Trang thông tin điện tử Đảng bộ Tỉnh Quảng Nam > Quản trị > Chi tiết tin

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Vị trí địa lý, diện tích

Quảng Nam nằm ở toạ độ 15013/ – 16012/ vĩ độ Bắc và 107013/ – 108044/  kinh độ Đông; giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế về phía Bắc, giáp Tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum về phía Nam, giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về phía Tây và giáp Biển Đông về phía Đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 10.574,74 km2.

Địa hình

Địa hình với 4 dạng chính là: địa hình núi cao, địa hình đồi cao núi thấp, địa hình đồi gò và địa hình đồng bằng bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ… Địa hình núi cao phân bổ ở phía Tây Bắc và Tây Nam của tỉnh, gồm nhiều dãy núi chạy nối tiếp theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, độ cao trung bình từ 500 – 1000 m, nằm trong hệ thống dãy Trường Sơn, có nhiều ngọn núi cao, trong đó cao nhất là Ngọc Linh (2.567m). Địa hình núi cao có hướng dốc từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, càng về phía Đông Nam địa hình càng thấp dần. Ngoài ra, ở ven biển Quảng Nam còn có nhiều hòn đảo lớn nhỏ . Vùng đồi núi chiếm 72%. Vùng ven biển là dải cồn cát chạy dài từ xã Điện Nam huyện Điện Bàn đến xã Tam Nghĩa huyện Núi Thành.

Hệ thống sông ngòi Quảng Nam với tổng chiều dài hơn 900 km, nối liền miền xuôi và miền ngược, thuận lợi cho giao lưu kinh tế bằng đường thủy giữa các địa phương, giữa Hội An, Vĩnh Điện, Tam Kỳ và Đà Nẵng, tạo nên lợi thế trao đổi buôn bán trong tỉnh thông qua đường thủy từ nhiều thế kỷ trước. Con sông lớn nhất của Quảng Nam là sông Thu Bồn, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Duy Xuyên và đến Giao Thủy (Đại Lộc). Từ Giao Thủy, sông Thu Bồn xuôi về Điện Bàn, Hội An. Sông Trường Giang chạy dọc theo vùng cát ven biển, nối cửa An Hoà với cửa Đại, nối sông Tam Kỳ – có diện tích lưu vực 300 km2, bắt nguồn từ 10 con suối ở Đông Trường Sơn đổ ra cửa biển An Hòa – với sông Thu Bồn. Một phân lưu của sông Thu Bồn là sông Vĩnh Điện chảy ra phía bắc của tỉnh, hợp lưu với sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò. Ngoài ra, trong tỉnh còn có một số con sông nhỏ khác như sông An Tân, sông Tiên.

Khí hậu

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu giao thoa giữa Bắc Hải Vân, Nam Hải Vân, giữa Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn nên tạo nhiệt đới ẩm gió mùa; mùa mưa trùng với mùa Đông; mưa tập trung vào các tháng 9 – 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm và mùa khô trùng với mùa hạ. Nhiệt độ trung bình trên 200C.

DÂN SỐ , DÂN TỘC, TÔN GIÁO

Tổng dân số tỉnh Quảng Nam 1.497 nghìn người (tính đến cuối năm 2019), trong đó khu vực thành thị có trên 394 nghìn người chiếm 26,2%. Dân tộc thiểu số có 140,6 nghìn người chiếm 9,4% tổng dân số toàn tỉnh, gồm dân tộc Cơ tu, Xơ Đăng, Gié Triêng, Cor… Qui mô dân số Quảng Nam thuộc diện lớn so với cả nước, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, thứ 3 trong khu vực Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung (sau Thanh Hoá, Nghệ An). Mật độ dân số của tỉnh 142 người/km2.

Quảng Nam có 14 tổ chức, hệ phái tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động, với 473 cơ sở thờ tự tôn giáo, trên 210.510 người, chiếm khoảng 14% dân số toàn tỉnh.

ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Quảng Nam có hơn 20% dân số của tỉnh là đối tượng chính sách, với trên: 65.400 liệt sỹ, 135.000 thân nhân; 30.500 thương bệnh binh; 46.000 người có công giúp đỡ cách mạng; 33.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, huy chương; 6.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…; đặc biệt, cả tỉnh có 15.237 Bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trong đó, có 605 Mẹ còn sống và đang được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.

ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, trong đó: 2 thành phố trực thuộc: Tam Kỳ, Hội An; 1 thị xã: Điện Bàn; 6 huyện đồng bằng: Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại lộc; 9 huyện miền núi: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn. Toàn tỉnh có 241 xã, phường, thị trấn.

LAO ĐỘNG VIỆC LÀM – NGUỒN NHÂN LỰC

D

ân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm 65,4% dân số. Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế khoảng 880 nghìn người. Cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020: tỷ trọng lao động ngành nông lâm thủy sản chiếm 37,6%, ngành công nghiệp – xây dựng 29,1%, ngành dịch vụ 33,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng dần, đến năm 2020 đạt khoảng 65%. Có 8,8 người có trình độ đại học trở lên/100 người lao động; có khoảng 566 người có trình độ đại học trở lên/1 vạn dân.

Y TẾ

Đến nay, Quảng Nam có 291 cơ sở y tế: 01 bệnh viện Đa khoa Trung ương, 16 bệnh viện Tỉnh, 19 bệnh viện huyện, 11 phòng khám khu vực, 243 trạm y tế. Với hơn 6,4 nghìn giường bệnh ( không kể trạm y tế). Số cán bộ của các cơ sở y tế trực thuộc cấp tỉnh hơn 6,9 nghìn người; bình quân toàn tỉnh có 10 bác sỹ trên 1 vạn dân .

GIÁO DỤC

Tính đến năm 2020, Quảng Nam có 3 trường đại học; 8 trường cao đẳng; 07 trường TCCN; 799 trường học từ cấp mầm non đến THPT, trong đó có 510 trường đạt chuẩn quốc gia; hơn 11 nghìn lớp học với hơn 349 nghìn học sinh.

CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Đường bộ: ngoài tuyến đường quốc lộ IA, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua địa bàn tỉnh, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh, tạo điều kiện giao thông thông suốt giữa đồng bằng và miền núi của tỉnh; giữa các huyện, xã trong tỉnh. Một số công trình trọng điểm đã đưa vào sử dụng có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra diện mạo mới cho Quảng Nam như: Cầu Cửa Đại; cầu Đế Võng; cầu Giao Thủy; đường ĐT610 đoạn nối Duy Xuyên với Nông Sơn; các tuyến đường: ĐT605, ĐT 607, ĐT 608, ĐT 609; đường 129 từ Hội An đến Tam Kỳ, đường trục chính vào khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, KCN Tam Quang, đường nối dài từ cảng Chu Lai đến tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã tạo lợi thế phát triển cho khu vực vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Tuyến đường 129 đoạn từ Dốc Diên Hồng ngang qua cảng Kỳ Hà đến sân bay Chu Lai hoàn thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa từ KCN Tam Thăng đến càng Kỳ Hà và cảng hàng không Chu Lai…Trên cơ sở đó tạo ra một môi trường đầu tư cho các khu công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai…

Cửa khẩu biên giới Việt-Lào: Quảng Nam có cửa khầu Đăc-Ta- Ooc thuộc huyện Nam Giang và cửa khẩu (phụ) Kà-Lừm thuộc huyện Tây Giang.

Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có chiều dài 95 km.

Cảng biển: tỉnh Quảng Nam có 02 cảng biển: cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp. Hệ thống cảng Kỳ Hà tiếp nhận tàu 20.000 DWT, cảng Tam Hiệp tiếp nhận tàu 10.000 DWT; hệ thống kho bãi, xưởng cũng được nâng cấp, mở rộng với diện tích gần 100 nghìn m2; lượng hàng hoá qua cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp trên 1,6 triệu tấn; nạo vét luồng vào cảng, nạo vét sông Trường Giang, sông Cổ Cò. Khai thác các tuyến đường nối từ bờ ra đảo, kết nối các điểm du lịch hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi (Cửa Đại, Cù Lao Chàm, Kỳ Hà tỉnh Quảng Nam và Sa Kỳ, Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi)…

Cảng hàng không: Cảng hàng không Chu Lai – Quảng Nam là một trong sáu cảng hàng không hiện đại của Việt Nam. Sân bay Chu Lai với diện tích 2.300 ha, có 2 đường băng cho hạ cất cánh với tổng chiều dài 4.877m, 5 đường lăn chính và 3 sân đổ máy bay. Lượng khách qua sân bay Chu Lai ngày càng tăng, năm 2015 chỉ có 155 nghìn lượt tính đến năm 2020 ước đạt 1 triệu lượt khách. Hiện nay, sân bay Chu Lai phục vụ cho 3 hãng hàng không Việt Nam (Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar) là 3 hãng đang khai thác tại sân bay đưa đón hành khách đến và đi từ thành phố Hồ Chí Minh (5 chuyến bay/ngày) và thủ đô Hà Nội (2 chuyến bay/ngày), sân bay Chu Lai đã được quy hoạch để trở thành sân bay vận chuyển hàng hóa quốc tế, khi đầu tư hoàn thành sẽ đón 4 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng mỗi năm.

MẠNG LƯỚI VIỄN THÔNG

Hiện nay toàn tỉnh có 5 đơn vị viễn thông đang hoạt động: Chi nhánh Viettet Quảng Nam, chi nhánh Mobifone Quảng Nam, Cty cổ phần viễn thông di động Toàn cầu Gtel, Viễn thông Quảng Nam và Trung tâm thông tin di động Việt Nam Mobile khu vực 2. Số BTS hiện nay khoảng hơn 2.000 trạm, sóng thông tin di động đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đường truyền cáp quang 97% số xã.

Mạng lưới dịch vụ Internet trên toàn tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, đến năm 2020 dự ước khoảng 1,2 thuê bao (+27%/năm), tỷ lệ sử dụng internet 10,7 thuê bao trên 100 dân.

CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 11 Khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 6 nghìn ha, đến nay đã có 7 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất sử dụng khoảng trên 1 nghìn ha, số lao động sử dụng khoảng trên 40 nghìn người, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên 51%. Đến nay các Khu công nghiệp đã có 225 dự án còn hiệu lực hoạt động với vốn đầu tư khoảng trên 61 nghìn tỷ đồng (trong đó có 80 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đạt khoảng 997 triệu USD); trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai gồm 115 dự án với vốn đăng ký gần 44 nghìn tỷ đồng với hơn 25 nghìn chuyên gia, lao động đang làm việc; KCN Điện Nam – Điện Ngọc (75 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4 nghìn tỷ đồng và gần 561 triệu USD).

Ngoài ra, có 49 Cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 1.260 ha, diện tích đất công nghiệp 929 ha. Các Cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 280 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 715 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án gần 15,5 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án gần 64 nghìn người. Trong đó có 199 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư thực hiện 9.125 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các CCN gần 30 nghìn người. Tỉ lệ lấp đầy bình quân của 49 Cụm công nghiệp đã phê duyệt và đi vào hoạt động đạt 68,4%.

TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN & TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên của Quảng Nam là 1.057.474 ha được hình thành từ chín loại đất khác nhau gồm cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa sông, đất phù sa biển, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá,… Nhóm đất phù sa ven sông là nhóm đất quan trọng nhất trong phát triển cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất đỏ vàng vùng đồi núi thuận lợi cho trồng rừng, cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày. Nhóm đất cát ven biển đang được khai thác cho mục đích nuôi trồng thủy sản.
Diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất: 49,4%, kế tiếp là đất dành cho sản xuất nông nghiệp, đất thổ cư và đất chuyên dùng. Diện tích đất trống đồi trọc, đất cát ven biển chưa được sử dụng chiếm diện tích lớn.

Tài nguyên rừng

Diện tích đất có rừng của tỉnh đạt gần 667 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt 59,3%. Diện tích rừng trồng mới tăng nhanh, đạt 550 nghìn ha. Trong đó, đã trồng trên 8.500 ha (núi cao 7.295 ha; trung du 541,5 ha và đồng bằng 137 ha). Diện tích cây dược liệu gồm nhiều loài cây, trong đó có 9 loài chính có diện tích lớn: Quế 379 ha, chiếm 51%; Sâm Ngọc Linh 954 ha chiếm 10,8%; Đảng Sâm 775 ha, chiếm 9%; Sa Nhân 539 ha, chiếm 6,3%; Ba Kích 464 ha, chiếm 5,4%; Giảo cổ lam 173 ha, chiếm 2,0%; Đinh lăng, Nghệ: 16,5 ha Đinh lăng và 153 ha Nghệ; cây dược liệu khác: Chè dây, dây khai, dây cứt quạ, Thông đất, Ngũ vị tử, Mật nhân, Thất diệp nhất chi hoa, Bạc hà,… 1.086 ha, chiếm 12,7%. Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý hiếm được quy hoạch diện tích 15.568 ha, sản phẩm đã thu hoạch, chất lượng sâm tốt, năng suất đạt 4,5 tạ/ha; Đảng sâm thu hoạch 60 ha, năng suất 2,45 tấn/ha…

