Trách nhiệm hình sự là gì? Đặc điểm của trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lí bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Bài viết phân tích và làm rõ cách hiểu đúng về khái niệm trách nhiệm hình sự, đặc điểm, cơ sở chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự hiện nay:

 

1. Trách nhiệm hình sự là gì ?

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lí, bao gồm: nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích.

Cơ sở của trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự. Trách nhiệm hình sự được đặt ra khi:

1) Chủ thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật;

2) Chủ thể đã thực hiện hành vi được quy định trong luật hình sự là tội phạm;

3) Còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và chủ thể không được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Trách nhiệm hình sự không chỉ giới hạn ở trách nhiệm của người phạm tội mà cần được hiểu rộng hơn với nghĩa là tống hợp các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể: Nhà nước – bên thực hiện trách nhiệm hình sự và người phạm tội – bên chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, Nhà nước có quyền truy tố, xét xử và buộc người phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng và có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội không bị xâm phạm; Người phạm tội có nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, của các biện pháp cưỡng chế nhà nước và có quyền yêu cầu Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trách nhiệm hình sự gồm có: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo, không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Ngoài các hình phạt trên còn có thể áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân, tước danh hiệu quân nhân, tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.

 

2. Trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật Việt Nam là gì ?

Theo quan niệm truyền thống cũng như quy định trước đây của BLHS Việt Nam, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của cá nhân người phạm tội. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như tình hình thực tế của Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, trách nhiệm hình sự không còn là ttách nhiệm của riêng cá nhân mà bao gồm trách nhiệm hình sự của cá nhân và trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Hai loại trách nhiệm hình sự này tuy khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết vì đều xuất phát từ tội phạm cụ thể đã được cá nhân thực hiện. Do vậy, nghiên cứu trách nhiệm hình sự là nghiên cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân người phạm tội và trên cơ sở đó nghiên cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

 

3. Khái niệm trách nhiệm hình sự của người phạm tội

Trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề lí luận phức tạp. Hiện nay giữa các nhà luật học còn tồn tại nhiều quan dỉểm khác nhau.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Đây là nguyên tắc có tính quy kết. Thuật ngữ “trách nhiệm” ở đây không dùng để chỉ nghĩa vụ mà công dân phải có với Nhà nước và xã hội mà nó được dùng để chỉ hậu quả pháp lí bất lợi mà một người phải gánh chịu trước Nhà nước và xã hội vì họ đã thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật hình sự bắt buộc phải thực hiện, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nhà nước bảo vệ những quan hệ xã hội này bằng việc quy định những chế tài (hình phạt, biện pháp tư pháp) trong BLHS để áp dụng đổi với người phạm tội, tước bỏ hoặc hạn chế những quyền và lợi ích thiết thân của họ đồng thời buộc họ phải chấp hành những chế tài ấy. Hậu quả pháp lí đã nêu chính là trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự cũng chính là dạng trách nhiệm pháp lí bao gồm: 

“Nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích”

Vậy trách nhiệm hình sự của người phạm tội được hiểu là “Trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lí bất lợi về hành vi phạm tội của mình”.

 

4. Đặc điểm của trách nhiệm hình sự của người phạm tội

Từ khái niệm trách nhiệm hình sự, có thể rút ra một số đặc điểm của trách nhiệm hình sự như sau:

– Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lí cùa việc thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả này chỉ phát sinh khi có người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật hình sự bắt buộc phải thực hiện.

– Trách nhiệm hình sự (TNHS) chỉ có thể được xác định bằng trình tự đặc biệt theo quy định của pháp luật mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải thực hiện.

– Trách nhiệm hình sự được biểu hiện cụ thể ở việc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt – biện pháp tước bỏ hoặc hạn chế ở họ một số quyền hoặc lợi ích hợp pháp.

– Trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải gánh chịu là trách nhiệm đổi với Nhà nước chứ không phải đối với người, hay tổ chức mà quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại.

– Trách nhiệm hình sự phải được phản ánh trong bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án.

 

5. Cơ sở của trách nhiệm hình sự của người phạm tội

Vấn đề cơ sở triết học của trách nhiệm hình sự đã giải quyết câu hỏi “Trên cơ sở nào mà xã hội có thể buộc con người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của họT’.w Nhưng muốn biết căn cứ vào đâu mà Nhà nước có thể buộc con người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình thì phải nghiên cứu quy định của pháp luật, tức là cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 1 Điều 2 BLHS năm 2015 thì “chi người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự “. Để kết luận hành vi đã được thực hiện của người nào đó có phải là tội phạm không và tội đó là tội gì, hình phạt áp dụng đối với họ ra sao, cần phải xác định hành vi đó đã thoả mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể chưa? Nếu thoả mãn tức là người ấy đã thực hiện tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Như vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự, là điều kiện cần và đủ của trách nhiệm hình sự.

Việc xác định một cách thống nhất cấu thành tội phạm là cơ sở của trách nhiệm hình sự là nội dung quan trọng để thực hiện nguyên tắc pháp chế XHCN. Việc tuyên bố người nào đó là phạm tội và buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ có thể dựa trên cơ sở pháp lí là cấu thành tội phạm mà không thể dựa vào cơ sở nào khác. Nếu xác định hành vi của một người không có hoặc có nhưng không đầy đủ những dấu hiệu của bất kì cấu thành tội phạm cụ thể nào được quy định trong BLHS thì hành vi đó không thể bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi này không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm là sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. Chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự là Nhà nước và người phạm tội với những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Nhà nước có quyền áp dụng chế tài hình sự đối với người phạm tội và họ luôn có nguy cơ có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt.

Quan hệ pháp luật hình sự chỉ được thực hiện khi các cơ quan tiến hành tổ tụng (điều tra, truy tố, xét xử) khẳng định bị cáo phạm một hoặc nhiều tội được quy định trong BLHS ttong các văn bản của mình. Nhưng chỉ có bản án hay quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mới xác định một cách chính thức cơ sở của trách nhiệm hình sự và cụ thể hoá trách nhiệm hình sự bằng loại hình phạt cũng như mức hình phạt cụ thể để áp dụng đối với người phạm tội.

Khi tội phạm xảy ra nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện nhưng chưa tìm ra được người phạm tội, quan hệ pháp luật hình sự vẫn phát sinh và tồn tại. Tuy nhiên, quan hệ này sẽ không được thực hiện chừng nào cơ quan điều tra chưa phát hiện được tội phạm và người phạm tội.

Trong các trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì quan hệ pháp luật hình sự cũng đã phát sinh nhưng khi toà án áp dụng các biện pháp tác động xã hội để thay thế các biện pháp hình sự thì quan hệ pháp luật hình sự chấm dứt.

Trách nhiệm hình sự chấm dứt khi:

– Người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt (kể cả hình phạt bổ sung nếu có);

– Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt;

– Có đặc xá hoặc đại xá;

– Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Đã hết thời hiệu thi hành bản án.

Mọi vướng mắc liên quan đến trách nhiệm hình sự, tội phạm hoặc các quy định khác của luật hình sự Việt Nam -Vui lòng trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.