Trả lương theo sản phẩm và những điều cần biết – Open End
Nếu như trước đây hình thức trả lương theo sản phẩm thường chỉ được các nhà máy, đơn vị sản xuất áp dụng thì hiện nay, hình thức này ngày càng phổ biến. Không rập khuôn theo hình thức lương cứng truyền thống, hình thức này đảm bảo đúng tiêu chí “người thật việc thật”. Đặc biệt, nếu được áp dụng một cách hợp lý và có chiến lược thì hình thức trả lương theo sản phẩm chắc hẳn sẽ là một hình thức tối ưu để gia tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Định nghĩa về hình thức trả lương theo sản phẩm
Hình thức trả lương theo sản phẩm thuộc 1 trong 3 kỳ hạn trả lương được quy định trong Bộ luật Lao động nước ta.
Hình thức trả lương theo sản phẩm có thể hiểu là hình thức mà ở đó, người sử dụng lao động thực hiện thanh toán tiền công cho người lao động căn cứ theo số lượng và chất lượng, hoặc thậm chí là đơn giá của các sản phẩm mà người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm ra. Một trong những điều kiện tiên quyết để áp dụng hình thức này đó là một khung định mức bao gồm số lượng sản phẩm và tiền công trên một đơn vị sản phẩm, trong một thời gian nhất định.
Theo đó, tổng tiền công người lao động nhận được sẽ phụ thuộc trực tiếp vào lượng sản phẩm hợp lệ mà họ làm ra và được người sử dụng lao động chấp thuận. Năng suất lao động càng cao, tức người lao động làm được càng nhiều sản phẩm thì tiền lương của họ cũng càng cao. Lương theo sản phẩm có thể được thanh toán định kỳ theo ngày, theo tháng hoặc theo năm. Tại Việt Nam, hình thức này thường có kỳ hạn theo tháng.
Xem thêm: Tìm hiểu 6 phương pháp tính lương phổ biến hiện nay
Một số công việc áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm
Nhiều người nghe qua về trả lương về sản phẩm sẽ cho rằng hình thức này chỉ giới hạn ở những công việc lao động chân tay. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, “sản phẩm” không chỉ giới hạn ở vật chất hữu hình mà còn được mở rộng ra các lĩnh vực và dịch vụ “vô hình”. Trên thực tế, rất nhiều công việc văn phòng hay lao động trí óc áp dụng hình thức trả lương này.
Đối với các công việc lao động chân tay, hình thức trả lương theo sản phẩm thường áp dụng phần lớn trong các nhà máy hay công xưởng. Một ví dụ điển hình cho hình thức này đó là công việc giao hàng, một công việc “bùng nổ” trong thời gian đại dịch covid-19. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực phổ biến cũng sử dụng hình thức tính lương này có thể kể đến như: may mặc, các ngành hàng thủ công mỹ nghệ,…
Đối với các công việc lao động trí óc, lượng công việc áp dụng cách tính lương theo sản phẩm đang ngày càng gia tăng. Tiêu biểu có thể kể đến MC, dịch thuật, nhân viên kinh doanh,…
Ưu và nhược điểm của hình thức trả lương theo sản phẩm
Ưu điểm
Ưu điểm lớn nhất của trả lương theo sản phẩm đó là động lực để tăng năng suất lao động cũng như trình độ tay nghề của người lao động. Trong một số trường hợp thì hình thức này cũng gián tiếp tác động tới việc sử dụng máy móc thiết bị và dụng cụ lao động một cách có hiệu quả.
Về phía người sử dụng lao động, trả lương theo sản phẩm giúp họ dễ dàng tính toán và kiểm soát tiền lương của người lao động. Đồng thời, việc cải thiện năng suất cũng phần nào thúc đẩy họ cải tiến tổ chức lao động một cách hợp lý và khoa học hơn tại các phân xưởng, nhà máy. Đây cũng là một cách hữu hiệu hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng sản phẩm.
Về phía người lao động, trả lương theo sản phẩm đem tới cho họ sự tự chủ về tiền lương. Đồng thời cũng mang tới cho họ sự dễ dàng trong công tác khiếu nại hay kiện toàn định mức. Đây cũng là một cơ hội tốt giúp người lao động rèn luyện ý thức trách nhiệm và đôi khi cả tính đoàn kết với tập thể.
Như vậy, có thể nói, trả lương theo sản phẩm là hình thức kết hợp hài hòa giữa lợi ích của cả cá nhân và tập thể.
Nhược điểm
Bên cạnh những lợi ích kể trên thì hình thức trả lương theo sản phẩm cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể là hình thức này thường có xu hướng tạo tâm lý “số lượng hơn chất lượng”. Nếu doanh nghiệp kiểm soát không kỹ có thể rất dễ dẫn tới tình trạng người lao động chạy theo số lượng mà ít hoặc không quan tâm tới chất lượng sản phẩm đầu ra.
Ngoài ra, trong xã hội hiện đại, xu hướng ưa thích sự tự do của lớp lao động trẻ ngày nay vô tình đã làm cho các công việc áp dụng trả lương theo sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao. Việc cạnh tranh càng cao sẽ làm cho lợi ích tập thể bị hạn chế bởi người lao động gần như chỉ tập trung theo đuổi lợi ích cá nhân.
Đặc biệt, đối với trường hợp trả lương theo sản phẩm tập thể, hình thức này có thể tạo ra sự ỷ lại giữa quan hệ cá nhân trong một tập thể. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thiếu công bằng khi có người làm việc nhiều mà cũng có người chỉ làm một phần việc rất ít.
Phân loại các hình thức trả lương theo sản phẩm và công thức tính lương
Trả lương theo sản phẩm trực tiếp
Định nghĩa
Hình thức trả lương theo sản phẩm trực tiếp được xác định dựa vào số lượng sản phẩm hoàn thành thực tế và đơn giá tiền công cho một sản phẩm. Dĩ nhiên, các sản phẩm kể trên phải đảm bảo chất lượng hoặc đáp ứng một số tiêu chí do người sử dụng lao động đề ra và đơn giá tiền lương đã được hai bên thỏa thuận từ trước.
Hình thức trả lương này thường được áp dụng cho các công nhân chính, những người trực tiếp làm ra sản phẩm cuối cùng.
Công thức tính lương
Lương thực nhận = số lượng sản phẩm hoàn thành thực tế * đơn giá 1 đơn vị sản phẩm
Trả lương theo sản phẩm gián tiếp
Định nghĩa
Trả lương theo sản phẩm gián tiếp là hình thức áp dụng đối với những người đóng vai trò phụ trong quá trình lao động. Họ chỉ là những người phụ việc hoặc phục vụ cho người lao động chính. Vì vậy, số tiền họ nhận được tính toán một cách gián tiếp thông qua tiền lương của người lao động chính.
Hình thức này có một hạn chế đó là người lao động trở nên bị động và thiếu tính sáng tạo do họ phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lao động chính.
Công thức tính lương
Lương thực nhận = số lượng sản phẩm công nhân chính hoàn thành thực tế * đơn giá phục vụ 1 đơn vị sản phẩm
Trả lương theo sản phẩm tập thể
Định nghĩa
Hình thức trả lương theo sản phẩm tập thể thường áp dụng đối với các công việc nhiều người cùng thực hiện. Nếu coi nhóm người lao động này như một cá nhân cụ thể thì hình thức này thực chất cũng giống với hình thức trả lương theo sản phẩm trực tiếp.
Một ví dụ đơn giản đó là công việc chạy các dự án nhỏ lẻ. Vì lao động theo tập thể nên việc xác định kết quả và đóng góp của mỗi cá nhân rất khó để đảm bảo độ chính xác.
Điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức này đó là phải xác định được tổng tiền lương mà tập thể được nhận hoặc đơn giá của từng sản phẩm mà tập thể này đảm nhận.
Công thức tính lương
Lương thực nhận = Số lượng sản phẩm tập thể hoàn thành thực tế * đơn giá 1 đơn vị sản phẩm.
