cụ Thượng Séo vẫn nằm uy nghi trên đỉnh gò Gạch, thuộc làng Phú Xuyên xã Phú Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

ThS. Trung Thị Thu Thuỷ