Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Cách mua trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Cách mua trái phiếu doanh nghiệp

Copy link

Khi tìm hiểu về thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mới không thể bỏ qua khái niệm trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư khá hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi mức sinh lời tương đối cao. Trái phiếu doanh nghiệp dễ bị nhầm lẫn với trái phiếu chính phủ, do đó việc nắm rõ khái niệm cũng như những đặc điểm riêng biệt của mỗi loại trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư rất nhiều trong những quyết định đầu tư của mình trên thị trường. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể trái phiếu doanh nghiệp là gì, đặc điểm trái phiếu doanh nghiệp và các kiến thức quan trọng xoay quanh loại trái phiếu này. Ngoài ra, cuối bài viết sẽ là những lưu ý cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Hãy cùng chúng tôi theo dõi ngay dưới đây nhé!

trái phiếu doanh nghiệp là gì

Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Khái niệm trái phiếu doanh nghiệp là gì được định nghĩa theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP như sau: Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành và có kỳ hạn từ 01 năm trở lên, với mục đích xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cũng như một số nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu (nếu có).

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 163 phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và tổ chức hoạt động tuân theo pháp luật Việt Nam.  

Điều 8 của Nghị định này cũng quy định đối tượng được quyền mua trái phiếu bao gồm cả các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam cũng như các cá nhân và tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo việc tự đánh giá rủi ro đầu tư đồng thời tự chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư của mình. 

Các loại trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp bao gồm 2 loại chính, đó là: 

  • Trái phiếu niêm yết: Đây là loại trái phiếu được đăng ký cũng như lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời trái phiếu niêm yết được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tập trung như HSX và HNX. Quá trình giao dịch trái phiếu này phải được thực hiện dựa theo quy định tại Sở giao dịch chứng khoán.

  • Trái phiếu OTC: Còn được gọi là trái phiếu phi tập trung, là loại trái phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch thị trường OTC. Giao dịch trái phiếu OTC không bị phụ thuộc vào các chính sách pháp lý mà hoàn toàn dựa theo những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư với nhau. 

Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp còn bao gồm: trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu có bảo đảm, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền. 

Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ theo Điều 6 của Nghị định 163 năm 2018, đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp bao gồm những nội dung nổi bật sau:

– Kỳ hạn trái phiếu: doanh nghiệp phát hành sẽ quyết định kỳ hạn trái phiếu tại mỗi đợt phát hành tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng như tình hình thị trường.

– Khối lượng phát hành: doanh nghiệp phát hành sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn từ thị trường trong từng thời kỳ khác nhau để quyết định khối lượng phát hành của từng đợt. 

– Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu:

  • Đối với trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành được quy định là đồng tiền Việt Nam.

  • Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường nước ngoài, đồng tiền phát hành được quy định theo thị trường nơi phát hành. 

  • Đồng tiền dùng để thanh toán gốc, lãi của trái phiếu và đồng tiền phát hành cùng loại với nhau. 

– Mệnh giá trái phiếu:

  • Trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước có mệnh giá là 100.000 đồng Việt Nam hoặc là bội số của 100.000 đồng Việt Nam. 

  • Mệnh giá của trái phiếu được phát hành ra thị trường nước ngoài được quy định theo thị trường nơi phát hành. 

– Hình thức trái phiếu:

  • Các hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: chứng chỉ, bút toán ghi sổ và dữ liệu điện tử.

  • Hình thức trái phiếu được quyết định cụ thể bởi doanh nghiệp phát hành đối với từng đợt phát hành thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành trái phiếu.

– Lãi suất danh nghĩa trái phiếu:

  • Các phương thức xác định lãi suất danh nghĩa trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn của trái phiếu; phương thức lãi suất thả nổi hoặc phương thức kết hợp giữa lãi suất thả nổi và cố định.

  • Nếu lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi, thì doanh nghiệp phát hành phải nêu rõ cơ sở tham chiếu nhằm xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành trái phiếu đồng thời công bố thông tin cho các nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp về cơ sở tham chiếu được sử dụng.

  • Tùy vào tình hình tài chính cũng như khả năng thanh toán nợ mà doanh nghiệp sẽ quyết định lãi suất danh nghĩa đối với từng đợt phát hành. Ngoài việc phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định này thì lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành còn phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

– Loại hình trái phiếu:

  • Trái phiếu không chuyển đổi: là loại trái phiếu có bảo đảm hoặc loại trái phiếu không có bảo đảm, có thể là trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.

  • Trái phiếu chuyển đổi: tương tự như trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi có thể là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu có kèm theo chứng quyền hoặc là trái phiếu không kèm theo chứng quyền.

– Giao dịch trái phiếu: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế thực hiện giao dịch trong giới hạn số lượng là dưới 100 nhà đầu tư không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, và giới hạn trong 1 năm tính từ thời điểm hoàn thành đợt phát hành, ngoại trừ trường hợp thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc theo hình thức thừa kế theo quy định của Pháp luật. 

  • Sau khoảng thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp có thể được giao dịch mà không bị hạn chế về số lượng các nhà đầu tư tham gia ngoại trừ trường hợp có quyết định khác của doanh nghiệp phát hành. Còn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ra thị trường ngoài nước thì thực hiện đúng theo quy định tại thị trường phát hành trái phiếu. 

– Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu: được quyết định bởi doanh nghiệp phát hành dựa vào nhu cầu sử dụng vốn cũng như thông lệ thị trường phát hành, sau đó được công bố đến các nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.

=> Ngoài ra, tại Điều 9 Nghị định 163 đã quy định về các quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu như sau:

  • Được nhận thanh toán đầy đủ và đúng hạn cả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn bởi doanh nghiệp phát hành trái phiếu đồng thời được đảm bảo việc thực hiện các quyền lợi kèm theo (nếu có) theo quy định tại các điều kiện và điều khoản của trái phiếu khi chính thức phát hành. 

  • Chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, chiết khấu, để lại hoặc sử dụng trái phiếu như một tài sản đảm bảo trong các quan hệ dân sự cũng như quan hệ thương mại theo quy định của Pháp luật. 

Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Dưới đây là nội dung chi tiết về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: cơ sở pháp lý, công ty được phát hành trái phiếu doanh nghiệp và điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý mà điều chỉnh điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính là Luật doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2020 có quy định về việc giao dịch, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và về việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài (thời gian có hiệu lực đều là từ ngày 01/01/2021). 

Công ty nào được phát hành trái phiếu?

Điều 2 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về các công ty được phát hành trái phiếu đó là các công ty cổ phần và các công ty TNHH thuộc diện được phép phát hành trái phiếu. 

Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định đối với loại hình công ty TNHH như sau:

– Đối với hoạt động chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc thực hiện chào bán trái phiếu được phát hành bởi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán mà không phải là công ty đại chúng) thì doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:

  • Phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập cũng như hoạt động theo pháp Luật Việt Nam.

  • Cần thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi của trái phiếu đã được phát hành hoặc thực hiện thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong vòng 03 năm liên tiếp trước khi đợt phát hành trái phiếu (nếu có) diễn ra; ngoại trừ trường hợp việc chào bán trái phiếu cho chủ nợ là các tổ chức tài chính đã được lựa chọn. 

  • Cần đáp ứng các tỷ lệ về an toàn tài chính, cũng như tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động đúng theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

  • Phải có phương án thực hiện phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo đúng quy định tại Điều 13 của Nghị định này. 

  • Báo cáo tài chính của năm trước liền kề với năm phát hành trái phiếu là phải có và đồng thời được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán có đủ điều kiện theo như quy định tại Nghị định này. 

  • Đối tượng tham gia vào đợt chào bán theo như quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này. 

– Đối với thực hiện chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm theo chứng quyền của công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán mà không phải là công ty đại chúng: các doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, và Điểm e tại Khoản 1 của Điều này. 

Ưu điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Về cơ bản, hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đem lại cho nhà đầu tư những ưu điểm sau đây:

  • Nhà đầu tư được nhận một khoản lãi hàng tháng cao hơn so với mức lãi tiết kiệm

  • Mức độ rủi ro của hình thức đầu tư này thấp hơn so với mức độ rủi ro khi đầu tư cổ phiếu, bởi người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước các cổ đông trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể

  • Trái phiếu doanh nghiệp có thể dễ dàng được trao đổi qua lại với mức lãi suất thực nhận trong thời gian đầu tư trái phiếu

  • Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể sử dụng lãi suất định kỳ để tái đầu tư, tạo cơ hội lời sinh lời. 

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mua trái phiếu doanh nghiệp ở đâu?

Để biết mua trái phiếu doanh nghiệp ở đâu, nhà đầu tư cần nắm được các phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Một số phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phổ biến nhất là: đấu thầu phát hành trái phiếu, đại lý phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành trái phiếu, bán trực tiếp trái phiếu cho các nhà đầu tư. 

Nhưng dù doanh nghiệp lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào, khi muốn phát hành trái phiếu thì bắt buộc doanh nghiệp phải công bố đến các nhà đầu tư thông tin về đợt phát hành trên trang thông tin điện tử của chính doanh nghiệp đó. Ngoài ra, còn phải thông qua chuyên trang thông tin về việc phát hành trái phiếu của Doanh nghiệp đó tại Sở giao dịch chứng khoán đúng theo quy định Pháp luật. 

Qua đó có thể thấy các nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin về đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp từ đó xác định được cần mua trái phiếu doanh nghiệp ở đâu.

Rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể phải đối diện những rủi ro sau đây:

  • Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp bị vỡ nợ, rất có thể bạn sẽ không được doanh nghiệp thanh toán khoản vốn vì khi đó doanh nghiệp không còn khả năng chi trả. Thực chất trái phiếu doanh nghiệp không được đảm bảo vô điều kiện. 

  • Thứ hai, nếu rơi vào thời điểm trái phiếu mất giá, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu muốn bán trái phiếu vào cuối thời hạn thì nhà đầu tư sẽ không nhận được nhiều khoản đầu tư như ban đầu. Do đó nhà đầu tư cần phải am hiểu cũng như cân nhắc kỹ về thời điểm bán trái phiếu.

Các bước đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Để mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiến hành theo các bước dưới đây:

  • Bước 1: Dựa vào chu kỳ chứng khoán để lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp chu kỳ chứng khoán này bùng nổ thì là thời điểm mà cổ phiếu trở thành tài sản đáng để đầu tư hơn. Ngược lại, trong trường hợp chu kỳ chứng khoán suy thoái thì bạn nên mạnh tay đầu tư vào trái phiếu, bởi bản chất trái phiếu có mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu, đây có thể coi là hình thức đầu tư an toàn và là nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư.

  • Bước 2: Thực hiện đánh giá rủi ro từ phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, bạn cần xem xét các yếu tố bao gồm: vị thế của doanh nghiệp trong ngành, uy tín của Ban quản trị và khả năng tài chính của doanh nghiệp.

  • Bước 3: Cân bằng giữa mức độ rủi ro và lãi suất của trái phiếu. Những trái phiếu có lãi suất ngất ngưởng không phải kênh bạn có thể hoàn toàn tin tưởng. Đây rất có khả năng là “mồi nhử” được tung ra bởi các công ty đang có vấn đề trong hoạt động nhằm thu hút nguồn vốn cho vay.

  • Bước 4: Cuối cùng nhà đầu tư cần cân nhắc về thời hạn của trái phiếu. Ở bước này, bạn cần dự định thời gian đầu tư, theo dài hạn hay ngắn hạn, cũng như mục tiêu của bạn là thu nhập hay lợi nhuận. 

Như vậy, trên đây là những kiến thức cần thiết xoay quanh khái niệm

trái phiếu doanh nghiệp là gì

cũng như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như thế nào? Trước khi tham gia đầu tư vào một lĩnh vực mới, việc tìm hiểu các khái niệm căn bản cũng như những lưu ý đặc biệt khi đầu tư là rất cần thiết để nhà đầu tư tránh được những rủi ro có thể xảy ra. Hy vọng nhà đầu tư đã nắm được nhiều kiến thức hữu ích về trái phiếu doanh nghiệp. Chúc các nhà đầu tư thành công trên mọi quyết định!