Trả lương theo sản phẩm có thưởng
Định nghĩa
Trả lương theo sản phẩm có thưởng là hình thức trả lương mà ngoài lương theo sản phẩm thực tế, người lao động sẽ nhận thêm một khoản tiền thưởng do hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm tốt hoặc năng suất làm việc cao. Cũng có trường hợp người lao động sẽ bị phạt hoặc trừ lương do chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Ưu điểm lớn nhất của hình thức này là thúc đẩy người lao động rèn luyện tay nghề và nâng cao năng suất làm việc. Đối với các công việc lao động trí óc thì hình thức này góp phần kích thích sáng tạo và thể hiện năng lực. Từ đó, sản phẩm trở nên chất lượng hơn mà người lao động cũng có trách nhiệm hơn trong công việc.
Tuy nhiên, trả lương theo sản phẩm có thưởng lại đi kèm với hạn chế đó là tính cạnh tranh vô cùng lớn. Người lao động có thể sẵn sàng làm hại tới lợi ích của người khác để giành lợi ích cá nhân cho mình.
Công thức tính lương
Công thức tính lương theo sản phẩm có thưởng sẽ phức tạp hơn 3 công thức trên:
Lương thực nhận = lương sản phẩm thực tế + [((Lt * Sp)/100) * LSP]
Trong đó:
-
LSP: lương sản phẩm thực tế;
-
Lt: % lương thưởng trên 1% hoàn thành sản phẩm vượt mức;
-
Sp: % hoàn thành sản phẩm vượt mức
Trả lương theo sản phẩm lũy tiến
Định nghĩa
Trả lương theo sản phẩm lũy tiến được chia thành hai loại đơn giá: cố định và lũy tiến. Trong đó, đơn giá cố định sẽ áp dụng cho các sản phẩm nằm trong mức quy định. Đơn giá này tương tự đơn giá của hình thức trả lương sản phẩm trực tiếp. Còn đơn giá lũy tiến được sử dụng để tính lương cho sản phẩm vượt mức.
Hiểu một cách ngắn gọn thì ngoài tiền lương theo sản phẩm trực tiếp, người sử dụng lao động còn căn cứ vào mức độ hoàn thành của một định mức lao động để tính thêm tiền lương theo tỷ lệ lũy tiến cho người lao động. Lượng sản phẩm vượt định mức càng cao đồng nghĩa với tiền lương cộng thêm càng nhiều.
Mặc dù kích thích năng suất lao động nhưng cách tính lương theo sản phẩm lũy tiến chỉ nên áp dụng khi doanh nghiệp cần gấp lao động để hoàn thành một hợp đồng hay đơn hàng nào đó hoặc trong một thời gian ngắn. Bởi nếu áp dụng dài hạn thì hệ số lũy tiến sẽ trở nên rất lớn, chi phí nhân công vì thế mà tăng dần và rõ ràng lợi nhuận của công ty sẽ giảm đi đáng kể. Trong trường hợp không ràng buộc rõ ràng hoặc quy định hợp lý, mức tiền lương bình quân rất dễ cao hơn so với năng suất lao động thực tế. Điều này sẽ làm hiệu quả kinh doanh hay sản xuất của doanh nghiệp kém đi.
Công thức tính lương
Tiền lương phải trả khi áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm lũy tiến được khái quát bằng công thức sau:
Lương thực nhận = lương sản phẩm thực tế + (số lượng sản phẩm vượt định mức * đơn giá 1 đơn vị sản phẩm lũy tiến)
Trên đây là 5 loại hình thức trả lương theo sản phẩm, có thể thấy hình thức này có khả năng đảm bảo các nguyên tắc lao động. Đây là hình thức mà doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được tùy thuộc vào đặc thù sản phẩm/ dịch vụ hay lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp.
Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End
Địa chỉ: Tầng 14, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
Chi nhánh Miền Bắc: Phòng 604, Tầng 16, Tòa nhà Rocland, Số 112 Mễ Trì Hạ, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
SĐT: 0938.603.496
Email: [email protected]
Website: OpenEnd.vn