Trách nhiệm pháp lý là gì ? Khái niệm trách nhiệm pháp lí hiểu như thế nào ?
Trách nhiệm pháp lí là khái niệm cơ bản của khoa học pháp lí nói chung, lí luận chung về nhà nước và pháp luật nói riêng. Thông thường, trách nhiệm được hiểu là bổn phận của một chủ thể nào đó. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lí, trách nhiệm pháp lí được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau.
Theo nghĩa chung nhất, trách nhiệm pháp lí được hiểu là nghĩa vụ pháp lí, nói cách khác, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc chủ thể phải thực hiện một yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật. Cụ thể hơn, trách nhiệm pháp lí có thể được tiếp cận ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, trách nhiệm pháp lí là công việc mà chủ thể phải thực hiện theo quy định của pháp luật, chẳng hạn, chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành luật; toà án có trách nhiệm tống đạt quyết định xét xử đến đương sự…
Thứ hai, trách nhiệm pháp lí là công việc mà chủ thể phải thực hiện theo mệnh lệnh cụ thể của cơ quan, tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền, chẳng hạn chiến sĩ có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy đơn vị…
Thứ ba, trách nhiệm pháp lí là nghĩa vụ pháp lí về tài sản mà bắt buộc chủ thể phải thực hiện, chẳng hạn chủ sở hữu cây cối, súc vật phải bồi thường cho người bị thiệt hại khi cây cối, súc vật thuộc sở hữu của họ gây thiệt hại cho người khác…
Thứ tư, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi được pháp luật quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật khi chủ thể vi phạm pháp luật, chẳng hạn việc một người phạm tội phải chịu hình phạt tù về tội mà họ đã phạm.
Trong phạm vi của giáo trình này, trách nhiệm pháp lí được hiểu theo nghĩa thứ tư và luôn được gắn với vi phạm pháp luật. Theo đó, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lí bất lợi do vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm pháp lí theo nghĩa này có một số đặc điểm sau đây:
– Trách nhiệm pháp lí luôn gắn liền vi phạm pháp luật. Những hành vi tuy có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho xã hội nhưng nếu không bị coi là vi phạm, chẳng hạn hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lí.
– Trách nhiệm pháp lí thể hiện thái độ phản ứng của nhà nước và xã hội đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Nhà nước với tư cách là người duy trì và bảo vệ trật tự xã hội phải có biện pháp để lên án, trừng trị và ngăn chặn những chủ thể đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội.
– Trách nhiệm pháp lí luôn mang tính bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu. Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lí sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nhất định về quyền, tự do, tài sản, tinh thần, sức khoẻ, thậm chí kể cả tính mạng của họ.
– Trách nhiệm pháp lí là một loại nghĩa vụ pháp lí đặc biệt, phát sinh khi có vi phạm pháp luật. Chủ thể gánh chịu ưách nhiệm pháp lí bắt buộc phải thực hiện những xử sự nhất định trước một chủ thể khác, có thể là nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm hại.
– Trách nhiệm pháp lí được nhà nước bảo đảm thực hiện. Nhà nước bằng quyền lực của mình, bắt buộc chủ thể phải thực hiện đúng đắn, nghiêm chỉnh trách nhiệm pháp lí cùa mình.
Sở dĩ nhà nước buộc một người phải gánh chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình bởi khi thực hiện hành vi đó, họ là người có lí trí và có tự do ý chí. Trong cuộc sống, hành vi của con người tuy có tính tất yếu nhưng đồng thời luôn có tính tự do. Mặc dù hành vi của con người luôn chịu sự chi phối bởi điều kiện kinh tế xã hội của cuộc sống, tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội bên ngoài tác động đến hành vi của con người không phải một cách máy móc mà phải thông qua sự suy xét (lí trí) và sự quyết định (ý chí) của họ. Bởi vậy, trong những điều kiện hoàn cảnh khách quan giống nhau, mỗi người có thể lựa chọn cách xử sự riêng. Một người đã lựa chọn cách xử sự trái pháp luật trong khi hoàn toàn có thể xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm về xử sự đó của mình.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)