Tài nguyên thủy sản

Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km và vùng biển rộng lớn, có nguồn hải sản phong phú. Theo số liệu của Viện Quy hoạch thủy sản thì vùng biển Nam Trung Bộ có trữ lượng cá 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt hàng năm 20 vạn tấn, trữ lượng mực 7,000 tấn, tôm biển 4.000 tấn. Quảng Nam có điều kiện để phát triển ngành đánh bắt xa bờ cũng như khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven sông, ven biển và ở đảo Cù Lao Chàm,…

Tài nguyên khoáng sản

Quảng Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đang được khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh. Trong đó đáng kể là: Than đá ở Nông Sơn trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đã và đang khai thác với sản lượng năm cao nhất đạt khoảng 5 vạn tấn/năm; mỏ than Ngọc Kinh trữ lượng khoảng 4 triệu tấn (đã ngừng khai thác từ năm 1994); vàng gốc và sa khoáng ở Bồng Miêu, Du Hiệp, Trà Dương; Cát trắng công nghiệp; 18 mỏ nước khoáng và nước ngọt có chất lượng tốt. Các loại khoáng sản như khí mê tan, uranium, nguyên liệu làm xi măng (đá vôi) được đánh giá là giàu nhất trong các tỉnh phía Nam. Ngoài ra các khoáng sản khác như đá granít, đất sét, cát sợi titan, thiếc, cao lanh, mi ca và các loại nguyên liệu cung cấp cho xây dựng, sành sứ, thủy tinh,… được phân bố tại nhiều nơi trong tỉnh.

Tiềm năng Du lịch

Quảng Nam có bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất, nhiều nơi còn hoang sơ. Cùng với đó, Quảng Nam có Hồ Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, khu rừng nguyên sinh phía Tây Quảng Nam, sông Trường Giang và Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An. Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6.000 ha mặt nước, khoảng 11.000 ha rừng xung quanh khu vực hồ và 40 đảo trong các hồ) là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch Quảng Nam. Môi trường không bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn và độ mặn vừa phải, nước biển xanh và đặc biệt khí hậu biển rất lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch.

Quảng Nam là một trong các tỉnh có nhiều địa điểm du lịch lý tưởng như: có 02 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là đô thị cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn; du lịch biển, đảo với các bãi biển đẹp (Cửa Đại, Bằng An, Cù Lao Chàm, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng), trong đó Cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; du lịch sinh thái được phát triển trên các làng nghề và làng dân tộc (làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng Triêm Tây). Bên cạnh đó các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng; Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương, Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An, Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An… tạo nên những điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo và những vùng ruộng, đồng, sông nước giữ nguyên nét điển hình của làng quê Việt Nam, hội đủ các yếu tố phát triển du lịch đồng quê, du lịch vườn, làm đa dạng các loại hình du lịch, tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 04 di tích quốc gia đặc biệt; 06 di tích cấp quốc gia; 279 di tích cấp tỉnh… là những địa chỉ đỏ thu hút nhiều lượt khách đến thăm và tìm hiểu.

Các yếu tố tự nhiên kết hợp với các di sản văn hóa, truyền thống lịch sử của Quảng Nam là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạnh ngành du lịch.

Tiềm năng thủy điện

Hệ thống sông ngòi nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài trên 900km, trong đó có 337km đã đưa vào khai thác, bao gồm 9 con sông chính. Nguồn nước mặt lớn với diện tích lưu vực sông: Vu Gia: 5.500km2, Thu Bồn 3.350 km2, Tam Kỳ 800 km2, Cu Đê 400km2, Túy Loan 300 km2, LiLi 280 km2…, lưu lượng dòng chảy sông Vu Gia 400m3/s, Thu Bồn 200m3/s… Có thể nói Quảng Nam là địa bàn có điều kiện thuận lợi về cung cấp nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác cũng như dân sinh. Đã xây dựng các công trình thủy lợi ở thượng lưu các con sông kết hợp xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ (thủy điện Sông Tranh I, Sông Tranh II, Sông AVương, Sông Bung…), nhằm hạn chế lũ lụt và cung cấp nước về mùa khô cho vùng đồng bằng ven biển, tạo tiền đề bền vững cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, đô thị và nước sạch cho dân cư, đô thị./.