Trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục được quy định như thế nào?

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Trong đó có trách nhiệm của nhà trường. Bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày rõ về vấn đề này.

Nhà trường là gì?

Nhà trường là cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Nhà trường có đội ngũ các nhà sư phạm được đào tạo một cách chính quy, nội dung chương trình được chọn lọc, phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi, có phương tiện kỹ thuật phục vụ cho giáo dục. Mục đích giáo dục của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển xã hội và thời đại. Bằng kiến thức và phương pháp khoa học, bằng hình thức tổ chức các hoạt động sư phạm hợp lý, giáo dục nhà trường tạo nên bộ mặt tâm lý cá nhân phù hợp với những chuẩn mực giá trị xã hội và thời đại.

Trách nhiệm của nhà trường

Căn cứ theo Điều 89 Luật Giáo dục 2019 quy định trách nhiệm của nhà trường như sau:

Thứ nhất:  Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ.

Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.

Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức… trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với đặc thù công việc trong từng lĩnh vực hoạt động và được công khai để nhân dân giám sát việc chấp hành.

Gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đối với việc giáo dục người học. Ngoài việc học tập trên nhà trường, người học còn học hỏi, rèn luyện hoàn thiện bản thân từ các hoạt động trong gia đình và các yếu tố xung quanh của xã hội. Chính vì vậy, nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường.

Nhà trường phải đảm bảo cho giảng viên và người học môi trường học tập an toàn, lành mạnh, đẩy lùi triệt để tệ nạn xã hội trong nhà trường, hướng giảng viên và người học biết bảo vệ chính bản thân cũng như hỗ trợ tối đa sự an toàn cho giảng viên và học sinh.

Theo đó, pháp luật quy định trách nhiệm của nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập, đẩy mạnh giáo dục có hệ thống, liên kết, hướng đến mục tiêu giáo dục nói chung.

Thứ hai: Cơ sở giáo dục khác được áp dụng các quy định có liên quan đến nhà trường.

Cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

+ Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật;

+ Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên;

+ Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục

Luật Hoàng Anh