Trà trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng – Vua Nệm
Trinh nữ hoàng cung là dược liệu vô cùng quý và được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc cổ truyền, có tác dụng giúp kháng viêm, kháng khuẩn, phòng ung thư… Loại cây này còn được chế biến dưới dạng trà vô cùng tiện dụng, mà vẫn đảm bảo giữ được công dụng dành cho sức khỏe. Vậy cụ thể, tác dụng của trà trinh nữ hoàng cung là gì? Khi uống có cần kiêng cữ gì hay không?
Trước khi đi đến những công dụng của trà trinh nữ hoàng cung, hãy tìm hiểu đôi chút và loại cây này.
1. Trinh nữ hoàng cung là cây gì?
Cây trinh nữ hoàng cung hay còn được gọi là Náng lá rộng, tỏi Thái Lan, tỏi lơi lá rộng, vạn châu lan… và tên khoa học là Crinum latifolium L. Loài cây này thuộc loài thực vật có hoa và thuộc họ Amarylidaceae (Thủy Tiên).
Cây trinh nữ hoàng cung ưa sáng, cho nên thường được trồng tại những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình trong khoảng từ 22 đến 27 độ C. Chính vì thế, ở nước ta, loại cây này phân bố trên khắp 3 miền nhưng sẽ phổ biến ở các khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong trinh nữ hoàng cung chứa đến 11 loại axit amin khác nhau (phenylalanin, leucin, dvalin,…). Cùng với đó, phần rễ của cây này còn chứa lượng Glucan A vô cùng dồi dào (12 đơn vị glucose và glucan B với hơn 100 gốc glucose,…). Phần thân cây còn chứa các hoạt chất như lycorin, ambelin, pratorimin… Chính vì vậy, trinh nữ hoàng cung có thể mang đến rất nhiều công dụng cho sức khỏe.
Trong y học thì mọi bộ phận của cây trinh nữ hoàng cung đều được sử dụng, chẳng hạn như:
-
Lá cây tươi hoặc khô sẽ hãm thành nước trà để uống.
-
Thân hoa, cán hoa cũng như toàn bộ bông hoa sẽ dùng làm dược liệu chữa bệnh trong một số bài thuốc cổ truyền.
2. Tác dụng của trà trinh nữ hoàng cung là gì?
Một trong những công dụng nổi bật phải kể đến đầu tiên của loại trà này đó là khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh phụ khoa.
2.1. Ức chế khả năng phát triển của các khối u xơ
Các thành phần alkaloid như pseudo, lycorine, hippadine,… có trong dược liệu này có khả năng ức chế sự tổng hợp của các protein, từ đó giúp làm chậm sự phát triển của các khối u, đồng thời cản trở nguy cơ di căn của các khối u này.
Chính vì vậy, trinh nữ hoàng cung thường được sử dụng để hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng.
2.2. Hỗ trợ điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Không chỉ hỗ trợ điều trị bệnh lý phụ khoa, trinh nữ hoàng cung còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư tuyến tiền liệt cho phái mạnh.
Cao alkaloid cùng với methanol có trong dược liệu này giúp làm chậm sự phân chia của tế bào, làm cho các khối u khó có thể phát triển. Đồng thời, Lycorin có chức năng ức chế protein và ADN giúp tiêu diệt và ngăn cản sự tấn công của virus bại liệt.
2.3. Chống oxy hóa
Trong các thử nghiệm lâm sàng đã cho kết quả, trong dịch chiết từ cây trinh nữ hoàng cung cho chỉ số chống oxy hóa ORAC là 1610 ± 150 μmol TE/g. Điều này chứng tỏ, loại dược liệu này có khả năng chống oxy hóa.
2.4. Cải thiện triệu chứng viêm đường hô hấp và tiêu hóa
Trà trinh nữ hoàng cung vốn có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn. Cho nên, dược liệu này có thể giúp làm giảm tác nhân gây viêm, từ đó hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa như là ho, viêm họng, viêm loét dạ dày, viêm tá tràng, phòng ngừa xuất huyết dạ dày…
2.5. Bảo vệ các tế bào thần kinh
Trong một nghiên cứu, khi tiêm chất trymethyltin là chất gây hại hệ thần kinh trung ương lên chuột. Sau đó, sử dụng dịch chiết ra từ cây trinh nữ hoàng cung để chữa cho chuột, thì kết quả đã cho thấy, dịch chiết này có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh với mức độ trung bình.
Ngoài ra, trinh nữ hoàng cung còn được các chuyên gia khuyến khích sử dụng trong thời kỳ mãn kinh. Vì loại trà này có thể giúp làm giảm những cơn bốc hỏa, tăng sức khỏe của tử cung. Đối với phụ nữ trẻ, sử dụng trinh nữ hoàng cung sẽ hạn chế đau bụng kinh hiệu quả.
4. Cách pha trà trinh nữ hoàng cung
Với những lợi ích thiết thực dành cho sức khỏe, nhiều đơn vị đã chế biến loại thảo dược này thành các loại trà dạng lá khô hoặc chia thành các túi lọc nhỏ. Cho nên, bạn chỉ cần pha theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất là sẽ đảm bảo bảo toàn được các tác dụng của trinh nữ hoàng cung đối với sức khỏe.
Thông thường cách pha sẽ như sau:
-
Đối với trà dạng khô: Bạn hãy rửa sạch khoảng 20 – 30g trinh nữ hoàng cung khô rồi đun sôi với 1 lít nước, sau đó rót ra ly và uống. Bạn cũng có thể kết hợp với các loại dược liệu khác, nhưng phải đúng theo hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ.
-
Đối với trà dạng túi lọc: Cách pha đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngâm khoảng 3 túi trà (12 – 15g) vào 1 lít nước nóng và để ngâm khoảng 5 – 7 phút, sau đó bỏ túi trà đi là xong.
5. Lưu ý cần nhớ khi uống trà trinh nữ hoàng cung
Hiện nay có khá nhiều nhà cung cấp trà trinh nữ hoàng cung, thật giả lẫn lộn. Vì vậy, mọi người cần phải “tỉnh táo” lựa chọn nhà cung cấp uy tín, có đầy đủ chứng nhận, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe chính mình.
Ngoài ra khi sử dụng loại trà này, bạn cũng cần phải lưu ý những điều sau:
5.1. Thực phẩm cần kiêng
Khi sử dụng trà trinh nữ hoàng cung, bạn không nên ăn một số thực phẩm sau:
-
Thứ nhất là đậu xanh, rau muống , bởi vì các thực phẩm này có thể khiến cho bạn gặp một vài tác dụng phụ như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy…
-
Sử dụng đường có thể làm cho nồng độ insulin và estrogen tăng lên, đồng thời làm giảm nồng độ của hormone liên kết với các estrogen dư, làm cho các khối u xơ nhiều hơn.
-
Khi dùng sữa, sản phẩm làm từ sữa dùng chung với trinh nữ hoàng cung sẽ có thể làm tăng nồng độ estrogen, prostaglandin dẫn tới tình trạng đau đớn và co thắt do các khối u.
-
Thịt gia súc, gia cầm sẽ khó tránh khỏi tình trạng tích tụ thuốc kháng sinh trong khi nuôi. Vì thế, nếu dùng chung với trà trinh nữ hoàng cung sẽ làm dư thừa estrogen, có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
5.2. Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Trước khi sử dụng thảo dược này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi vì, với mỗi thể trạng và độ tuổi khác nhau thì cách sử dụng cũng không giống nhau.
Đặc biệt, khi bạn đang sử dụng thuốc chữa bệnh hay các thực phẩm chức năng cũng cần được sự cho phép của bác sĩ trước khi sử dụng, để tránh giảm tác dụng của thuốc cũng như tránh tác dụng phụ không mong muốn.
5.3. Đối tượng không được sử dụng
Không sử dụng trà trinh nữ hoàng cung cho trẻ em dưới 6 tuổi; phụ nữ có thai hay đang cho con bú; người bị suy giảm chức năng gan, thận.
5.4. Phân biệt trinh nữ hoàng cung với các loại cây khác
Trinh nữ hoàng cung có đặc điểm nhận diện rất giống với hoa lan huệ và cây náng trắng. Do đó, để tránh các tác dụng phụ không đáng có, bạn cần phân biệt các loại cây này với các đặc điểm sau:
-
Cây lan huệ: Lá cây có màu xanh đậm, dày, bản hẹp, không có phần gợn sóng ở 2 bên mép lá. So với trinh nữ hoàng cung, thân cây lan huệ cao hơn. Cánh hoa lan huệ màu trắng xanh, nhụy màu đỏ tía.
-
Cây náng hoa trắng: Cùng là thân hành như cây trinh nữ hoàng cung nhưng cây này có hình dáng dài. Lá cây này cũng dày hơn, to hơn, xanh đậm hơn, hoa có màu trắng.
5.5. Các lưu ý khác
Ngoài ra còn một số lưu ý sau:
-
Lúc đói bụng, không nên uống trà trinh nữ hoàng cung.
-
Không nên sử dụng quá liều lượng đã chỉ định, điều này có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt, tụt huyết áp…
-
Nếu không may khi uống trà trinh nữ hoàng cung bạn gặp bất cứ triệu chứng khó chịu nào thì hãy ngưng dùng và đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.
-
Không tự ý sử dụng trà trinh nữ hoàng cung kết hợp cùng các thảo dược, nguyên liệu khác mà chưa thông qua ý kiến bác sĩ.
-
Không nên để trà qua đêm mặc dù là bảo quản trong tủ lạnh, bạn nên uống hết ngay trong ngày.
>> Xem thêm:
Trên đây là những thông tin về công dụng của trà trinh nữ hoàng cung, cùng các lưu ý khi sử dụng. Thông qua bài viết, có thể thấy được, trinh nữ hoàng cung rất xứng đáng với danh xưng “thần dược” cứu nguy cho sức khỏe, nếu như sử dụng đúng cách. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm được một bí quyết sống khỏe hữu ích.