Trách nhiệm hình sự là gì? Tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trách nhiệm hình sự là gì? Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự? Tuổi chịu trách nhiệm hình sự?
Quy định trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 là sự thể hiện chính sách xử lý hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội, mặt khác để khẳng định trong trường hợp bình thường (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015), người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật là người có năng lực trách nhiệm hình sự – là người có đủ điều kiện để có thể có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự. Vậy trách nhiệm hình sự là gì? Người từ đủ bao nhiêu tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự?
* Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015.
Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568
1. Trách nhiệm hình sự là gì?
Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm và là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Trách nhiệm hình sự có những đặc điểm cơ bản sau:
1. Trách nhiệm hình sự là “hậu quả pháp lý của việc phạm tội thể hiện ở chố người đã gây tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước”.
2. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong PLHS bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện.
3. Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định.
4. Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu Trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của Trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích.
Xem thêm: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hành chính
2. Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự:
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật hình sự 2015), cụ thể như sau:
– Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Khoản 2 Điều 18 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Khoản 2 Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.( Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 20 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên ( gọi là phòng vệ chính đáng). Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nên người phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015)
– Người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa gọi là tính thế cấp thiết). Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm nên người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Người thực hiện hành vi để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phạm tội nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này. (Điều 26 Bộ luật hình sự năm 2015).
Xem thêm: Năng lực trách nhiệm hình sự là gì? Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
3. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Điểm giống nhau ở quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 và quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 là cả hai Bộ luật đều quy định tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi; cả hai Bộ luật đều giới hạn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm. Bên cạnh việc kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp này của Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung một số điểm mới trong quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn xét xử.
Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung vào sau quy định “Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” (khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999) quy định “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác” nhằm tránh “xung đột” giữa quy định của Phần quy định chung với một số quy định của Phần các tội phạm Bộ luật hình sự quy định chủ thể của tội phạm là người đủ 18 tuổi trở lên như tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự năm 2015); tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015);…và đây chính là “những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”.
Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa quy định “Người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999) theo hướng thu hẹp đáng kể số tội danh mà người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thực hiện phải chịu trách nhiệm hình sự và liệt kê các tội cụ thể người trong độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự (28/314 tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự thuộc 04 nhóm tội phạm: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; các tội xâm phạm an toàn công cộng).
Việc thu hẹp số tội danh và liệt kê các tội cụ thể người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải có trách nhiệm hình sự là sự thay đổi có tính đột phá chính sách hình sự của Nhà nước ta với người phạm tội trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Việc thay đổi này vừa có cơ sở thực tiễn, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, vừa phù hợp với chính sách xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải “bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu là nhằm mục đích giáo dục…” đối với người dưới 18 tuổi đặc biệt là với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi của Nhà nước ta.
Căn cứ quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể khẳng định:
Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm: tội cố ý cũng như tội vô ý; tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định chủ thể của tội phạm đó là người đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng chính sách hình sự giảm nhẹ theo những quy định của Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015 (xem bình luận Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015).
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại một trong các điều luật đã được giới hạn tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội danh được quy định tại Điều 123, 168 Bộ luật hình sự (khoản 3 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015).
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 và so với quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã thu hẹp đáng kể số tội danh người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS (28/314 tội danh); phải chịu TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm 02/314 tội danh như đã phân tích trên. Việc quy định này dựa trên cơ sở cân nhắc không chỉ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà còn cân nhắc đến cả tính phổ biến của hành vi phạm tội do người trong độ tuổi này thực hiện trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới.