Trận đài sinh tử của cao thủ từng thách đấu Lý Tiểu Long & màn mất tích không lời giải
Lực sĩ thọ giáo nhiều cao thủ võ học
Võ sĩ Đặng Ngọc Huỳnh, thường được biết đến với danh hiệu Huỳnh Tây Đen, sinh năm 1950, là con trai ruột của một viên chức di cư từ Bắc vào khu vực chợ Quảng Ngãi năm 1954, nay thuộc đường Nguyễn Bá Loan, TP.Quảng Ngãi. Cha của Đặng Ngọc Huỳnh tên Đặng Ngọc Quỳnh cũng là một lực sĩ, từ nhỏ ông đã luyện tập, hướng dẫn cho con mình tiếp cận với tạ, xà đơn, xà kép và võ thuật.
Đặng Ngọc Huỳnh từ nhỏ vốn có làn da đen, lì lợm, to cao và sức mạnh hơn người. Thời tiểu học, có một lần, Huỳnh từng đại diện cho lớp tư B chấp cả lớp tư A “đánh lộn” nhưng vẫn thắng. Ngày nhỏ, những người bạn thường rủ nhau ra đoạn sông Trà Khúc tắm sông. Trong khi các bạn khác chỉ leo lên chân cầu từ 2 – 3 mét để nhảy xuống tắm thì Huỳnh lại leo lên tận mức 8 mét để nhảy chúi đầu xuống sông trước sự hò reo nể phục của chúng bạn.
Võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen.
Khi ông vào Sài Gòn huấn luyện ở trường Quang Trung, người dân hay đồn với nhau rằng đi coi “thằng dân Quảng Ngãi đi lở đất”, ý nói Huỳnh Tây Đen với dáng đi kệch cỡm và cố tình tạo dáng khệnh khạng. Do cao to, cân nặng trên 72kg nên Huỳnh Tây Đen rất nổi danh đất Sài Thành lúc bấy giờ.
Võ sĩ Huỳnh Tây Đen được học taekwondo do 3 người thầy chỉ bảo tận tình. Thậm chí Huỳnh có lần từng đánh thắng thầy của mình là Nhất Lee vì lúc đó thầy đã 52 tuổi, nên được người đời truyền thổi, tô vẽ cho thêm phần ly kỳ.
Theo chia sẻ của anh Phan Anh – một người nghiên cứu võ thuật tại Quảng Ngãi cho biết, võ sĩ Huỳnh Tây Đen đến với võ đường thầy Lâm Võ vào năm 1968 khi đã thọ giáo taekwondo và nhiều môn võ nổi tiếng khác. Lúc đó thầy Lâm Võ đã gần 60 tuổi còn Huỳnh Tây Đen mới 18 tuổi.
“Huỳnh Tây Đen với sức trai trẻ, vóc dáng lực sĩ đã thử thách võ sư với điều kiện nếu võ sư đánh thắng, ông sẽ bái làm thầy. Võ sư Lâm Võ sau một vài bước di chuyển tránh né đòn cước của Huỳnh Tây Đen đồng thời tìm sơ hở ra tay móc vào sườn đối thủ một quả thôi sơn. Huỳnh Tây Đen ngã gục, bái phục và chiều hôm đó đã dâng lễ vật đến võ đường nhận thầy Lâm Võ làm sư phụ, lấy danh hiệu võ Lâm Huỳnh”.
Câu nói “tao đấu với mày” & trận chiến sống còn
Khoảng đầu năm 1968, Huỳnh Tây Đen có lần thượng đài đầu tiên tại rạp Kiến Thành (Quảng Ngãi) trong chương trình tổ chức “Cây mùa xuân chiến sĩ”. Ông đấu hòa với võ sĩ Tấn Hùng – tay đấm thượng thặng thời đó.
Năm 1972, tờ báo Đông Phương đăng tải thông tin lực sĩ quốc gia kiêm võ sĩ Huỳnh Tây Đen thách đấu với võ sĩ Lý Tiểu Long. Huỳnh Tây Đen nhỏ hơn huyền thoại họ Lý tới tận 10 tuổi. Xét về khả năng võ thuật lẫn kinh nghiệm chiến đấu thực tế, lực sĩ của Việt Nam không sánh bằng, song Đen lại có sức mạnh khủng khiếp khi từng đấm vỡ tường, bẻ cong cả thanh sắt lớn. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức tin đồn và thực tế không có trận đấu nào diễn ra.
Tuy nhiên, nói đến Huỳnh Tây Đen giới võ thuật không thể không quên trận trận tỷ thí với võ sư Nguyễn Hồng – một cao thủ trong làng võ lúc bấy giờ tại sân vận động Diên Hồng, TX. Quảng Ngãi vào một buổi chiều năm 1971.
“Nguyên nhân trận đấu như sau: Kết thúc một trận đấu võ đài, võ sư Nguyễn Hồng lên tuyên bố thách đấu với tất cả những võ sư ngoại tỉnh; kế tiếp Huỳnh Tây Đen cũng lên võ đài thách đấu với các võ sĩ, võ sư ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Hồng lập tức nhảy lên sàn bắt tay với Huỳnh Tây Đen, với câu nói “tao đấu với mày”. Thành ra mới có trận đấu nổi tiếng để đời vào ngày hôm sau.
Cuộc thách đấu được giới cá cược đỏ đen Quảng Ngãi ném hàng đống tiền để đặt cược đối với võ sĩ thắng trận. Nhiều ý kiến khác nhau trước cuộc so tài này: Có ý kiến lo ngại cho võ sư Nguyễn Hồng, bởi võ sĩ Huỳnh Tây Đen nặng ký và trẻ hơn. Vốn là học trò ruột của sư phụ Lâm Võ và cũng từng là võ sinh taekwondo, ngoài trình độ quyền thuật, Huỳnh Tây Đen còn là một lực sĩ có cú đấm như búa bổ, cú đá rất hiểm ác” – anh Phan Anh tiếp.
Ảnh minh họa.
Khoảng thời gian trước đó, trong một số hội diễn võ thuật, võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen đã biểu diễn công phu bằng cách dùng tay bẻ cong thanh sắt lớn, đập gãy cả khúc gỗ… Người ta ví đòn tay của võ sĩ này như 2 thanh xà beng bằng thép, nghe mà khiếp.
Ở chiều ngược lại, người ta cũng lo ngại cho võ sĩ Huỳnh Tây Đen sẽ bị bại trận. Bởi võ sư Nguyễn Hồng vốn là một cao thủ trong làng võ, đã từng thắng nhiều võ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông đã từng nhiều năm bôn ba học võ khắp cả nước và thông thạo các thế võ, trình độ ứng chiến khi giao đấu rất linh hoạt và tài tình, là trưởng một võ đường có tiếng của Quảng Ngãi.
“Huỳnh Tây Đen được bạn bè và gia đình can ngăn khi nhận lời thách đấu với võ sư Nguyễn Hồng, nhưng sự việc đã lỡ và được Ban tổ chức công bố nên ông đành chấp nhận dù biết mình có phần yếu thế hơn. Cả hai võ sĩ cũng ký vào bản cam kết sinh tử, nếu một trong hai có mệnh hệ gì thì người nhà không được kiện tụng. Chiếc quan tài khiêng tới cũng được đặt chính giữa phía trước sàn đấu càng làm không khí trở nên căng thẳng tột độ.
Huỳnh Tây Đen mới 21 tuổi, nặng hơn 72 kg sức như một con trâu mộng. Còn võ sư Nguyễn Hồng lúc ấy 31 tuổi nặng chừng 55 kg và đã có vợ con. Võ sư Nguyễn Hồng dùng chiến thuật không phù hợp, Huỳnh Tây Đen như con trâu nước, không thể tấn công liên tục rồi ôm vụt ra võ đài.
Sau cú đá bàn long cước chân trái của Huỳnh Tây Đen, Nguyễn Hồng né được, nhưng sau đó võ sư bị dính cú rờ-ve trái vào màng tang, loạn choạng suýt té. Ban tổ chức và trọng tài đã ngừng trận đấu, xử võ sư Nguyễn Hồng thua. Ông thua sức trẻ, sức khỏe, sự chịu đòn lì lợm của Huỳnh Tây Đen” – Blogger Phan Anh kể.
Cái chết bí ẩn 40 năm không lời giải?
Với sức vóc hơn người, thân hình đầy cơ bắp, sự nhanh nhẹn, tố chất nhà võ, chuyên cần luyện tập và sự chỉ bảo tận tình của võ sư Lâm Võ, Huỳnh Tây Đen đã nhanh chóng trở thành một trong những võ sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ.
Một thời, võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen trở thành thần tượng cho giới trẻ. Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn cùng với nghệ sĩ, võ sư Lý Huỳnh tham gia đóng nhiều bộ phim võ thuật nổi tiếng như: Cô Nhíp, Bản nhạc người tù, Cư xá màu xanh, Ngọn lửa Krong Dung…
Năm 1981, tức khi đó Huỳnh Tây Đen 31 tuổi đã trở thành một ngôi sao điện ảnh võ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, ông đột ngột biến mất khó hiểu khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Không ai biết Huỳnh đi về phương nào. Cũng chính vì sự mất tích bí ẩn nên người đời không ngừng đồn thổi về số phận của ông. Trong đó, một số người cho rằng Huỳnh Tây Đen có một trận tỷ thí cuối cùng, tay không đấu với cướp biển có vũ khí cứu phụ nữ, trẻ em nên bị sát hại trên biển Đông trong một lần vượt biển.
Tuy nhiên, đó chỉ là lời đồn chứ không có dẫn chứng cụ thể. Và đến nay đã trôi qua hơn 40 năm nhưng ngay cả gia đình cũng không thể biết được Huỳnh Tây Đen mất tích như thế nào.
https://soha.vn/tran-dai-sinh-tu-cua-cao-thu-tung-thach-dau-ly-tieu-long-man-mat-tich-khong-loi-giai-20220417105450482.htm